“Vì tương lai không nghèo đói”
Đi đến năm thứ 13, học bổng Tiếp sức đến trường (TSĐT) đã mở rộng ra đến hàng ngàn suất mỗi năm trên cả nước.
“Vì tương lai không nghèo đói”
Đi đến năm thứ 13, học bổng Tiếp sức đến trường (TSĐT) đã mở rộng ra đến hàng ngàn suất mỗi năm trên cả nước.
Ông Vũ Duy Hải động viên một tân sinh viên trong lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2013 do Giải golf Tiếp sức đến trường tài trợ tại Cần Thơ – Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Mức học bổng lên hơn gấp đôi, đã mời gọi “Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ” và cam kết “không để bạn nào không được đến giảng đường vì thiếu học phí”.
Mạnh dạn được như vậy là nhờ những người đồng hành bền bỉ, sáng tạo: ông Lê Quốc Phong – tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, tổ chức Giải golf gây quỹ; ông Vũ Duy Hải – tổng giám đốc Công ty cổ phần VinaCam, lập Quỹ khuyến học VinaCam; các câu lạc bộ TSĐT các tỉnh vận động không mệt mỏi, những tấm lòng vàng của bạn đọc báo, và điều đặc biệt nhất: sự trở lại chung tay của những bạn trẻ đã từng nhận học bổng TSĐT…
Theo ông Vũ Duy Hải, những điều tâm đắc nhất của chương trình: “Một là tính nhân văn rất lớn và mục đích rất thiết thực của chương trình: TSĐT vì ngày mai phát triển; hai là sự tôn trọng tuyệt đối cam kết của Tuổi Trẻ: từng đồng của nhà tài trợ đều sẽ được trao đến tay các em. Có được hai điều này, tôi chẳng ngại ngần gì trong việc gửi thư ngỏ hay trực tiếp đi giải thích, tâm sự để có thêm nhiều người cùng chung tay với chúng ta trong việc tiếp sức, giải tỏa khó khăn cho các em tân sinh viên đến trường. Tính nhân văn đương nhiên sẽ lan toả, mục đích tốt đẹp, trong sáng đương nhiên sẽ được ủng hộ, cách làm chu đáo, chính xác, trung thực đương nhiên sẽ được tin tưởng. Và tôi rất may mắn, chưa có ai mà tôi “chọn mặt… xin vàng” cho quỹ lại từ chối cả. Ở VinaCam, có con em của nhân viên cũng mang heo đất đến xin đóng góp”.
* Bí quyết “chọn mặt” ấy của ông là gì?
– Cũng giống như bí quyết của báo Tuổi Trẻ khi tìm và lựa chọn những gương mặt được trao học bổng, các doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng chương trình cho đến nay đều có tấm lòng thật sự mong muốn chia sẻ, đóng góp vào tương lai, trước hết là của các em, sau đó là của đất nước. Chúng tôi đồng lòng không chấp nhận những người đến với chương trình vì cái tôi bản thân, vì tiếng tăm hay doanh thu của doanh nghiệp.
Mấy năm nay tình hình kinh tế khó khăn, không doanh nghiệp nào không bị ảnh hưởng nhưng tổng quỹ TSĐT vẫn tăng đã chứng tỏ rõ điều đó. Mấy ngày này là những ngày tôi, anh Phong (ông Lê Quốc Phong) và các thành viên khác đang ráo riết tiếp tục vận động để kịp tiến độ nhập học của các em. Chỉ mong làm sao mình có thể yên tâm rằng không có em nào còn bị sót lại, phải rời bỏ giấc mơ của mình chỉ vì những khó khăn ban đầu.
* Trong những chương trình phát học bổng TSĐT, đã không ít lần ông không hề giấu những giọt nước mắt của mình, chắc hẳn còn nhiều ấp ủ trong những giọt nước mắt ấy?
– Tham gia chương trình này, đi cùng Tuổi Trẻ từ thành phố đến vùng sâu, từ đồng bằng lên núi cao, đương nhiên là tôi phải dành ra rất nhiều thời gian, đôi khi việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng, nhưng tôi lại học được rất nhiều từ nghị lực của các em.
Được gặp, được chứng kiến, được trò chuyện, nhiều lần tôi thật sự rơi nước mắt trước những lam lũ, đói nghèo, cơ cực mà các em phải chịu đựng, vượt qua để đến với kiến thức.
Mấy mươi năm trước, tôi cũng như vậy. Đạp xe 16km đèo núi Sơn La để đến trường, bao lần suýt ngã xuống vực. Ra ruộng cuốc đất, bụng đói, cái cuốc dính vào khối đất dẻo kéo tôi ngã đập mặt xuống bùn…
Để thoát khỏi cảnh ấy chỉ có đi học. Ngày tôi vào đại học, khắp làng bản bà con đến chúc mừng, kéo lại cho nắm gạo, vốc đậu. Hành trang của tôi đến trường là một balô hơn 20kg lẫn lộn gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, đậu đen, vừng lạc như thế, là tất cả tình cảm và hi vọng của người dân quê tôi. Món nợ ân tình tôi vẫn chưa thể trả xong. Trao học bổng đến tay các em là chúng tôi làm nhiệm vụ của mình, “đầu tư vào tương lai” như lời anh Phong hay nói, và hi vọng sau này các em sẽ tiếp tục việc ấy.
* Cái nghèo vẫn còn đó nhưng xã hội đã thay đổi nhiều. Cả ông và ông Lê Quốc Phong đều nhiều lần lặp lại rằng hoàn cảnh của các em tân sinh viên trong chương trình TSĐT còn khó hơn các ông ngày xưa. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
– Đó là một nhắc nhở trước hết là với chính chúng tôi, sau đó là với các em. Với chúng tôi, khi xưa chỉ cần thi đậu. Tiền học được bao cấp, ở ký túc xá, ăn uống cũng bao cấp trong vòng 21kg lương thực. Dù là rất khổ nhưng xung quanh ai cũng như ai, chúng tôi chỉ còn việc học. Còn các em hôm nay, tờ giấy báo nhập học kéo theo bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhập trường thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ so với bạn đồng lứa, về thành phố thì bao nhiêu cám dỗ chực chờ…
Các em đã thắng một cuộc chiến khi vào đại học, và sắp bước vào một cuộc chiến mới. Hiểu rõ như vậy để chúng tôi thấy rõ các em cần được tiếp sức, và các em hiểu rằng những khó khăn chỉ mới bắt đầu.
* Trên tư cách là người sử dụng lao động, ông có mong đến ngày được làm đồng nghiệp với các em tân sinh viên của TSĐT?
– Rất mong. Trong các tiêu chí đánh giá một người lao động, ở tuổi 18 mà các em đã có gần đủ: chăm chỉ, nghị lực, nỗ lực, vượt khó, sáng dạ, thông minh. Các em chỉ cần thêm tri thức để làm việc và thêm bản lĩnh để gìn giữ và phát huy các đức tính của bản thân mình. Tôi có thêm một lời khuyên là các em nên học thêm và học thật giỏi ngoại ngữ, tham gia nhiều hoạt động xã hội, đoàn thể, như vậy những cánh cửa cơ hội sẽ mở rộng, con đường trước mắt các em sẽ thênh thang.
Tôi nhớ một cô bé trong lễ trao học bổng ở Điện Biên. Bản thân em bị khuyết tật, mẹ mất, cha đang phải thụ án tù vì buôn ma túy. Được một cô giáo cưu mang, em đã đậu vào đại học sư phạm. Câu chuyện của em khiến ai cũng khóc. Tôi để lại số điện thoại cho em và nghĩ em sẽ cần được giúp đỡ nhiều hơn một suất học bổng. Em có gọi điện, nhưng chỉ để thăm hỏi, đôi lần nhờ tư vấn, hướng dẫn vài điều trong cuộc sống. Em từ chối mọi đề nghị trợ giúp thêm. Mới đây, tôi được biết em đã thành cô giáo. Với người trao học bổng như tôi, không còn gì sung sướng hơn thế nữa.
* Với những ồn ào của mùa tuyển sinh năm nay, ông còn lời khuyên nào nữa với các em tân sinh viên?
– Dù điểm thi có cao, các em hãy chọn đúng ngành nghề mà mình yêu thích, đam mê và có sở trường. Hãy nhớ, với đa số các ngành, những gì em học trong trường đại học là những kiến thức tổng hợp, cách tư duy logic, chỉ là một bước khai mở trong đời. Ra trường, muốn thành công, các em phải luôn luôn học, phải đam mê, tìm tòi, nỗ lực, sáng tạo… mới thành công, mới tìm được niềm vui trong công việc, và mới sống vui vẻ, hạnh phúc được.
* ĐÀO THỊ HẰNG (học bổng TSĐT năm 2004): Trao học bổng không phải là làm từ thiện Suốt tuổi thơ tôi chưa bao giờ nghĩ lớn lên sẽ vào đại học vì trong nhà chưa bao giờ có dư 500.000 đồng, là một tháng sinh hoạt phí thời điểm đó. Tôi chuẩn bị cho tương lai của mình bằng cách đi làm lò gạch, rồi học nghề cắt tóc gội đầu như những chị em quanh xóm làng mình. Năm 2004 tôi nhận được học bổng TSĐT như một giấc mơ. Học bổng không những giúp tôi bước đầu ổn định cuộc sống sinh viên mà còn giúp tôi vững tin vào những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình ở phía trước. Khi đó, tôi tự hứa với chính mình là khi đủ duyên sẽ quay lại giúp các em đi sau, như một sự tri ân đối với những tấm lòng hảo tâm đã nâng đỡ tôi qua thời điểm khốn khó nhất. Tôi và các bạn của mình đã thực hiện được điều đó ba năm nay. Tôi có niềm tin rằng việc trao học bổng không đơn giản là làm từ thiện mà đó là sự đầu tư dài hạn thông qua giáo dục để các bạn có tương lai tốt hơn cho chính bản thân, cho cả gia đình và tương lai của đất nước. |
* Ông LÊ NGUYỄN MINH QUANG (học bổng Vì ngày mai phát triển lần 2 – 1988): Tôi vào đại học vào những ngày đất nước chúng ta khó khăn nhất. Tất cả mọi người lao đao vì cái ăn cái mặc, sự học không được xem trọng và con đường vào đại học còn rất nhiều rào cản của việc xét lý lịch, đối tượng. Giữa lúc ấy, Tuổi Trẻ cho ra đời chương trình Vì ngày mai phát triển, tôn vinh sự học với thông điệp thật rõ ràng. Khoản học bổng tôi nhận không lớn nhưng là vô giá cho cả cuộc đời, là nguồn động viên, thúc đẩy tôi học tập, làm việc “vì một ngày mai phát triển”. Hôm nay, tôi đã đồng hành với Tuổi Trẻ qua một thời gian dài, qua nhiều chương trình, mỗi ngày mỗi tin tưởng vào cách chăm sóc, động viên thế hệ trẻ của báo. Nhân đây, tôi rất mong muốn các thành viên trong Gia đình vì ngày mai phát triển của chúng ta kết nối lại để tiếp tục truyền thống “người đi trước rước người đi sau” mà chúng ta đã duy trì nhiều năm trước… |