Tăng lương tối thiểu: Chưa bên nào nhượng bộ
Mức sống của người lao động hiện nay chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, năng suất lao động, mức sống chung của toàn xã hội. Tăng lương tối thiểu ra sao?
Tăng lương tối thiểu: Chưa bên nào nhượng bộ
Mức sống của người lao động hiện nay chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, năng suất lao động, mức sống chung của toàn xã hội. Tăng lương tối thiểu ra sao?
Công nhân là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất với các phương án tăng lương tối thiểu. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Công ty nhựa Đức Đạt, KCN Tân Tạo, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA |
Ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên cuối cùng về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, sau khi các bên chưa thống nhất phương án vào phiên họp trước đó. Tuy nhiên đến thời điểm này, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm về phương án tăng lương tối thiểu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Quang Phòng – phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) – cho biết trong phiên họp vào ngày 3-9, VCCI sẽ vẫn giữ nguyên đề xuất tăng không quá 10%.
Ông Phòng cho biết: Theo quan điểm của VCCI, lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 7% là mức hợp lý, phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Trong quá trình thương thảo, sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống, công việc của người lao động (NLĐ), chúng tôi đã thảo luận với các DN, hiệp hội DN để cố gắng đưa ra mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên 10%. Và đây là mức tối đa giới DN có thể chịu đựng được.
Tỉ lệ tăng trên dưới 10% mà chúng tôi đề xuất đã được tính toán rất kỹ lưỡng về cả phía DN lẫn quyền lợi của NLĐ. Chúng tôi cũng thấy tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết nhưng cần lộ trình cụ thể căn cứ trên sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, năng lực cạnh tranh quốc gia, sự phát triển của DN và cần tính đến những phản ứng tiêu cực, hệ luỵ xấu có thể xảy ra khi tăng lương trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, bị sức ép cạnh tranh…
Ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch VCCI – Ảnh: THANH HÀ |
* Nhưng từ nhiều kết quả khảo sát thực tế cho thấy đời sống của phần lớn NLĐ hưởng lương theo mức lương tối thiểu vùng đang khó khăn, eo hẹp. Nếu tăng thêm 10%, lương tối thiểu vùng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức sống tối thiểu của NLĐ?
– Thực tế cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm nay tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 trở lại đây.
Trong khi đó DN đang gặp khó khăn: số DN phải ngừng hoạt động và giải thể từ đầu năm đến nay tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu các DN vừa và nhỏ. Số lượng việc làm mới giảm, số người thiếu việc làm, thất nghiệp đều tăng.
Hiện trên 70% DN đang sản xuất kinh doanh không có lãi. Chỉ có khoảng 30% DN đang cầm cự được…
Việc xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ trên cơ sở tính toán các yếu tố: đủ bù trượt giá năm 2015 dự kiến 4-5%, tăng theo mức năng suất lao động khoảng 3%/năm để cải thiện tiền lương của NLĐ, tăng thêm khoảng 3%/năm là mức tăng hợp lý để thực hiện lộ trình lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ (có tính đến tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp).
Đến thời điểm này, các tính toán kỹ thuật của chúng tôi vẫn khẳng định đây là phương án hợp lý nhất. Vì vậy đến thời điểm này, chúng tôi không thể điều chỉnh tăng cao hơn nữa.
* Ông có thể lý giải vì sao nếu tăng 16,8% như đề xuất của phía Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ vượt quá khả năng chi trả của DN?
– Với mức tăng 10% như chúng tôi đề xuất thì trên thực tế, NLĐ còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn như chế độ nghỉ phép năm, làm thêm giờ, trợ cấp ốm đau, thai sản…
Từ ngày 1-1-2016, người sử dụng lao động phải đóng các khoản chi phí cho NLĐ tăng thêm 35-40% so với năm 2015 vì từ bảo hiểm xã hội và phí công đoàn sẽ căn cứ trên tổng thu nhập của NLĐ, bao gồm lương và các khoản phụ cấp.
Trong khi đó, DN phải đóng thêm các khoản phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động… Cộng tất cả các khoản, DN sẽ phải trả lương và chi phí cho NLĐ tăng thêm 17-18% so với hiện nay.
Đây là một cú sốc lớn đối với chi phí của hầu hết DN. Nếu không đưa ra mức điều chỉnh hợp lý, yêu cầu tăng lương tối thiểu cao hơn 10%, khả năng số DN ngừng hoạt động và phá sản chắc chắn gia tăng.
Trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại VN thời gian qua khá cao. Tổng mức tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2005 – 2015 là 6,14 lần, tương đương 20%/năm.
Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm… Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn mười năm qua ở mức 10%/năm thì khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.
Các DN không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN.
Mặt khác, các số liệu về việc làm gần đây cho thấy việc tạo thêm việc làm mới cho nền kinh tế, đặc biệt cho NLĐ ở nông thôn, đã trở thành vấn đề rất cấp bách, cần được quan tâm hàng đầu. Nhưng với việc tăng lương tối thiểu ở mức cao và quá nhanh sẽ không có lợi cho mục tiêu này: Không khuyến khích được các DN đầu tư mới, tạo việc làm mới. Việc tăng lương không hợp lý cũng sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các DN hiện đã khó khăn, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, giảm bớt nhân công, gia tăng tình trạng thất nghiệp của NLĐ trong độ tuổi.
Đó là chưa kể sắp tới khi chúng ta gia nhập TPP, nếu các khu vực sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thuỷ sản… vốn được hưởng lợi từ TPP nhưng nếu không thể tạo ra thêm việc làm mới do chi phí nhân công cao, tăng trưởng đầu tư thấp thì chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội, thua thiệt trong cuộc chơi lớn.
* Nhưng chúng ta cũng không thể gạt sang một bên quyền lợi của NLĐ, một mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế, phát triển DN cũng là để cải thiện đời sống của NLĐ…
– Tăng dần mức lương tối thiểu, bảo đảm để đời sống của NLĐ từng bước được cải thiện không chỉ là mong muốn của NLĐ và tổ chức công đoàn, mà còn là của cả phía chủ DN.
DN nào cũng muốn NLĐ có mức sống tốt hơn, yên tâm gắn bó với công việc. Nhưng khả năng chi trả, sức chịu đựng của DN đến thời điểm này chưa đủ đáp ứng mức tăng lương đến 17%. Trước khi đưa ra phương án tăng lương, chúng tôi đã khảo sát thực tế, làm việc với DN và các hiệp hội DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài để thu thập ý kiến.
Phần lớn hiệp hội DN nước ngoài đề nghị mức tăng dưới 7%. Các hiệp hội DN trong nước sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… cũng chỉ đề nghị mức tăng 5-7%. Chúng tôi đã cùng thảo luận và đưa ra mức 10%. Đây vẫn là mức tăng khá cao nhưng DN còn có thể cố chịu đựng được, hài hòa với quyền lợi của NLĐ.
Chúng tôi cho rằng cần xác định mức tăng lương tối thiểu vùng ở ngưỡng mà DN chịu đựng được, NLĐ nên chia sẻ cùng DN để vượt qua giai đoạn khó khăn này cũng chính là giữ sự tồn tại của DN và việc làm ổn định cho bản thân.
* Ông Đặng Ngọc Tùng (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN): Chưa thay đổi mức đề xuất tăng 16,8% Để chuẩn bị phiên họp cuối cùng mang tính quyết định của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN đã bàn thảo, cân nhắc kỹ và quyết định giữ nguyên phương án đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 thêm 16,8% so với 2015. Những căn cứ để chúng tôi đi đến quyết định này là tình hình kinh tế năm 2015 tốt hơn năm 2014. DN thành lập mới nhiều hơn, nhiều DN mở rộng sản xuất, xuất khẩu ở một số mặt hàng tăng… Thứ hai, lương tối thiểu được thực hiện theo Luật lao động, đã ban hành và có hiệu lực. Nếu không làm được điều này có nghĩa là Luật lao động ban hành mà không đi vào cuộc sống. Thứ ba, thu nhập, đời sống của người dân nói chung trong xã hội được cải thiện, tại sao khoảng cách về thu nhập so với mức sống tối thiểu của NLĐ lại không được rút ngắn? Phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra mức sống của NLĐ chưa tương xứng tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, năng suất lao động và mức sống chung của toàn xã hội. |
VBF ủng hộ phương án tăng lương tối thiểu 9-10% Trong lá thư vừa gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ ngành liên quan (gửi đi ngày 27-8), bà Virginia B. Foote – chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và 12 hiệp hội thương mại trong và ngoài nước) – cho biết VBF đồng quan điểm với đề xuất mức tăng lương tối thiểu 9-10% của VCCI. Trong thư, bà Foote cho biết Liên minh VBF ủng hộ phương án của VCCI bởi lạm phát tại VN nằm trong tầm kiểm soát ở mức 2,5% trong năm 2015, việc tăng lương tối thiểu gấp nhiều lần mức lạm phát là không tương xứng với mức tăng chi phí sinh hoạt thực tế và không cần thiết. Ngoài ra, mục tiêu tạo việc làm mới có thể bị chững lại bởi các nhà sản xuất và đầu tư nước ngoài sẽ xem xét, cân nhắc lại kế hoạch chuyển hoạt động kinh doanh đến VN. Hơn nữa, mức gia tăng 16,8% sẽ đẩy lạm phát tăng cao, thậm chí giảm việc làm, có thể tạo ra mất cân bằng xã hội. Chưa kể tính cạnh tranh trong khu vực của VN đối với việc thu hút đầu tư sản xuất xuất khẩu từ nước ngoài sẽ bị giảm đi, đặc biệt trong bối cảnh gần đây Trung Quốc đang tiến hành cắt giảm nhiều chi phí và thực tế việc tăng lương tối thiểu trong các nước ở khu vực đã giảm đi rất nhiều… |