09/01/2025

Thế giới chết lặng với bức ảnh thi thể bé trai trên bãi biển

Mặc áo đỏ, quần xanh và đôi giày nhỏ xíu như bao đứa trẻ khác, nhưng bé trai này đã không còn sống khi được phát hiện nằm úp mặt trên một bãi biển vắng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-9.

  

Thế giới chết lặng với bức ảnh thi thể bé trai trên bãi biển

 

 

Mặc áo đỏ, quần xanh và đôi giày nhỏ xíu như bao đứa trẻ khác, nhưng bé trai này đã không còn sống khi được phát hiện nằm úp mặt trên một bãi biển vắng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-9. 




Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Nếu những bức ảnh mạnh mẽ về cái chết của đứa trẻ Syria không thể thay đổi quan điểm của châu Âu về người tị nạn thì cái gì có thể?

Báo The Independent của Anh

Những con sóng vỗ về thi thể đứa trẻ cũng đã cướp đi sự hồn nhiên của em và giết hơn 12 người nhập cư Syria khác trên chiếc tàu đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tìm đường đến đảo 
Kos của Hi Lạp.

Bé trai được xác định là Aylan Kurdi, 3 tuổi, một trong những nạn nhân Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái để tránh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Anh trai 5 tuổi và mẹ của em cũng thiệt mạng trong khi người cha sống sót.

“Tôi đến bãi biển và thật sự kinh hoàng. Tim tôi như vỡ nát” – một người đánh cá đã phát hiện thi thể em kể lại trên BBC.

Hình ảnh buồn bã này lập tức tạo ra làn sóng chấn động thế giới và cho thấy cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đang ngày càng tồi tệ. Hàng ngàn người thiệt mạng mỗi năm khi vượt biển đến châu Âu trên đường tìm miền đất hứa.

Tờ The Independent của Anh quyết định đưa hình ảnh này lên website như một lời cảnh tỉnh vì “nếu những bức ảnh mạnh mẽ về cái chết của đứa trẻ Syria không thể thay đổi quan điểm của châu Âu về người tị nạn thì cái gì có thể?”.

Tờ La Repubblica của Ý gọi đây là “bức ảnh khiến thế giới chết lặng”. Trên mạng Twitter, hình ảnh đau lòng này được lan truyền với hashtag #KiyiyaVuranInsanlik (tạm dịch: nhân tính chết trôi).

Trong khi các nhà hoạt động, các tổ chức liên tục cảnh báo về cái giá nhân mạng khủng khiếp của cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các lãnh đạo khu vực vẫn bất đồng về cách giải quyết khủng hoảng.

Trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm hàng ngàn người đổ về các nước nằm ở cửa ngõ của EU như Hi Lạp, Ý, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak cho rằng khu vực Schengen đang bị chia rẽ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố cả hệ thống này đang đứng trước rủi ro nếu EU không thể đạt được sự đồng thuận về chính sách cho người tị nạn và nhập cư.

Đức khẳng định cần nới lỏng quy định nhập cư đối với những người tị nạn đến từ Syria, nhưng Áo cho rằng điều này càng gia tăng sức ép đối với các nước như Hungary, quốc gia được coi là “điểm quá cảnh” để người di cư có thể tới Đức.

Anh, quốc gia bị chỉ trích không tạo điều kiện cho những người tị nạn đến từ Syria, tiếp tục giữ lập trường không cho phép những người di cư tị nạn. Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng điều quan trọng nhất là mang lại hòa bình và ổn định tại chính những quốc 
gia đang có xung đột.

Trong khi đó tại Hungary, quốc gia này phải tiếp nhận khoảng 50.000 người di cư trong tháng 8 vừa qua, căng thẳng vẫn tăng khi hàng ngàn người di cư xung đột với cảnh sát khi bị chặn đường vào nhà ga chính ở Budapest, nơi họ sẽ tìm cách nhảy tàu để tới các nước Tây Âu.

Theo Reuters, chính quyền Hungary vừa lên tiếng trấn an rằng họ vẫn thực thi các biện pháp kiểm tra theo đúng thủ tục với những người di cư lên tàu từ Budapest. Một số quốc gia cảnh báo khu vực Schengen đang tiến tới mức quá tải nếu tình trạng này không có dấu hiệu cải thiện.

Thuyền di cư lật ngoài biển Malaysia

Theo Reuters, hôm qua một thuyền chở khoảng 100 người di cư đã bị lật ở ngoài khơi gần eo biển Malacca khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, gồm 13 phụ nữ. Thông tin ban đầu cho biết thuyền gặp nạn chở những người nhập cư bất hợp pháp, bị lật do quá tải và thời tiết xấu.

Theo phía Malaysia, qua thẩm vấn những người sống sót thì đây là những người Indonesia.

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])