01/11/2024

Hoà bình là điều kiện tiên quyết cho phát triển

Bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, là thông điệp được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong bài phát biểu chiều 25.9 (giờ New York) tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc.

 

Hoà bình là điều kiện tiên quyết cho phát triển

 

Bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, là thông điệp được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong bài phát biểu chiều 25.9 (giờ New York) tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc.


 


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ - Ảnh: L.H.QChủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ – Ảnh: L.H.Q
Đây là thông điệp được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong bài phát biểu quan trọng chiều 25.9 (giờ New York) tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Chủ tịch nước khẳng định văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể được hội nghị thông qua trước đó đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hoà bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch.
Đồng thời, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh thông điệp được Việt Nam đưa ra tại hội nghị lần này. Thứ nhất, đó là hòa bình và phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Các mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn.
Chủ tịch nước khẳng định các quốc gia chỉ tập trung được mọi nguồn lực cần thiết cho phát triển trong môi trường hoà bình, ổn định. Do đó, bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng ta cần thúc đẩy giải quyết thoả đáng các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, kiềm chế không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ hai, với tư cách là quốc gia đã đạt và vượt trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), Việt Nam cho rằng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển, mỗi quốc gia trước hết cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước.
Thứ ba là sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững, trong đó Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế đóng vai trò thúc đẩy và điều phối quan trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, nhằm xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực cùng các nước ASEAN và các nước liên quan duy trì và củng cố hoà bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác.
“Chúng tôi kiên trì và nhất quán chủ trương giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, Chủ tịch nước khẳng định.
160 lãnh đạo quốc tế dự hội nghị
Hội nghị thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã khai mạc trọng thể sáng 25.9 (giờ New York) tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), với sự tham dự của 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, trong đó có hơn 160 người đứng đầu nhà nước và chính phủ. Trong ngày họp đầu tiên, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và gần 60 tổng thống, thủ tướng phát biểu, hầu hết đều nêu bật tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030, nền tảng cho sự phát triển bền vững của thế giới trong 15 năm tới.

Chủ tịch nước dự toạ đàm về TPP
Chiều 25.9 (giờ New York), tại trụ sở của Công ty luật quốc tế Duane Morris ở New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt – Mỹ về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với doanh nghiệp hai nước. Sự kiện do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN, Phòng Thương mại Mỹ tổ chức.
Tham dự có gần 60 đại diện lãnh đạo của hàng chục công ty, tập đoàn lớn của Mỹ, trong đó có General Electric, Wal-Mart (siêu thị, bán lẻ), Pfizer (dược phẩm), Cargill (thương mại, nông nghiệp)…
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ mong muốn chính phủ hai nước tiếp tục hợp tác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau. Các doanh nghiệp Mỹ mong muốn lãnh đạo Việt Nam tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đóng góp của họ, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
Phía Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ có thêm tiếng nói ủng hộ việc chính phủ Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và không áp dụng các rào cản thương mại với hàng hoá Việt Nam.

Trường Sơn 
(từ New York)