Bất thường thành bình thường
Cái xấu ở đâu cũng có. Nhưng có những cái xấu chỉ bắt đầu phát sinh từ một lúc nào đó, trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định.
Bất thường thành bình thường
Cái xấu ở đâu cũng có. Nhưng có những cái xấu chỉ bắt đầu phát sinh từ một lúc nào đó, trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định.
Ngay từ lúc mới manh nha, những cái xấu nếu được ghi nhận và xử lý bằng những đối sách thích hợp thì không có cơ hội lây lan. Chậm xử lý, ngăn chặn, nó sẽ sinh sôi, phát triển và xã hội phải trả giá.
Nuôi heo bằng chất cấm, dán logo lên xe để tạo “xe vua”, học giả lấy bằng thật, lừa đảo qua mạng… là những cái xấu thuộc loại này.
Có một thời những việc như thế được coi là cá biệt, không bình thường. Bởi đó không chỉ là những việc làm trái luật mà còn bị coi là trái với lẽ công bằng, với đạo lý.
Người nuôi heo chân chính chỉ bán được với giá bình thường, trong khi người bỏ chất cấm vào thức ăn lại có được thịt heo siêu nạc bán giá cao và thu nhiều lợi nhuận. Người nuôi heo bằng chất kích thích bỗng dưng có lợi thế cạnh tranh hơn so với người nuôi heo chân chính, làm đúng luật.
Tương tự, người có logo “xe vua” tự tin hơn khi chở hàng quá tải, thu lợi cao hơn, dù việc làm của họ khiến đường sá bị hư hỏng.
Người không cần học mà vẫn có bằng cấp có điều kiện để vượt qua người chăm chỉ học tập, vất vả dùi mài sách vở năm này qua tháng nọ trong cuộc chạy đua nghề nghiệp…
Một khi cái xấu không bị thổi còi, không ít người từ chỗ ngờ ngợ, ngại ngùng đã tham gia làm việc xấu, cũng dùng chất cấm, cũng mua bán logo “xe vua”, cũng học giả để có bằng thật… Cứ thế, chuyện bất thường bỗng dưng trở thành chuyện… bình thường.
Để cái bất thường không là bình thường, chỉ có cách duy nhất là kịp thời phát hiện và ngăn chặn những điều bất thường đó.
Trong thời đại ngày nay truyền thông và Internet phát triển, việc thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin về đời sống xã hội, cả việc tốt và cái xấu đều thuận tiện hơn.
Khi thấy cái xấu, xã hội – đặc biệt là cơ quan nhà nước – có điều kiện phân tích, đánh giá tình hình một cách đúng đắn, từ đó có cách ứng phó phù hợp và kịp thời.
Thực tế đã có nhiều cái xấu được phát hiện và xử lý, mà trong đó truyền thông đóng vai trò rất tích cực của người cung cấp thông tin.
Báo chí từng vào cuộc vạch rõ chân tơ kẽ tóc của cái xấu; nhà chức trách, xã hội hành động quyết liệt và cuối cùng cái xấu đã được khống chế. Nạn “cơm tù” hoành hành một thời trên tuyến quốc lộ 1 là ví dụ điển hình.
Đừng để điều bất thường trở thành bình thường bởi khi đó việc khắc phục, hạn chế nó sẽ tốn kém, khó khăn, tệ hơn là nó còn tạo ra những thói quen ứng xử không lành mạnh trong xã hội, đó là tiêu cực, là thói quen chấp hành pháp luật nhiều khi bị thiệt – còn biết lách thì được việc, khấm khá…