28/11/2024

Làm thuê để lập “quỹ đi học”

Vừa lên lớp 10, vì gia đình không kham nổi các khoản tiền đóng đầu năm học nên cậu học trò ấy đã quyết định tạm thời nghỉ học.

 

Làm thuê để lập “quỹ đi học”

 

Vừa lên lớp 10, vì gia đình không kham nổi các khoản tiền đóng đầu năm học nên cậu học trò ấy đã quyết định tạm thời nghỉ học.


 


Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học - Ảnh: QUỐC NAM
Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học – Ảnh: QUỐC NAM

Đi làm thuê kiếm tiền với đủ thứ công việc: phụ thợ nề, phụ thợ sơn, phụ thợ mộc, phục vụ quán cà phê, phát rẫy trồng rừng… tích cóp từng đồng tiền hai năm sau trở lại trường.

Kỳ thi quốc gia vừa qua, cậu học trò Nguyễn Văn Vọng, là con út trong một gia đình có đến sáu anh chị em tại thôn Vĩnh Tân, phường Đông Lương, TP Đông Hà (Quảng Trị), đã đậu vào Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế.

Mấy chục năm đi dạy, chưa bao giờ tôi gặp em học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn và có nghị lực lớn như Vọng

Cô giáo 
NGUYỄN PHONG THƯ

Nghỉ học – một quyết định quá khó khăn

Biết chúng tôi tìm về nhà Vọng, cô giáo Nguyễn Phong Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Vọng, ái ngại: “Đường vào nhà Vọng khó tìm lắm. Bữa trước tôi vào một lần mà không tìm ra cho đến khi gọi em ra đón tận ngoài đường nhựa”.

Cô Thư kể lần mà cô đi tìm nhà Vọng chính là ngày trước khi em đi thi kỳ thi THPT quốc gia tại Huế. Cô đến để mang ít tiền phụ cho Vọng đi thi.

Ba mẹ Vọng đều đã trên dưới 60 tuổi. Sau mấy chục năm quần quật ruộng vườn nuôi sáu đứa con, họ trở nên già trước tuổi. Mấy anh chị của Vọng đều đã lập gia đình và ở riêng. Vọng trở thành trụ cột trong nhà.

Năm lên lớp 10 là bước ngoặt của cuộc đời Vọng. Đó là lúc hai chị đầu mới về nhà chồng, hai anh cũng vừa học xong THPT không có việc làm. Một anh thì đang đi học. Ngày nhập Trường THPT Phan Chu Trinh, Vọng cũng có mặt nhưng cầm trên tay tờ phiếu thông báo các khoản tiền cần nộp đầu năm mà người cứ thừ ra. Vọng lặng lẽ đạp xe về và quyết định nghỉ học.

“Có muốn đi học cũng không có đủ chừng ấy tiền để nộp. Để ba mẹ lo cho anh trai học xong cấp III đã. Mình phải tạm bỏ học để kiếm tiền, rồi sau đó dùng tiền này để đi học lại cũng chưa muộn”, Vọng nói ra quyết định vô cùng khó khăn của mình và cho biết quãng đường từ nhà tới trường khoảng bảy cây số nhưng chưa bao giờ Vọng thấy dài như hôm đó.

Kín lịch làm thuê

Vọng đi làm thuê nhưng người ta chê sức vóc nhỏ. Người chú họ giúp Vọng chân phụ hồ. Suốt hai năm sau đó, Vọng đi làm khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị. “Quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, quá vất vả nhưng cũng rất vui mỗi khi cầm được đồng tiền trên tay”, Vọng kể.

Dù vui vì kiếm được tiền, Vọng vẫn luôn tâm niệm: làm thuê chỉ là việc tạm thời, mình phải trở lại với việc học. Mỗi lần được nhận lương, Vọng dành hẳn 2/3 cất vào “quỹ đi học”, số còn lại đưa cho mẹ lo cơm nước. Khi “quỹ” lên số 7 triệu đồng, Vọng nộp đơn đi học lại.

Những năm cấp III, Vọng vừa đi học vừa kín lịch làm thuê: phụ hồ, sơn nhà cửa, đánh bóng gỗ, phát rẫy trồng rừng. Vọng chỉ có thể học bài khi đêm về. Từ đầu năm học lớp 12, Vọng còn phải chăm sóc bà nội đã 86 tuổi và một người cô ruột bị bệnh tâm thần đang sống cùng bà.

Những ngày này, Vọng đang tăng tốc làm thuê để kiếm thêm tiền nhập học. Công việc phụ nề mỗi ngày được khoảng 150.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Lâm, tổ trưởng tổ thợ nề, cho biết: “Vọng làm phụ nề từ sớm nên chừ đã cứng nghề. Hôm đi thi về hắn gọi cho tui xin đi làm ngay. Tui nói răng không nghỉ vài bữa đã, hắn nói chắc là cháu đậu đại học rồi nên phải đi làm từ bây giờ thì một tháng nữa mới đủ tiền nhập học”.

Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học - Ảnh: QUỐC NAM
Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học – Ảnh: QUỐC NAM
Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học - Ảnh: QUỐC NAM
Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học – Ảnh: QUỐC NAM

Điều kỳ diệu

Điều cô giáo Thư nhớ nhất về Vọng là nét mặt luôn suy tư và hay đi học muộn. Dù vậy, Vọng không khi nào nghỉ học. Cô Thư cho Vọng học lớp luyện thi miễn phí nhưng được nửa tháng Vọng nói với cô phải đi làm thêm mới đủ tiền đi thi nên không thể tiếp tục theo lớp.

“Nói rồi em lẳng lặng ra về. Tôi chỉ biết đứng lặng người. Mắt cay sè. Thương đứa học trò này quá”, cô Thư xúc động kể. Cô Thư liền nghĩ ra cách mỗi buổi học cô in một xấp tài liệu ôn tập gửi cho Vọng.

Cậu học trò quanh năm quần quật làm thuê đã đạt số điểm thi cao (20,75 điểm khối C) và đang chuẩn bị bước vào giảng đường đại học.

 

QUỐC NAM