28/11/2024

​Cơm và bún 1.000 đồng

Tại sao không miễn phí 100% mà lại bán với giá 1.000 đồng? Là để người lao động có trách nhiệm và ý thức với bữa ăn của mình.

 NIỀM VUI MỖI NGÀY

​Cơm và bún 1.000 đồng

 

Tại sao không miễn phí 100% mà lại bán với giá 1.000 đồng? Là để người lao động có trách nhiệm và ý thức với bữa ăn của mình.  




Chị Đoàn Thị Phương nhận suất bún bò Huế 1.000 đồng - Ảnh: - QUANG THẾ
Chị Đoàn Thị Phương nhận suất bún bò Huế 1.000 đồng – Ảnh: – QUANG THẾ

Cứ vào sáng thứ hai hằng tuần tại quán bún bò Huế ở số 30 Ô Chợ Dừa (Q.Đống Đa) và vào ngày thứ sáu đầu tháng, nhà hàng “Beer Cô Ba” số 39 Liên Trì (Q.Hoàn Kiếm, cùng ở Hà Nội) tổ chức hàng trăm suất ăn với giá chỉ 1.000 đồng.

Chị Đoàn Thị Phương (32 tuổi, quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định) bảo rằng chị làm nghề tự do ở Hà Nội từ nhiều năm nay nhưng do thu nhập thấp, tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống và gửi về quê cho con ăn học nên chị “chưa một lần dám vào quán ăn hay hàng nước”.

“Động viên người lao động”

Bưng trên tay tô bún có móng giò, mọc… đang bốc hơi nóng hổi,  chị Phương nói: “Tôi là người lao động có lẽ thu nhập thấp nhất xã hội, được ăn tô bún ngon chỉ với 1.000 đồng trong khi giá bán bình thường là 35.000 đồng nên cảm thấy rất vui vì không chỉ ở vật chất mà còn là bữa ăn tinh thần”.

Chủ quán bún bò Huế nói trên là bà Nguyễn Thị Oanh (52 tuổi, quê Thanh Hoá). Bà Oanh chia sẻ bà với hai con trai làm chương trình bún 1.000 đồng này “nhằm động viên những người lao động nghèo”.

Bà nói: “Tại sao tôi không miễn phí 100% mà lại bán với giá 1.000 đồng là để người lao động có trách nhiệm và ý thức với bữa ăn của mình. Để mọi người vào quán thấy thân thiện và không có cảm giác như kiểu được ban ơn. Tôi sẽ tiếp tục bán với giá 1.000 đồng/tô bún đến lúc nào không thể làm được nữa thì thôi”.

Bà Chới cùng người lao động nghèo ăn suất cơm trưa 1.000 đồng tại nhà hàng “Beer Cô Ba” - Ảnh: QUANG THẾ
Bà Chới cùng người lao động nghèo ăn suất cơm trưa 1.000 đồng tại nhà hàng “Beer Cô Ba” – Ảnh: QUANG THẾ

Suất ăn nghĩa tình

Trong khi đó, bữa cơm 1.000 đồng tại nhà hàng “Beer Cô Ba” được nấu bằng gạo tám, có thịt, trứng, đậu phụ xốt, canh rau các loại… do chính các đầu bếp của nhà hàng “trổ tài”. Ngoài bữa ăn còn có trái cây tráng miệng. Người đến ăn cơm được ngồi trong không gian rộng rãi, thoáng mát và có máy lạnh. Nhiều người ngại ngùng bước vào quán thì được các tình nguyện viên ra tận nơi tiếp đón tận tình.

Anh Phạm Ngọc Triển (31 tuổi, phụ trách suất cơm 1.000 đồng) cho biết chương trình “Bữa trưa vui vẻ” với 100 suất ăn mỗi tháng xuất phát từ ý tưởng của ca sĩ Tuấn Hưng, với sự đóng góp của Công ty HAT, tập thể đội bóng HAT cùng nhiều nhân viên trong nhà hàng. Người nấu ăn, người phát tờ rơi ở các bệnh viện, nhà ga, những nơi ở có đông dân lao động để thông tin về cơm 1.000 đồng.

Bưng trên tay đĩa cơm nóng sốt, chị Hoà (30 tuổi, làm nghề tự do) nói: “Tôi lên Hà Nội mấy năm rồi cũng ít có cơ hội về thăm nhà. Mỗi khi vào quán cơm 1.000 đồng này thấy đầm ấm như ăn cơm cùng gia đình mình vậy. Mọi người đón tiếp rất nhiệt tình, đồ ăn nấu cũng rất ngon”. Ông Nguyễn Văn Triệu (62 tuổi, quê Nam Định) thì bảo rằng “vô cùng xúc động vì một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Bà Chới (quê huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá sống ở Hà Nội bằng nghề bán nước dạo cả ngày chỉ được vài chục ngàn đồng nên bà phải ăn tạm bánh mì, rồi mì gói để qua ngày. Bà nói: “Mới đầu tôi cũng sợ bị lừa vì họ mời vào ăn quán sang mà giá chỉ 1.000 đồng nên không dám đi theo. Mấy hôm sau thấy mọi người nói là họ làm từ thiện thật nên mới dám vào. Từ hôm đó đến nay, hôm nào có chương trình 1.000 đồng tôi cũng đến để ăn trưa…”.

“Người lao động nghèo thường hay mặc cảm và dễ bị tổn thương. Mỗi suất ăn là tình cảm của nhà hàng dành cho người lao động chứ không phải chuyện xin hay cho. Với chúng tôi, những suất cơm này nhằm tiếp thêm động lực để người lao động nghèo sống tốt hơn” – anh Phạm Ngọc Triển cho biết.

QUANG THẾ