09/01/2025

Lèo tèo thí sinh xét tuyển

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga từng khẳng định: nguồn tuyển ĐH năm nay sẽ dư 52% so với tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, gần kết thúc đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, nhiều trường vẫn mỏi mắt đợi thí sinh.

 

Lèo tèo thí sinh xét tuyển

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga từng khẳng định: nguồn tuyển ĐH năm nay sẽ dư 52% so với tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, gần kết thúc đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, nhiều trường vẫn mỏi mắt đợi thí sinh.



Thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung tại một trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc ThạchThí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung tại một trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhập học 42, rút ra phân nửa
Nhiều trường ngoài công lập hy vọng không khí sẽ xôm tụ hơn ở đợt bổ sung. Nhưng 10 ngày của đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên gần trôi qua, số thí sinh (TS) nộp hồ sơ vẫn lèo tèo.
Đến hết ngày 1.9 Trường ĐH Thái Bình Dương mới có gần 200 TS nộp hồ sơ xét tuyển cả 3 bậc ĐH, CĐ và TCCN (chỉ tiêu ĐH và CĐ là 1.000). Riêng đợt xét tuyển bổ sung trường mới nhận được trên chục hồ sơ. Nhưng trong tổng số hồ sơ có tới 90% nộp theo hình thức xét tuyển học bạ.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cũng chỉ có 42 TS trúng tuyển nguyện vọng 1. Sau khi nhập học, hiện đã có tới phân nửa TS đến xin rút lại tiền học phí đã đóng. Đợt xét tuyển bổ sung trường nhận được khoảng 300 hồ sơ, trong đó cũng chỉ có 100 TS sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. So với tổng chỉ tiêu 900 thì trường này còn thiếu rất nhiều.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nguyện vọng 1 tuyển được 1.200 TS. Trong 1.900 chỉ tiêu xét bổ sung lần này trường nhận được gần 1.400 hồ sơ. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lo lắng số TS ảo nhiều vì trong tổng trên 4.000 hồ sơ nhận được thì có tới gần 3/4 hồ sơ học bạ.
2 đợt, vài chục hồ sơ
Tình trạng càng bi đát hơn với hàng loạt trường CĐ. Tại TP.HCM nhiều trường phải tiếp tục xét tuyển bổ sung như: Tài chính – Hải quan còn tuyển 2.000 chỉ tiêu, Công thương 1.500, Công nghệ thông tin 1.000, Kinh tế công nghệ xét thêm 2.300, Bách Việt 1.420, Kỹ thuật Lý Tự Trọng 550, Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex 1.890… Có trường cả ngày không nhận được hồ sơ nào, có trường kể cả đợt 1 và gần hết đợt 2 chỉ nhận được vài chục hồ sơ.
Thạc sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP.HCM, cho biết: “Sau 5 ngày trường nhận được khoảng 450 hồ sơ trên tổng số 1.890 chỉ tiêu đợt xét bổ sung. Trong đó TS nộp vào các ngành kinh tế rất ít trong khi các ngành công nghệ kỹ thuật khá đông”.
Tại Trường CĐ Bách Việt, mỗi ngày có khoảng 10 – 20 TS đến nộp. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng, nhìn nhận: “Lượng TS giảm hẳn, không còn sôi nổi như đợt 1. Có những ngành nhận được rất ít hồ sơ từ đợt 1 cho đến nay. Chẳng hạn tin học ứng dụng mới có 18 hồ sơ, tài chính ngân hàng 20, công nghệ kỹ thuật xây dựng 24…”. Theo tiến sĩ Thành, các trường CĐ và đặc biệt là ngoài công lập sẽ rất khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu.
Thí sinh đang ở đâu ?
Theo phân tích kết quả thi THPT quốc gia, tổng số TS dự thi để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Trong đó, 638.572 TS có ít nhất một tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên (sàn CĐ); riêng TS đạt từ 15 điểm trở lên (sàn ĐH) là 531.182. Như vậy, chỉ so với chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH, số TS này đã nhiều gấp 1,52 lần.
Cũng theo thống kê từ Bộ sau nguyện vọng 1, tổng số TS đã trúng tuyển là 370.638 (trong đó 295.903 bậc ĐH và 74.735 bậc CĐ). Như vậy, tổng số TS đạt từ điểm sàn CĐ trở lên còn lại là 267.934 (trong đó từ sàn ĐH trở lên là 235.279). So với chỉ tiêu cần tuyển bổ sung mà Bộ công bố khoảng 120.000 thì nguồn tuyển thực tế vẫn còn gấp 2,24 lần.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường không tuyển được. Nhiều người đặt câu hỏi TS điểm còn cao chưa trúng tuyển đã đi đâu? Theo đại diện một trường ĐH ngoài công lập, dù tỷ lệ TS đủ điểm sàn dôi dư so với chỉ tiêu các trường nhưng có một thực tế rằng nhiều TS ở khu vực khó khăn không đủ điều kiện để đi học, đặc biệt ở trường ngoài công lập vì mức học phí cao.
Còn PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng câu trả lời khá rõ ràng và đã được biết trước. Với việc xét tuyển sau khi biết kết quả thi, các TS điểm cao hầu hết trúng tuyển vào các trường ĐH công. Số TS có điểm từ sàn trở lên chưa trúng tuyển vẫn còn đó nhưng nhiều người chờ thi lại năm sau thay vì nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập. Đó là lý do vì sao ngoài trường ĐH công lập thì chỉ một số trường CĐ công lập, ĐH ngoài công lập lớn mới tuyển được TS.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường ĐH công lập đã “găm” hồ sơ của TS để tuyển thêm chỉ tiêu liên kết, dẫn đến nguồn tuyển còn lại dành cho các trường ĐH ngoài công lập và các trường CĐ không nhiều.
Lo ngại hồ sơ ảo

Ở đợt 2, mỗi TS có đến 3 giấy đăng ký xét tuyển được nộp cùng lúc ở 3 trường khác nhau. Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết: “Mặc dù đến thời điểm này trường đã nhận được lượng hồ sơ vượt chỉ tiêu của đợt 2, nhưng số lượng ảo chắc chắn cũng nhiều. TS nộp 3 giấy ở 3 trường, có thể trúng tuyển cả 3 và chỉ lựa chọn một nơi để nhập học. Đó là chưa kể lượng hồ sơ bằng học bạ cũng gây ảo không kém”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cũng lo lắng: “Với hướng dẫn mới, TS được đăng ký xét tuyển tại sở GD-ĐT và trường THPT bằng cách ghi lại mã vạch thì tỷ lệ ảo còn nhiều hơn vì TS cũng có thể dùng giấy chính để đi nộp ở một trường khác. TS cũng có thể nộp một lúc vài trường theo phương thức xét tuyển bằng học bạ. Thông tin này lại không có trong dữ liệu chung của Bộ nên các trường khó mà kiểm soát được”.

Mỹ Quyên – Hà Ánh