09/01/2025

Để TP.HCM bớt “nghẹt thở”…

Nếu thay đổi được suy nghĩ của những người đang chọn cách sinh sống ở TP.HCM và làm việc ở Bình Dương, Đồng Nai… để họ gắn liền nơi làm việc và nơi sinh sống thì chắc sẽ sớm có nhiều “thành phố đáng sống”.

 CHUNG TAY XÂY DỰNG “THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG”:

Để TP.HCM bớt “nghẹt thở”…

 

Nếu thay đổi được suy nghĩ của những người đang chọn cách sinh sống ở TP.HCM và làm việc ở Bình Dương, Đồng Nai… để họ gắn liền nơi làm việc và nơi sinh sống thì chắc sẽ sớm có nhiều “thành phố đáng sống”.


 


Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thông
Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) – Ảnh: Hoàng Thông

Đã nhiều năm, vào giờ cao điểm sáng, chiều, tôi vẫn thường nhìn thấy từng đoàn xe đưa đón cán bộ, công nhân đi và về giữa TP.HCM và các khu công nghiệp tại Bình Dương.

Có nhiều người trẻ đang chọn cách sinh sống ở TP.HCM và làm việc ở các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… Chính vì vậy, TP.HCM mỗi năm càng mỗi thêm oằn vai gánh nặng vì người cũ không muốn rời đi, mà người mới thì cứ rủ nhau tìm đến khiến thành phố ngày càng thêm ngạt thở.

Quanh năm đường phố gần như lúc nào cũng nghẹt người, nghẹt xe và đầy khói bụi. Bệnh viện kín người, ngành giáo dục bở hơi tai vì lượng cư dân nhí nhập cư phải chuyển trường, nhập lớp…

Tôi không phải là một cư dân của TP. HCM nhưng vẫn cảm thấy thành phố đã nghẹt thở lắm rồi.

Thi thoảng tôi vẫn đi, về giữa hai nơi Bình Dương và TP.HCM. Mỗi lần đi là mỗi lần háo hức và về thì chỉ muốn về cho thật nhanh để thoát khỏi cảnh người, xe lúc nào cũng cứ như mắc cửi, để thoát cả nỗi “ám ảnh” mỗi khi bất chợt nhìn lên những “nùi” dây điện trên cao hệt như…“búi tóc” khổng lồ…

Sài Gòn đang là nơi hội tụ cư dân trên khắp mọi miền đất nước. Tôi biết hiện tại có không ít cư dân thuộc đối tượng nhập cư đang phải “vật vờ, tạm bợ” từng ngày ở nơi đông đúc, ồn ào và đắt đỏ của thành phố này trong khi vẫn còn rất nhiều thành phố còn thưa thớt cư dân kế bên.

Ví như thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) của tôi. Những con đường ở đây rộng thênh thang, quanh năm chẳng mấy khi thấy cảnh kẹt xe.

Những chuyến xe buýt hiện đại vẫn còn thưa thớt người. Những căn hộ trong các tòa nhà cao tầng vẫn còn trống chỗ. Bờ hồ, công viên trải dài mênh mông những mảng xanh hoa, cỏ. Và gió trời thì lúc nào cũng 
lồng lộng…

Lẽ thường, muốn sửa chữa hay xây mới một căn nhà trên nền móng cũ thì phải di dời những đồ vật và cả con người trong ngôi nhà ấy đi nơi khác một thời gian. Ở đây là cả một thành phố gần 10 triệu cư dân đang có nhiều vấn đề cần phải cải tạo lẫn thay đổi mới để đáng sống hơn.

Chính quyền TP.HCM chắc cũng đã bàn lên bàn xuống nhiều bận, bàn đi bàn lại nhiều năm nhưng khó khăn nhất vẫn là chuyện cách nào để di dân cho ổn thoả.

Thế nên, tôi nghĩ đã đến lúc những cư dân đang cư trú lẫn tạm trú trong TP.HCM hãy sắp xếp lại cuộc sống của mình. Hãy nhín nhường và nếu có thể hãy chịu khó dịch chuyển một tí: nếu có việc làm ở Bình Dương, Đồng Nai… hãy đến sinh sống nơi đó. Có như vậy TP.HCM mới được “dễ thở” và nhẹ nhàng hơn.

Và điều này sẽ góp phần đáng kể tạo nên sự cân đối hài hoà giữa TP.HCM và các địa phương lân cận, để không chỉ TP.HCM mà cả những thành phố khác đều sớm trở thành những thành phố có chất lượng sống tốt.

Rốt cuộc rồi thành phố của tôi hay thành phố của bạn cũng đều là thành phố của chúng ta. Sự dịch chuyển có thể làm bạn sẽ khó thích nghi với môi trường mới, nhưng đó chính là cách bạn đã chia sẻ khó khăn và góp phần xây dựng một TP.HCM giàu đẹp, đáng sống.

Và cũng biết đâu được sự dịch chuyển sẽ làm cho cuộc sống của chính bạn được thay đổi tốt hơn.

Cùng các tỉnh lân cận phát triển

TP.HCM cần phát triển ngày càng văn minh, hiện đại theo mô hình kinh tế mở, là vị trí trung tâm và các tỉnh thành vùng lân cận là vùng đệm, ổn định.

Để làm điều này, cần xóa bỏ ranh giới hành chính trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp TP.HCM theo hướng đầu tư về chất các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện có; nâng cao chiều sâu về tăng trưởng, tăng giá trị hàm lượng chất xám, tỉ trọng hàng hóa công nghiệp gia tăng về lao động tri thức; đồng thời chuyển hướng phát triển công nghiệp mới dần đầu tư sang các tỉnh bạn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Một thực tiễn là đối với thu hút đầu tư hiện nay, các tỉnh lân cận TP.HCM có những lợi thế hơn về cơ sở hạ tầng ban đầu, giá đất thấp (xét trên tương quan khi thị trường bất động sản chưa hình thành đồng bộ), nhân công rẻ (nguồn lao động còn chưa đòi hỏi và tiếp cận trạng thái tạo thu nhập cao).

Ngược lại, TP.HCM lại có sức mạnh, tiềm năng ở những nội dung cơ bản khác như: trung tâm kinh tế, giao thương, xuất nhập khẩu; trung tâm cung ứng dịch vụ cao: tài chính, ngân hàng, công nghệ phần mềm…; trung tâm viễn thông, bưu chính, hàng hải, giáo dục…

Sự liên kết hợp tác phát triển vùng với đặc trưng đặt TP.HCM làm vị thế trung tâm sẽ khai thác được thế mạnh của cả TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chính những lợi thế này được khai thác, tận dụng sẽ giúp tạo nên sự vận động mới có sức phân bổ, lan tỏa và duy trì sức mạnh để cả khu vực phát triển.

Một khi các tỉnh lân cận có sự phát triển tốt, trở thành nơi đáng sống với việc làm ổn định, môi trường sống tốt… chắc chắn TP.HCM – với vị trí trung tâm – sẽ là nơi thật sự đáng sống.

TRẦN THANH LIÊM

 

LÊ NGỌC HẠNH (Bình Dương)