11/01/2025

Singapore hướng tới một quốc hội đa dạng

Gần 2,5 triệu cử tri Singapore hôm nay 11.9 sẽ đi bỏ phiếu chọn 89 đại biểu cho một quốc hội mà họ thấy cần phải đa dạng tiếng nói.

 

Singapore hướng tới một quốc hội đa dạng

 

Gần 2,5 triệu cử tri Singapore hôm nay 11.9 sẽ đi bỏ phiếu chọn 89 đại biểu cho một quốc hội mà họ thấy cần phải đa dạng tiếng nói.



Singapore hướng tới một quốc hội đa dạng - ảnh 1Thủ tướng Lý Hiển Long (phải) trong một buổi vận động tranh cử – Ảnh: AFP

So với cuộc tổng tuyển cử 2011 được đánh dấu như một bước ngoặt khi đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền mất đến 6/87 ghế vào tay phía đối lập, cuộc bầu cử lần này còn thách thức PAP nhiều hơn.

Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Singapore, tất cả 89 ghế ở 29 khu vực cử tri đều có các đảng đối lập tranh cử. Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, Bilveer Singh nhìn nhận sự ra đi của nhà lập quốc và cũng là người sáng lập PAP Lý Quang Diệu hồi tháng 3.2015 có tác động mạnh lên cuộc bầu cử lần này. Chính phủ Singapore, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng thuộc thế hệ thứ ba Lý Hiển Long, đối diện với nhiều áp lực hơn khi ông Lý Quang Diệu không còn nữa.
Mặt khác, theo các nhà quan sát, các đảng đối lập gần đây cũng có sự nâng cấp đáng kể, khi nhiều người có học vấn cao từ phương Tây trở về chọn con đường chính trị đối lập, thay vì gia nhập PAP. Bên cạnh đó, “họ cũng ngồi lại với nhau để phân định khu vực tranh cử nhằm tránh chồng chéo gây tổn hao lực lượng”, công dân Singapore gốc Việt Nguyễn Quang Vũ, từng tham gia 3 ủy ban lãnh đạo địa phương dưới ngọn cờ PAP, nói với Thanh Niên.
Trong số 7 đảng đối lập tham gia tranh cử, nổi bật nhất vẫn là đảng Công nhân (WP), đảng đã lấy mất 5 ghế của những chính khách PAP kỳ cựu tại khu vực Ajunied năm 2011. Lần này, WP tranh cử 28 ghế ở 10 khu vực và có khả năng thắng 13 ghế, theo đánh giá của các nhà quan sát.
Không chỉ là bánh mì và bơ sữa
Ở góc độ đối lập, nhìn chung, các đảng đều tận dụng triệt để sự bất mãn của công chúng trước những vấn đề dân sinh vốn không mới, như chuyện người nhập cư, giá nhà ở đắt đỏ, những ràng buộc khắt khe đối với tiền hưu trí… để chỉ trích PAP và vận động cho đảng mình. Báo The Straits Times nhìn nhận, phần đông công chúng đến với các buổi diễn thuyết của các đảng đối lập đều bộc lộ những tâm tư này. “Họ không cần biết đến chất lượng ứng viên. Chỉ cần không phải đảng viên PAP là họ hưởng ứng”, nhà báo kỳ cựu John Lui tường thuật.
Tuy nhiên, cử tri Singapore ủng hộ các ứng viên đối lập không chỉ là những người chạy ăn từng bữa và học vấn thấp như mô tả bởi nhà báo John Lui. Trao đổi với Thanh Niên, cựu nhà báo Chin Kah Chong, 84 tuổi, cho hay ông sẽ bầu cho các ứng viên WP tại khu vực Marine Parade. “Tôi muốn có nhiều tiếng nói đối lập trong quốc hội. Không nên để một khoảng cách quá lớn giữa đảng cầm quyền với bên đối lập”.
Cùng ý kiến với ông Chin, tiến sĩ Nguyễn Quang Vũ cho biết ông sẽ bầu cho 5 ứng viên đảng Đoàn kết Dân tộc (NSP) tại khu vực Tampines. “Phải có một lực lượng đối lập đông đảo trong quốc hội, thay vì chỉ một thiểu số bị áp đảo như hiện nay, thì các cuộc tranh luận mới thật là tranh luận”, ông nói. Ông Vũ, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Regulus đồng thời là người sáng lập Hiệp hội người Việt tại Singapore (VAS), cho rằng các chính sách của PAP hiện chỉ nhắm tới người giàu, nên việc ông “ủng hộ các đảng đối lập cũng là ủng hộ những người thấp cổ bé họng”.

 

Thục Minh 
(VP Singapore)