Lương tối thiểu Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia
Dự kiến hôm nay (3-9) sẽ có kết luận cuối cùng về tiền lương tối thiểu vùng năm 2016. Góc nhìn của các chuyên gia quốc tế về vấn đề tiền lương tối thiểu VN như thế nào?
Lương tối thiểu Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia
Dự kiến hôm nay (3-9) sẽ có kết luận cuối cùng về tiền lương tối thiểu vùng năm 2016. Góc nhìn của các chuyên gia quốc tế về vấn đề tiền lương tối thiểu VN như thế nào?
Lương tối thiểu của VN hiện đang ở mức thấp trong khu vực. Trong ảnh: công nhân ra về sau giờ làm việc tại Q.9, TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phillip Hazelton (người Úc) – chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cố vấn trưởng dự án Quan hệ lao động tại VN đồng thời là quan sát viên tại các cuộc thảo luận của Hội đồng Tiền lương quốc gia VN – nhận định:
– Chúng tôi biết rất rõ các cuộc tranh luận này vì ILO hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tiền lương quốc gia VN. Thật thú vị và tích cực khi ở VN các cuộc tranh luận về vấn đề này ngày càng sôi động và thu hút sự quan tâm của dư luận, thông thường những tranh luận căng thẳng như vậy sẽ tốt cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tôi nghĩ rằng Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ ủng hộ tranh luận vì nó giúp mang các liên đoàn lao động và chủ doanh nghiệp lại gần nhau mỗi năm. Các cuộc tranh luận căng thẳng như vậy cũng xảy ra thường xuyên đối với những quốc gia khác.
Ông Phillip Hazelton – Ảnh: Lê Kiên
|
* VN đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhiều lần (theo hướng tăng) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, ông bình luận gì về thực trạng này?
– ILO tin tưởng rằng mức lương tối thiểu nên được điều chỉnh thường xuyên dựa trên việc xem xét các nhân tố xã hội và lao động bao gồm chi phí sống, nhu cầu của người lao động và gia đình của họ, khả năng chi trả mức lương tối thiểu của các chủ doanh nghiệp, những mức độ năng suất lao động và nguyện vọng việc làm của người lao động…
Bộ luật lao động của VN quy định lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng lại không nói rõ cần bao lâu để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Cuộc tranh luận mà chúng ta chứng kiến hiện nay thật ra là sự tranh cãi giữa liên đoàn lao động và giới chủ doanh nghiệp xung quanh câu hỏi: “Bao lâu nữa mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động?”. Và hiện chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời.
Mức lương tối thiểu của VN khá thấp khi so sánh với các nước trong khu vực. Xét về mức lương trung bình, VN chỉ cao hơn Lào và Campuchia nhưng thấp hơn hầu hết những nước ở châu Á như Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD) và Trung Quốc.
* Theo ông, những yếu tố nào đang cản trở quá trình tăng lương tối thiểu ở VN?
– Tôi nghĩ giới chủ lao động tất nhiên muốn tăng chậm mức lương tối thiểu trong các lĩnh vực cần lao động giá rẻ để tăng sức cạnh tranh như da giày, may mặc, điện tử… và việc tăng phải dựa theo mức tăng năng suất lao động. Nếu như tăng quá nhanh sẽ gia tăng áp lực lên các ngành công nghiệp này. Chúng ta thấy rằng giới chủ lao động thì muốn tăng chậm trong khi các liên đoàn lao động lại muốn tăng nhanh.
Do đó, tranh cãi cũng là điều dễ hiểu bởi vì mỗi bên đại diện cho quyền lợi của riêng mình. Chúng tôi kỳ vọng mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động vào năm 2017, 2018 hoặc năm 2019.
Lúc đó, tranh luận cũng sẽ diễn ra nhưng không có quá nhiều khoảng cách hay khác biệt giữa các bên. Lúc đó, lạm phát, năng suất lao động, mức lương tối thiểu sẽ được so sánh với mức lương trung bình.
* Trên thế giới, những nước có điều kiện tương tự như VN xử lý vấn đề này như thế nào?
– Hầu hết các nước đều có hội đồng tiền lương quốc gia. Ví dụ mới đây Myanmar vừa thành lập hội đồng tiền lương quốc gia. Tuần này, Myanmar dự định sẽ lần đầu tiên quyết định mức lương tối thiểu, sau khi có được thỏa thuận giữa liên đoàn lao động và chính phủ. Indonesia thì có khác biệt vì mỗi tỉnh đưa ra mức lương tối thiểu khác nhau, khá phức tạp.
VN thì quy định mức lương tối thiểu theo bốn vùng khác nhau. Hội đồng Tiền lương quốc gia của VN đã đạt được những tiến bộ trong hai năm hoạt động vừa qua. Tôi nghĩ các bên cần thời gian để tranh luận và phản biện với nhau.
Một điểm đáng chú ý là ở VN thì thường chỉ có 3 – 4 lần tranh luận về mức lương tối thiểu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng ở Hàn Quốc, họ thảo luận và phản biện 15 – 20 lần/năm trước khi đưa ra quyết định về mức lương tối thiểu. Việc tranh luận kỹ lưỡng để đạt được sự đồng thuận là hết sức cần thiết, bởi nó sẽ giúp hài hoà mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động.
* Giới chủ ở VN cho rằng năng suất lao động tăng rất chậm, trong khi tỉ lệ tăng lương tối thiểu thì nhanh, do đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sự cạnh tranh của nền kinh tế dùng lao động rẻ. Ông nghĩ sao về điều này?
– Thông thường để thúc đẩy tăng trưởng của một nền kinh tế, không nên tăng lương tối thiểu quá nhiều mỗi năm, nó phải được dựa trên năng suất lao động, mức lạm phát, sự tranh luận và phản biện. Tuy nhiên VN đang ở giai đoạn chuyển giao, do vậy việc tăng lương tối thiểu cao sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại những khu vực có ngành nghề có mức lương thấp và lao động tay nghề thấp.
Bài toán đặt ra cho Chính phủ chính là tìm ra một giải pháp hữu hiệu để hài hoà hai bên: người lao động có mức lương đủ sống và doanh nghiệp được bảo đảm có lợi nhuận. Hiện mức lương tối thiểu của VN thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và vài năm trở lại đây, mức tăng lương tối thiểu ở khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Indonesia, có tốc độ cao hơn hẳn phần còn lại của thế giới.
Tôi thấy có vấn đề đối với truyền thống tăng lương tối thiểu ở VN khi yêu cầu tăng lương tối thiểu thường chỉ dựa vào nhu cầu tối thiểu. Ví dụ khi mức lương tối thiểu thấp, hầu như tất cả đều đồng thanh lên tiếng yêu cầu tăng lương và đây là vấn đề đối với nền kinh tế. VN nên có đàm phán tập thể về mức lương tối thiểu theo ngành.
Nếu ngành nghề mà người lao động đang làm có sự tăng trưởng tốt, cho năng suất cao thì người lao động hãy đàm phán với chủ doanh nghiệp để yêu cầu tăng lương. Nếu ngành mà người lao động đang làm không phát triển tốt thì mức lương của họ dĩ nhiên không thể tăng. Nếu như tất cả lao động đều mong tăng lương tối thiểu 10% mỗi năm sẽ tác động lớn đến nền kinh tế.
* Ông LÝ THÀNH SINH (giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, TP.HCM): Tính toán để doanh nghiệp cầm cự Tôi ủng hộ việc điều chỉnh tăng lương, nhưng cần cân nhắc lợi ích hài hoà giữa người lao động và người sử dụng lao động để hai bên cùng tồn tại và phát triển. Cá nhân tôi ủng hộ phương án lương tăng dưới 10% như đề xuất của VCCI, vì tỉ lệ này có thể giúp doanh nghiệp vẫn còn sức để “cầm cự”. Với nền kinh tế hơn 90% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, ba năm qua sự phát triển của doanh nghiệp gần như không có. Dù họ không thật sự “chết”, nhưng để doanh nghiệp có cơ hội tự cứu lấy chính mình, được tích lũy từng đồng lãi còm cõi để đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động thì các khoản chi cho đầu vào, trong đó có lương, cần được Nhà nước cân nhắc tính toán thận trọng. Đơn cử công ty tôi đang có khoảng 100 lao động. Nếu lương đề xuất tăng 10%, mỗi tháng chúng tôi phải bỏ thêm 6 triệu đồng. Sẽ có ý kiến cho rằng 6 triệu đồng thì có thấm tháp gì, nhưng với những doanh nghiệp 1.000 lao động, thậm chí hàng chục ngàn lao động, con số này rất lớn.
* Ông NGUYỄN ĐỨC THUẤN (thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia): Lo cho sức cạnh tranh Từ năm 2016, các doanh nghiệp buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trên lương thực lãnh, vốn đã tăng lên thêm 7 – 8%. Giả sử tỉ lệ lương tăng được thông qua là 10,07% như đại diện giới sử dụng lao động đề xuất, thì chi phí đưa vào giá thành sản phẩm mà doanh nghiệp phải trả sẽ tăng lên gần 18 – 19%, cao hơn mức 16,8% mà Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất. Nếu phương án mà Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất được thông qua, chi phí mà doanh nghiệp phải trả theo hướng phân tích ở trên sẽ lên mức ngoài 23 – 24%. Mức tăng này sẽ tiếp tục tăng lên cho từng năm tiếp theo khi mà các quy định mới theo hướng sửa đổi sẽ dần đưa vào áp dụng, kể từ sau năm 2016. Tỉ lệ tăng thêm này có tỉ lệ thuận với năng suất lao động tăng không? Tôi cho rằng không. Vậy sức chịu đựng của doanh nghiệp liệu có gánh nổi áp lực tăng thêm này hay không khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt? Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời. |