Việt Nam cần cải cách kinh tế hơn nữa
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới. Tuổi Trẻ trích giới thiệu cùng bạn đọc.
Việt Nam cần cải cách kinh tế hơn nữa
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới. Tuổi Trẻ trích giới thiệu cùng bạn đọc.
Đại sứ Fukada Hiroshi Nguồn: Sứ quán Nhật Bản |
Trong thời điểm quan hệ hai nước đang được tăng cường một cách thực chất, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mang ý nghĩa tổng hợp của một chuỗi các hoạt động đối ngoại cấp cao giữa hai nước, đồng thời tôi hi vọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn và đạt được kết quả to lớn nhằm phát triển quan hệ hai nước Nhật Bản – Việt Nam “hướng tới tương lai”.
Trong những năm gần đây, hai nước đã cùng hợp tác và phát huy vai trò của mình một cách tích cực vì hoà bình, an ninh và phồn vinh của khu vực châu Á và thế giới. Có thể nói điều này là biểu hiện của việc cụ thể hóa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước.
Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) đầu tư 100 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất động cơ điện tại Khu công nghiệp Amata, Đồng Nai – Ảnh: T.T.D. |
Về mặt chính trị, tôi hi vọng thông qua hợp tác trong các lĩnh vực như nâng cao thượng tôn pháp luật trong an ninh biển, đảm bảo tự do và an toàn hàng hải và hàng không. Hơn nữa nhìn tổng quan tình hình châu Á, ví dụ như hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên hoặc rộng hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế như hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, hai nước sẽ giữ vai trò định hướng một cách tích cực trong các trao đổi liên quan đến lĩnh vực khu vực và quốc tế. Tôi mong hai nước sẽ trở thành đối tác như vậy.
Về mặt kinh tế, những năm vừa qua trong bối cảnh thực hiện quá trình toàn cầu hoá và tự do hóa thương mại thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN hay Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, tôi hi vọng Việt Nam xúc tiến hơn nữa cải cách kinh tế bao gồm hoàn thiện môi trường đô thị và cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển hơn nữa kinh tế và công nghiệp thông qua các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông ngư nghiệp và công nghệ thông tin, hướng tới phát triển kinh tế một cách bền vững và tự chủ.
Tôi hi vọng Việt Nam sẽ sử dụng một cách hiệu quả những khuôn khổ hợp tác giữa hai chính phủ thông qua viện trợ ODA của Nhật Bản, đồng thời cải thiện các môi trường nhằm xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18-9 theo lời mời của Chính phủ Nhật Bản. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Nhật Bản tổng cộng bốn lần, gần đây nhất vào năm 2008 khi còn là Chủ tịch Quốc hội và lần này là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư sau khi nhậm chức vào năm 2011. Mục đích chuyến thăm nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. |