09/01/2025

Bị cáo ra toà có được mở còng tay?

Khi ra toà, có bị cáo được hội đồng xét xử yêu cầu lực lượng dẫn giải tháo còng tay, mở cùm chân nhưng có bị cáo vẫn bị còng khi xét xử.

 

Bị cáo ra toà có được mở còng tay?

 

Khi ra toà, có bị cáo được hội đồng xét xử yêu cầu lực lượng dẫn giải tháo còng tay, mở cùm chân nhưng có bị cáo vẫn bị còng khi xét xử. 


 


Bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc Vinalines, trong phiên tòa phúc thẩm tháng 4-2014 - Ảnh: T.L.
Bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc Vinalines, trong phiên tòa phúc thẩm tháng 4-2014 – Ảnh: T.L.

Thân chủ của tôi có người dù rất thương chồng nhưng đến ngày xét xử thì cương quyết không ra toà vì nói đến toà thấy chồng bị cùm cả tay lẫn xích cả chân, đau xót quá chịu không được

Luật gia NGUYỄN THANH LƯƠNG

Có những phiên toà dù luật sư đã yêu cầu lực lượng dẫn giải và đề nghị hội đồng xét xử mở còng cho bị cáo nhưng vẫn không được chấp thuận. Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?

TAND Q.Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hồ Thanh Sơn (49 tuổi) về tội cướp tài sản. Trong phần thủ tục phiên toà, luật sư Trần Đình Triển (bào chữa cho bị cáo Sơn) đã đề nghị hội đồng xét xử mở còng tay cho bị cáo.

Chủ tọa phiên toà đã hỏi ý kiến lực lượng dẫn giải về vấn đề này. Đại diện lực lượng dẫn giải cho biết bị cáo Sơn bị đưa ra xét xử về tội cướp tài sản, đây là hành vi rất nguy hiểm nên lực lượng dẫn giải không đồng ý mở còng tay cho bị cáo.

Luật sư Triển phản bác bị cáo chưa bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của toà, vì vậy bị cáo phải được đối xử như một công dân, muốn bị cáo tự do thoải mái trình bày trước toà thì phải được mở còng tay.

Lúc này chủ toạ phiên toà cho biết vụ án này phức tạp, còn có nhiều tranh cãi về hành vi phạm tội của bị cáo nên đề nghị lực lượng bảo vệ tháo còng tay cho bị cáo. Sau khi chủ toạ yêu cầu, lực lượng dẫn giải mới mở còng tay cho bị cáo Sơn.

Hiện nay ở các phiên toà, có khi vừa vào phần thủ tục hội đồng xét xử đã yêu cầu lực lượng dẫn giải mở còng tay cho bị cáo, có khi các luật sư chủ động yêu cầu nhưng hội đồng xét xử không đồng ý cho mở còng.

Phải đảm bảo quyền bình đẳng của bị cáo

Luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia Q.2, TP.HCM) cho biết hiện nay khi ra toà, có bị cáo còn bị cùm cả tay lẫn chân.

Khi hỏi chỉ cần còng tay được rồi, tại sao phải cùm chân thì lực lượng bảo vệ nói đó là biện pháp bắt buộc để giữ phạm nhân vì ra toà thường có nhiều người thân, có bị cáo thường có hành vi 
manh động, bỏ chạy.

“Thân chủ của tôi có người dù rất thương chồng nhưng đến ngày xét xử thì cương quyết không ra toà vì bảo đến toà thấy chồng bị cùm cả tay lẫn xích cả chân, đau xót quá chịu không được. Trong Luật tố tụng không có quy định nào về việc bị cáo phải bị còng tay, cùm chân tại toà.

Suy cho cùng việc còng tay hay xích chân cũng chỉ là biện pháp bảo vệ trật tự phiên toà, vì thế khi ra toà, lực lượng dẫn giải nên mở còng tay, mở cùm chân cho bị cáo để trả lại bình đẳng cho bị cáo trước khi toà tuyên án.

Việc mở còng không những đảm bảo được sự công bằng cho bị cáo mà còn đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật” – luật gia Nguyễn 
Thanh Lương nói.

Chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định

TS Phạm Minh Tuyên, chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, cho biết việc chủ toạ phiên toà hỏi ý kiến lực lượng dẫn giải xem có được tháo còng tay cho bị cáo hay không là không đúng quy trình.

Vì theo quy trình bảo vệ phiên toà, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra toà ban hành kèm theo quyết định số 810/2006 của bộ trưởng Bộ Công an thì việc mở còng tay cho bị cáo là do chủ toạ phiên to quyết định.

Cụ thể khoản 3 điều 8 quyết định này nêu: “Khoá tay bị cáo trước khi áp giải, xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm.

Việc khoá tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khoá tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu 
của chủ toạ phiên toà”.

“Thông thường khi bắt đầu phiên toà, bao giờ hội đồng xét xử cũng yêu cầu lực lượng dẫn giải mở còng cho bị cáo. Các luật sư muốn đề nghị mở còng tay, xích chân cho bị cáo thì đề nghị hội đồng xét xử chứ không đề nghị lực lượng dẫn giải.

Một số trường hợp bị cáo ở phiên toà sơ thẩm bị tuyên tử hình nên đến phiên toà phúc thẩm có thể tháo còng tay nhưng không tháo cùm chân vì sợ xảy ra nguy hiểm.

Có những trường hợp bị cáo đã bị kết án tử hình, liên quan đến vụ án khác bị trích xuất ra toà mà bản án tử hình trước đó đã có hiệu lực, chờ thi hành án thì hội đồng xét xử không thể mở còng tay lẫn cùm chân vì sợ nguy hiểm.

Nói chung tuỳ theo tính chất từng vụ án mà chủ toạ phiên toà có quyết định phù hợp” – ông Tuyên cho biết.

TÂM LỤA