10/01/2025

Người Việt ở Pakse

Sau một tuần nếm đủ các món đặc sản ở Huế, tôi quyết định mua vé xe khách, đi ngược lên Quảng Trị, qua cửa khẩu Lao Bảo để khám phá Nam Lào.

 

Người Việt ở Pakse

 

 

Sau một tuần nếm đủ các món đặc sản ở Huế, tôi quyết định mua vé xe khách, đi ngược lên Quảng Trị, qua cửa khẩu Lao Bảo để khám phá Nam Lào.



Một chị người Việt bán bánh mì thịt ở chợ Pakse - Ảnh: H.TônMột chị người Việt bán bánh mì thịt ở chợ Pakse – Ảnh: H.Tôn
Chiếc xe giường nằm hai tầng xuất phát từ bến xe Huế lúc đầu rất thoáng và dễ chịu, nhưng chỉ được nửa đường, nó bỗng nghiễm nhiên trở thành một chiếc xe thồ hàng chính hiệu. Từng lô hàng cồng kềnh được đóng gói cứ nhét đầy vào tất cả các góc xe còn trống, thậm chí lấp đầy lối đi, chèn chung vào giường của khách đi buôn.
Trên xe hầu như không lúc nào yên lặng bởi tiếng càu nhàu của các vị khách lớn tuổi khó tính, tiếng trẻ con khóc, tiếng trao đổi tiền hàng, tiếng nói chuyện ồn ào với giọng miền Trung trọ trẹ suốt cả chặng đường. Không gian đã chật chội lại càng thêm bức bối.
Mùi gió Lào huyền thoại
Bên ngoài cửa kính, phía VN nhà cửa san sát, đông đúc bao nhiêu thì phía Lào thưa thớt và vắng vẻ bấy nhiêu. Cách vài chục mét mới có một mái nhà sàn gỗ cũ kỹ, trơ trọi giữa cái nắng gay gắt trông như những viên than nguội đang được nung âm ỉ trong một chảo lửa khổng lồ.
Một chị người Việt bán bánh mì thịt ở chợ Pakse - 2
Một cô trung niên người Huế bỗng nhiên nói lớn tiếng át giọng của mọi người trên xe: “Có ai muốn đổi tiền không? Giờ mà đến thị trấn là ngân hàng đóng cửa rồi, không đổi được đâu”. Thế là mọi người lại nhao nhao lên hỏi tỷ giá và đem tiền ra đếm, tranh nhau đổi khiến cho cô trung niên trả lời đến là chật vật. Đợi mọi người xong hết, tôi chần chừ mãi rồi cũng vét các túi lấy hết tiền Việt ra đổi được 1 triệu kíp. Tiền Lào đắt gần gấp 3 lần tiền Việt.
Lẽ ra từ Huế đi Pakse chỉ có 8 giờ xe chạy, nhưng vì phải dừng lại giữa đường nhiều lần để đón khách và chất hàng nên đi từ 7 giờ sáng mà 10 giờ đêm mới đến nơi. Mệt lả người, tôi gọi xe tuk tuk đưa về nhà nghỉ đã đặt trước với cái bụng lép kẹp kêu réo từng chặp, mồ hôi bê bết bởi không khí hầm hập từ đường nhựa hất lên và những cơn gió nóng táp vào mặt liên hồi.
Giờ thì đã thật sự nếm mùi gió Lào huyền thoại rồi đây!
Một món ăn, 3 thứ tiếng
Mấy hôm ở Pakse, tôi hết đi bộ loanh quanh qua các con phố rồi lại thuê xe máy khám phá vùng ngoại ô. Những căn nhà thấp nằm san sát nhau, nép dưới các tán bàng xanh yên bình trong khu phố nhỏ. Mới sáng sớm mà nắng đã lên cao và nhuộm vàng ươm mọi ngõ ngách.
Tôi ghé thăm ngôi chùa lớn có mái uốn lượn điệu đà dát vàng rực rỡ, tráng lệ. Xung quanh chùa là những cái tháp nhỏ đựng tro cốt người chết xây thẳng hàng cũng được sơn son thếp vàng cầu kỳ. Cây sứ nở đầy hoa rơi khắp sân, toả hương thơm khiến cho ngôi chùa bên sông được bao bọc bởi một không khí mê hoặc. Rồi tôi lái xe máy hỏi đường đi đến chợ Đào Hương, ngôi chợ Việt lớn của một doanh nhân Việt kiều thành công trên đất Lào. Chợ khá khang trang, có đủ các mặt hàng, phân từng khu và đặc biệt, tiểu thương đa số là người Việt. Dạo một vòng ở đây, chẳng khác gì đang đi chợ Tân Định gần nhà ở TP.HCM. Các cô, các bác miệng thì nói chuyện tiếng Việt rôm rả, tay chân vẫn tất tả làm việc, bày dọn hàng, chào mời khách đon đả. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác đi nước ngoài mà y như đang ở nước mình.
Buổi trưa, tôi ghé một quán ăn gần nhà nghỉ. Quán nằm ngay góc ngã tư, không gian mở, điều đó có nghĩa là rất nóng vì không có máy lạnh, nhưng khá sạch sẽ. Nhân viên đem ra thực đơn toàn món ăn Việt với cả 3 thứ tiếng Việt, Lào và Anh. Khi gọi món, cô chủ quán bước đến và nói tiếng Lào với tôi. Tôi cười và bảo mình là người Việt, rồi hỏi cô có phải người Việt không? Cô gật đầu. Rồi cô kể cô là Việt kiều, sang đây từ nhỏ. Nhà cô gốc Huế, vài năm mới về một lần. Ở đây nhiều người Việt lắm, có những xóm chỉ toàn người mình với nhau, có hẳn câu lạc bộ người Việt, chùa người Việt. Con cô cũng học trường người Việt, nói tiếng Việt rành lắm, giỏi hơn cô nhiều. Tôi gọi cơm với sườn non chiên giòn. Một hồi, cô mang ra một đĩa cơm to có rất nhiều sườn và rau, đầy vun cả đĩa.
Cô cười, khoé mắt có vài nếp nhăn rẽ ra ngoài như đuôi chim sẻ, bảo: “Lâu lắm mới thấy một đứa con gái Việt đi một mình sang đây, thấy tội quá, cứ ăn nhiều đi nhé!”.
Vừa cảm động, vừa buồn cười, tôi có thấy mình tội đâu cơ chứ. Ôi, cái đĩa cơm này, nhiều và to như đĩa cơm tấm mẹ làm cho tôi ăn sáng, ăn xong là no đến chiều. Sao tôi vẫn luôn cảm giác như mình đang ở nhà nhỉ?
Tin nhau “như người Lào”
Chiều hôm đó, tôi thơ thẩn đi dạo dọc bờ sông, hàng quán xếp hàng suốt cả bờ đê. Ban đầu là quán cóc với những chiếc xe đẩy, vài bộ bàn ghế nhựa bán đồ ăn vặt như xiên que, gỏi đu đủ… Sau đó là những quán nhậu, có chòi lá vươn ra ngoài sông. Tôi chọn một quán với chỗ ngồi lý tưởng có thể thấy hoàng hôn và tượng Phật khổng lồ trên núi bên kia sông. Tôi gọi một con cá nướng muối, món đặc sản của thành phố Pakse, và một chai bia Lào. Thịt cá mềm, dai, thơm ngon ăn cùng với rau, bún cuốn bánh tráng chấm nước mắm. Nắng chiều đã chuyển sang một màu tím rịm, như một mảng màu của một hoạ sĩ thất tình nào đó chán nản quét cọ ngang qua bầu trời. Hoàng hôn Pakse không rực rỡ mê say, không lộng lẫy huy hoàng mà nhẹ nhàng và yên ả như nụ cười hiền của người dân bên dòng Mekong.
Một nhóm khách mới vào ngồi xuống cái bàn ngay sau lưng tôi. Họ nói cười ồn ào, gọi nhau í ới, phá tan không gian yên tĩnh và lãng mạn tôi vừa có. Qua vài mẩu đối thoại, tôi đoán họ là người Việt, sang Pakse chào bán các loại mỹ phẩm làm tóc. Đoạn một ông to béo, bệ vệ quát người phục vụ đem sai món bằng tiếng Lào, rồi quay qua chửi đổng bằng tiếng Việt. Cả bàn cười rần rần. Anh nhân viên phục vụ chỉ biết cười và rối rít xin lỗi.
Chợt nhớ lại câu nói của cô chủ quán hồi trưa khi tôi hỏi cô thích ở đâu hơn, có thích về Việt Nam sống không? Giọng cô đang vui vẻ bỗng chùng xuống: “Cô sống ở đây quen rồi, nơi này tuy nhỏ nhưng yên bình, dân ở đây hiền lành. Với lại, nói thiệt, dân Việt mình lại không tin nhau nhiều như người Lào tin mình đâu cháu ạ”.
Trung tâm giao thương Việt – Lào Pakse là thủ phủ của tỉnh Champasak và vùng Nam Lào, cũng là thành phố lớn thứ hai của đất nước triệu voi. Pakse được biết đến là trung giao thương của hai nước Việt – Lào nhiều hơn là trung tâm du lịch. Tuy nhiên, từ Pakse lại thuận tiện để có thể khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp của cao nguyên Bolaven, tìm hiểu di tích lịch sử Wat Phou hay Si Phan Don. Cũng từ Pakse, bạn có thể bay hay đón chuyến xe đêm đến thủ đô Vientian ở phía bắc.

Hương Tôn