11/01/2025

Khát vọng miền đất học

Hôm nay 18-9, lễ trao học bổng cho tân sinh viên tỉnh Quảng Trị sẽ mở đầu cho chuỗi các đợt trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 2015 cho tân sinh viên khó khăn trên cả nước.

  

Khát vọng miền đất học

 

Hôm nay 18-9, lễ trao học bổng cho tân sinh viên tỉnh Quảng Trị sẽ mở đầu cho chuỗi các đợt trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 2015 cho tân sinh viên khó khăn trên cả nước. 



 

Niềm vui của Nhật khi mua được tấm vạt giường cũ - Ảnh: Q.Nam
Niềm vui của Nhật khi mua được tấm vạt giường cũ – Ảnh: Q.Nam

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 156 tân sinh viên tỉnh Quảng Trị

* Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học, Đài PT-TH và báo Quảng Trị

* Tài trợ: Câu lạc bộ “ “Nghĩa tình Quảng Trị” và các nhà hảo tâm tại Quảng Trị

Chương trình tại Quảng Trị mang tên “Khát vọng miền đất học”.

Mỗi sinh viên mỗi hoàn cảnh nhưng đều có nét chung là vươn lên, vượt khó, như câu chuyện dưới đây.

Chiếc giường không có tấm vạt

Ngôi nhà nằm cuối con đường dẫn ra nghĩa địa, ba phía giáp với đồi cát mênh mông ở thôn An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị có cô gái Lê Thị Hữu Nhật đã bốn năm sống một mình ở đó.

Trong ngôi nhà chưa đầy 30m², chiếc giường là tài sản “gọi là có giá trị” duy nhất nhưng đã bỏ không mấy năm nay vì không có tấm vạt giường khi cô gái ăn, ngủ, học hành trên chiếc chiếu trải dưới nền đất. Với 20,75 điểm (khối A1) trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Nhật chọn học Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng để thời gian học ngắn lại cho đỡ tốn tiền.

Chúng tôi tìm về nhà em đúng lúc Nhật vừa đi qua nhà chú thợ mộc trong thôn về. Em khệ nệ bưng theo một tấm vạt giường đã bạc màu. Câu chuyện về chiếc giường của Nhật chúng tôi được nghe từ chị Hồng Vân – chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị – kể trước đó.

Tấm vạt cũ của chiếc giường này đã bị mục và gãy từ hai năm trước. Nhật không đủ tiền mua lại tấm vạt cho chiếc giường, chị Hồng Vân đã bỏ tiền túi đưa cho Nhật 200.000 đồng để mua lại tấm vạt. Nhật kể em mua tấm vạt giường này hết 170.000 đồng, đồ cũ nên mới rẻ thế.

Chúng tôi nói nhiều đến chiếc giường bởi số phận của nó cũng giống như số phận của Nhật. Bố của em, ông Lê Quang Quỳnh, bị tai nạn bom mìn nên mù cả hai mắt và cụt một cánh tay từ khi mới 17 tuổi. Không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, ông Quỳnh sắm một chiếc loa nhỏ cùng chiếc máy phát nhạc để đi hát rong.

Trong một lần mò mẫm hát rong, ông gặp mẹ Nhật tại Lăng Cô (Huế). Mẹ Nhật người Long An, cũng làm nghề bán hàng rong lưu lạc ra đây. Hai người phải lòng rồi dắt nhau vào Sài Gòn. Người vợ sáng mắt dắt người chồng mù loà đi hát rong, vừa kẹp thêm thúng hàng rong, đêm về ngủ dưới gầm cầu ở quận 9. Nhật và người anh trai được sinh ra ngay tại gầm cầu này.

Ông Quỳnh sau nhiều năm lang bạt ở Sài Gòn, thấy khó sống quá nên quyết định về quê tiếp tục nghề hát rong kiếm sống qua ngày. Hai anh em Nhật vẫn ở cùng mẹ tại Sài Gòn và được mẹ cho đi học.

Thi thoảng ông Quỳnh cũng gửi vô cho con được mấy trăm ngàn góp thêm tiền học phí. Đến năm Nhật học lớp 8, anh trai Nhật đã phải nghỉ học vì không đủ tiền. Thấy Nhật ham học quá, vợ chồng ông không nỡ bắt con nghỉ học. Ông Quỳnh quyết định cho con về quê bởi chỉ ở quê Nhật mới có thể tiếp tục đi học được.

Ông Quỳnh tiếp tục đi hát rong ở quê lo cho con gái ăn học. Mẹ Nhật bán nước ở gầm cầu vượt trong Sài Gòn thỉnh thoảng gửi ra năm bảy trăm ngàn. Lâu lâu bà mẹ lại ra Quảng Trị thăm hai cha con.

Nhưng mấy năm nay mẹ không còn về nữa, chỉ thỉnh thoảng gửi tiền về cho Nhật đi học. Công việc hát rong cũng như cảnh mù loà buộc ông Quỳnh phải thuê nhà trọ ở Đông Hà để ở. Nhật phải sống một mình trong ngôi nhà bên nghĩa địa. Chiếc giường là tài sản lớn nhất trong nhà nhưng nhiều năm nay không có tấm vạt là thế.

Không đủ tiền xe 
vô Đà Nẵng

Tuần trước khi về thăm nhà, biết con đậu cao đẳng ông Quỳnh hứa với con sẽ “tăng cường” suất hát rong để kiếm tiền cho con nhập trường. Nhưng mấy ngày nay trời mưa liên tục nên kế hoạch đó coi như phá sản. Nhật từng sống lang thang ở gầm cầu nhiều năm nên đã chai sạn với những khổ cực thường nhật.

Tuy nhiên, cô bé cũng buồn vì thời hạn nhập trường đã đến mà em vẫn không biết làm sao. Bà Trần Thị Bổng, hàng xóm của Nhật, kể hôm qua đã là ngày đến hạn nhập học của Nhật. “Hồi sáng hắn nói với tui tiền trong túi không còn đủ để trả tiền xe vô Đà Nẵng nữa, nói chi tiền nộp cho trường”, bà Bổng kể.

Chúng tôi ngược lên thành phố Đông Hà tìm ông Quỳnh. Ông ở trong một căn phòng trọ chật chội ngay sát đường xe lửa. Ông Quỳnh rầu rĩ ngồi lắng tai nghe trời mưa mà như muốn khóc.

Tài sản của ông cũng chỉ là chiếc balô đựng mấy bộ quần áo cũ cùng chiếc gậy tre giúp ông mò mẫm đi hát rong. Mấy gói mì tôm vứt ngổn ngang. “Lương thực mấy bữa ni của tui đó. Mần nghề hát rong mà trời mưa liên tục như ri thì có mì tôm ăn đã là may lắm rồi”, ông nói.

Nhắc chuyện bé Nhật sắp đi học, ông nở nụ cười mà khoé mắt rưng rưng. Ông nói như khóc rằng ông quyết tâm phải cho bé Nhật đi học, nhưng vẫn chưa biết làm cách nào. Mẹ bé Nhật đợt này cũng không có tiền gửi ra cho con.

“Nghe hắn nói khoản tiền nộp đầu năm hơn 3 triệu. Tui đi hát rong một ngày trừ tiền xe thồ, tiền cơm, tiền trọ cũng còn dư được năm ba chục. Cả tuần ni tính dành tiền cho con nhập học nên tui đã gắng đi sớm về muộn hơn để kiếm thêm mấy đồng. Nhưng rồi trời lại mưa bão. Biết mần răng đủ tiền cho bé đi học đây hè”, ông Quỳnh thở dài.

* Ông Nguyễn Đức Chínhchủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị:

Giúp sinh viên giỏi là đầu tư cho tương lai

Từ khi ra đời đến nay đã là năm thứ 13, chương trình học bổng Tiếp sức đến trường đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng người dân. Học bổng Tiếp sức đến trường khởi đầu từ Quảng Trị.

Và đúng như tên gọi của mình, chương trình này đã tiếp sức cho khát vọng học hành và theo đuổi ước mơ đến giảng đường của hàng chục ngàn sinh viên không chỉ tại Quảng Trị mà trên cả nước. Nhiều tân sinh viên nghèo tưởng như không thể tiếp tục đến trường đại học thì học bổng này đã có mặt đúng lúc để tiếp sức cho các em đến trường.

Qua 12 năm, đã có nhiều em thành tài, nhiều em đang tiếp tục du học ở những trường đại học của thế giới. Chỉ nhìn vào những câu chuyện hiện thực như thế cũng đủ thấy được ý nghĩa khó có thể nói hết bằng lời của học bổng Tiếp sức đến trường đối với sinh viên nghèo Quảng Trị.

Xin cảm ơn các đơn vị tổ chức học bổng, và đặc biệt là các cá nhân, tập thể hảo tâm đã tiếp sức cho sinh viên nghèo của Quảng Trị. Việc làm đó không chỉ là tấm lòng với người nghèo khó mà còn là sự đầu tư cho tương lai, từ những sinh viên tài giỏi.

Những quyết định khó khăn

Có đến gần 400 hồ sơ gửi về dự tuyển và hoàn cảnh nào cũng quá thương tâm, biết chọn ai bỏ ai đây? Nhìn tập hồ sơ buộc phải để lại, nhóm tuyển chọn ai cũng rớt nước mắt. Phía Hội Khuyến học đã không thể đành lòng bỏ đi sáu sinh viên theo thứ tự xét chọn từ 51 – 56 nên quyết định chọn cả 56 em. Tiền cho sáu suất học bổng ngoài dự kiến này, Hội Khuyến học phải chạy xin thêm từ các nhà tài trợ.

Như vậy, học bổng Tiếp sức đến trường Quảng Trị năm nay sẽ trao cho 156 tân sinh viên, mỗi suất 7 triệu đồng, do Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị (ở TP.HCM) cùng rất nhiều cá nhân, tập thể hảo tâm ở tỉnh Quảng Trị đóng góp.

Chương trình “Khát vọng miền đất học” do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức cùng các đơn vị tại tỉnh Quảng Trị gồm: Tỉnh đoàn – Hội Khuyến học – Sở GD-ĐT – Đài PT-TH – báo Quảng Trị với sự tài trợ học bổng của CLB Nghĩa tình Quảng Trị (ở TP.HCM) cùng các cá nhân và tập thể hảo tâm tại tỉnh Quảng Trị.

Chương trình sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa & thông tin tỉnh Quảng Trị (1A Hùng Vương, TP Đông Hà) lúc 20g15 tối nay 18-9, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Quảng Trị.

 

QUỐC NAM ([email protected])