08/01/2025

“Thảo nguyên bò” ở Quảng Nam

Sông Thu Bồn (Quảng Nam) chảy về tới xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) chẻ làm hai nhánh bao bọc xã Điện Quang, xã Điện Trung và một phần xã Điện Thọ, biến nơi đây thành một “ốc đảo ba xã” trước khi hợp lưu.

 

“Thảo nguyên bò” ở Quảng Nam

 

Sông Thu Bồn (Quảng Nam) chảy về tới xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) chẻ làm hai nhánh bao bọc xã Điện Quang, xã Điện Trung và một phần xã Điện Thọ, biến nơi đây thành một “ốc đảo ba xã” trước khi hợp lưu.



 

Trang trại bò trên “thảo nguyên” Long Hội - Ảnh: Trường Trung
Trang trại bò trên “thảo nguyên” Long Hội – Ảnh: Trường Trung

Sự kiến tạo của thiên nhiên đã biến nơi đây thành một “thảo nguyên”, bãi bồi trù phú để dân trồng trọt, chăn nuôi bò.

Dân Quảng hay nói với khách đến Quảng Nam mà chưa ăn bê thui, bò tái Cầu Mống thì coi như… chưa đến xứ Quảng. Bò tái nổi tiếng đó chính là bò nuôi ở “thảo nguyên” Long Hội, trên “ốc đảo ba xã”.

Những trang trại bò 
giữa “thảo nguyên”

Chúng tôi tìm về thôn ven sông Kỳ Long, xã Điện Thọ những ngày tháng 8 nắng rát mặt. Giữa cái nắng chói chang, những bắp nhà đổ mê mái ngói đỏ tươi nổi bật lên. So với khu vực trung tâm xã, những ngôi nhà, miếu thờ, nhà tộc ở đây trông bề thế hơn nhiều.

Ngày hè nhưng trong nhà chỉ có vài đứa trẻ trạc tuổi đến trường và người già. Bà cụ đầu làng giải thích: “Ở đây muốn tìm bò, tìm chủ nhà hay tỉ phú bò thì cứ xuống sông mà tìm. Đàn ông, đàn bà trong thôn đi chăn bò ở dưới ấy cả ngày, chiều tối mới về”.

Từ trong thôn, đi theo con đường mòn nằm giữa sông dễ dàng nhìn thấy những trại bò dựng lên giữa bãi bồi Long Hội. Tiếng máy xe công nông chở từng bó cỏ lớn liên tục chạy về các trại bò.

Anh Nguyễn Thanh Hoàng vừa xúc phân bò trong trại vừa nói với ra: “Đi chụp ảnh hả? Giờ này trời nắng quá tụi tui lùa bò vô trại hết rồi”. Ở đầu trại, chị Nguyễn Thị Phi Lan, vợ anh Hoàng, hì hục lấy nước từ giếng khoan mang về cho bò uống. Anh Hoàng – chị Lan là những người chăn nuôi bò hàng chục năm ở đây và ở trong nhóm người có nhiều bò tại bãi này.

Anh Hoàng kể hồi mới cưới, hai vợ chồng không nghề nghiệp nên kéo ra đây nuôi rẽ (nuôi thuê) cho người ta. Chủ bỏ bò giống, chi phí, còn anh bỏ công nuôi, khi bán bò thì được chia 5-5. Anh Hoàng nuôi rẽ được bốn năm thì có trong tay mấy con bò gây giống.

Đến năm 2000 thì vợ chồng anh “ra riêng”, thuê hơn 2,2ha đất của thôn vừa nuôi bò vừa trồng dưa hấu, bắp, đậu… trong suốt năm. Đầu tắt mặt tối suốt hơn 15 năm, mỗi tháng kiếm chục triệu đồng, anh chị cất được nhà, nuôi hai con vào đại học và trong tay có dăm ba chục con bò thịt, bò giống.

Những người dân làng thuần nông thôn Kỳ Long, Kỳ Lam (xã Điện Thọ), xóm mới thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang)… ngày trước quen làm ruộng, hàng chục năm qua đã kéo nhau ra bãi Long Hội lập trại nuôi bò như một cách làm giàu.

Chúng tôi tìm đến trại bò của ông Nguyễn Đức Sơn, người đầu tiên nuôi bò quy mô “công nghiệp”, có trang trại bò lớn nhất ở đây. Ông Sơn là người địa phương, học ngành chăn nuôi xong về làm cho HTX Tiền Phong (Điện Thọ), ngày trước là HTX chăn nuôi bò có tiếng của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Sau khi HTX tan rã, ông Sơn thất nghiệp ít lâu rồi… quay lại nghề cũ. “Có vốn kiến thức, thông thạo địa lý xứ này, tôi nuôi vài con bò. Nhánh sông Kỳ Lam bấy giờ chưa bị lũ phá nước thành sông như bây giờ. Cánh đồng Long Hội vẫn nối liền một dải đến thôn Kỳ Long bên này. Cỏ cây xanh tốt nhờ những đợt lũ bồi phù sa.

Cứ thế, sau mỗi mùa lũ thì đàn bò từ vài con của tôi lại phất lên cùng những bãi cỏ xanh ngút ngàn. Nay thì tôi có hai trang trại lúc nào cũng trên 100 con bò” – ông Sơn nói với vẻ mặt rạng ngời.

Bò trang trại ông Sơn được dùng để cung cấp cho các địa phương, các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông thôn của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, chương trình Lục lạc vàng…

Không chỉ làm riêng cho mình, ông Sơn thuê gần chục người dân trong xóm chăn bò, cắt cỏ, dọn vệ sinh… và giúp bà con về con giống, thuốc, thu mua bò của dân.

“Không phải mình tài giỏi chi mà nuôi cả trăm con bò, mà vì hiếm có vùng đất nào được trời thương ban phù sa tốt như ở đây. Trồng cây chi cũng lên xanh tốt, nuôi con gì cũng mau lớn vì đồng cỏ rộng” – ông Sơn đúc kết với cái nghề ông gắn bó hơn 40 năm.

Ở bãi Long Hội này còn có gia đình ông Minh với con gái, rể, dâu cũng đều bám vào trại bò, mỗi người vài chục con.

Với giá bò hiện 180.000 đồng/kg mua tại bãi, mỗi con bò có giá từ 18-22 triệu đồng, tính ra mỗi trại bò 50-60 con thì ở bãi Long Hội giữa dòng sông Thu Bồn này có rất nhiều gia đình tỉ phú.

Bò thượng hạng nhờ 
 “thuần cỏ”

Đưa xẻng xúc từng bãi phân bò khô giòn và xốp như tổ ong cho về một đống để bón cây, anh Hoàng chép miệng: “Mấy tháng nay trời mưa ít quá, cỏ trên bãi mọc không kịp nên hai vợ chồng tôi phải mang máy đi cắt cỏ và tỉa thêm lá bắp cho bò ăn”.

Anh Hoàng nói rồi đưa mắt nhìn về chiếc xe công nông đang chở cỏ chạy ngang trại bò. Để được chăn nuôi bò ở đây, người dân trong thôn phải đấu giá thuê đất. Có đất rồi thì tùy theo diện tích và số lượng bò mà tính toán canh tác theo kiểu “chia đầu đếm xôi”.

Tính trung bình cứ trên 15 con bò thì ít nhất phải trồng 0,5ha cỏ tía, thành ra bờ thửa ở đây không đi lại được vì… trồng cỏ. Vợ chồng anh Hoàng thuê miếng đất hơn 2,2ha của thôn với giá hơn 30 triệu đồng để trồng cỏ.

“Nếu không kiên trì, không bỏ công sức thì không phải dễ mà nhảy vào đây nuôi bò được đâu. Cứ như vợ chồng tôi mặt trời mọc là ở ngoài đồng, khi tắt nắng thì mới vào nhà.

Sáng ra mang cơm đùm cơm nắm qua đây vừa lo cho bò uống nước vừa ăn, ăn xong thì dắt bò đi đóng cọc rồi đi cắt cỏ. Cũng vì nuôi bò thuần cỏ mà tôi phải bòn từng chút đất để vừa chăn nuôi vừa trồng cây, không cho đất nghỉ” – chị Lan nói.

Mùa chăn nuôi ở đây cứ tùy theo con nước mà tính, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch người dân chủ yếu trồng đậu xanh và bắp. Tới lụt tháng 10 xong thì gieo đậu phộng, dưa và bắp.

Ở đây cây gì cũng trồng, trồng cây gì cũng tốt. Riêng bắp là cây chủ lực, luôn hiện hữu trên đồng để lỡ khi thiếu cỏ thì tận dụng lá bắp, bột bắp xay cho bò ăn.

Giải thích cho câu chuyện nuôi bò thuần cỏ, chị Lan kể trước đây khi quy mô nuôi còn nhỏ, người dân quê nuôi bò trên bãi cứ thả rông cho bò đi tìm cỏ ăn, khát thì tự tìm nước uống nên bò ở đây rất chắc thịt, không mỡ nên được giá cao.

Đến khi tại đây hình thành gần trăm trại bò, vì diện tích nhỏ nên có một số hộ “thúc” bò bằng cách cho ăn bột tăng trọng, bị thương lái chê không mua nên câu lạc bộ chăn nuôi phải tổ chức “hội nghị” phê bình.

Cũng do quy luật thị trường, nguồn bò dồi dào nên thịt bò tăng trọng bị đào thải, không còn cửa chen vào các nhà hàng bê thui, từ đó người dân quay về với việc nuôi “thuần cỏ” đến bây giờ.

Theo chị Lan, thịt bò ở đây trở nên thượng hạng hơn các nơi khác là nhờ cây cỏ xanh tốt quanh năm, người dân nắm được quy trình nuôi. Giờ cho bò uống nước, giờ tránh nắng hay thời điểm “thúc” thịt đều được người dân thực hiện thuần thục sau nhiều năm ăn ngủ cùng bò.

Chăm sóc bò - Ảnh: V.Hùng
Chăm sóc bò – Ảnh: V.Hùng

Giữ gìn thương hiệu

Cũng vì số lượng bò lớn, hầu như mỗi tấc đất trên bãi đều được người dân tận dụng để trồng cỏ tía nuôi bò. Việc cắt cỏ cũng thực hiện theo kiểu công nghiệp, cắt cỏ bằng máy và vận chuyển bằng xe công nông.

Hiện tất cả các hộ chăn nuôi ở đây đều sắm sửa máy cắt cỏ, hơn chục hộ đã có các loại xe chuyên dùng chở cỏ, thức ăn cho bò.

Ông Nguyễn Đình Tám, trưởng thôn Kỳ Lam (xã Điện Thọ), cho biết nhờ bãi Long Hội có địa hình lý tưởng và cây cỏ xanh tốt nên bò từ bãi này mau lớn, thịt ngon nên được các cửa hàng bê thui ở Cầu Mống, Duy Xuyên chọn mua.

Dân quê ở đây cũng được tiếng vì chăm sóc kỹ, nuôi bò “thuần cỏ” chứ không dùng bột hay thuốc tăng trọng.

“Trong các buổi tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật, chúng tôi đều lồng ghép các nội dung vận động người dân chăn nuôi lành mạnh. Chúng tôi hay nói với bà con là bò đã cho mình cơ hội phất lên thì phải lấy đó làm thương hiệu, tạo tiếng thơm cho vùng đất trù phú này, như thế mới phát triển bền vững.

Hiện nay không tính trang trại Tiền Phong, chỉ riêng một thôn chúng tôi đã có khoảng 50 hộ chăn nuôi với hơn 300 con bò ở bãi Long Hội, còn các thôn xã khác như Điện Quang, Điện Trung thì số lượng biến động không đếm được” – ông Tám cho biết.

Còn theo thống kê từ hai xã Điện Quang và Điện Thọ thì vào mùa con nước, số bò được nuôi tại đây có thời điểm lên tới hơn 1.100 con với gần 130 trại bò lớn nhỏ.

Bò cũng chạy lũ

Cứ gần vào mùa lũ, các trại bò tìm cách bán bớt bò thịt. Bãi bồi Long Hội cao hơn mặt nước sông vài mét nhưng chỉ vài cơn mưa lớn đầu nguồn là nước lên ngay, lúc ấy cả làng thức trắng đêm.

Những đêm mưa lũ lớn, bãi Long Hội không bao giờ vắng người, ánh đèn pin, tiếng xuồng máy chạy xình xịch tứ phía để giữ bò, lùa bò. Xuồng máy, thuyền được huy động để di tản bò lên những mô đất đắp cao lên, bọc thép kiên cố xung quanh để tránh lũ. Ấy vậy mà hầu như năm nào cũng mất bò vì di tản không kịp nên bò bị cuốn trôi.

Nhưng sau cơn lũ, bãi đất được bồi phù sa vàng quánh. Những cánh đồng cỏ, đậu, bắp lại xanh tốt trong niềm vui của dân “thảo nguyên” Long Hội.

 

VIỆT HÙNG – TRƯỜNG TRUNG