28/11/2024

Vì Tuổi Trẻ không bao giờ quên từng phận người

40 năm qua, gần như số báo nào của Tuổi Trẻ cũng có bài viết nói về những thân phận con người trong cuộc mưu sinh, nhất là những người nghèo khó lỡ vận …

 BẠN ĐỌC VIẾT “TUỔI TRẺ 40 NĂM & TÔI”

Vì Tuổi Trẻ không bao giờ quên từng phận người

 

40 năm qua, gần như số báo nào của Tuổi Trẻ cũng có bài viết nói về những thân phận con người trong cuộc mưu sinh, nhất là những người nghèo khó lỡ vận, những cảnh đời chìm nổi giữa dòng đời, những số kiếp gặp đầy oan ức bất công…


 


Những bia mộ vô danh của nạn nhân trong vụ lật tàu năm 1982 tại ga Bàu Cá (Đồng Nai) - Ảnh: T.K.Anh
Những bia mộ vô danh của nạn nhân trong vụ lật tàu năm 1982 tại ga Bàu Cá (Đồng Nai) – Ảnh: T.K.Anh

Những ngày lang thang ở nước ngoài, gặp bạn học sau bao năm biệt tăm tích, thấy rất nhiều người chăm chú đọc Tuổi Trẻ Online, tôi hỏi vì sao chọn Tuổi Trẻ, có bạn trả lời: “Vì Tuổi Trẻ bao nhiêu năm qua không bao giờ quên từng phận người”.

Nhờ Tuổi Trẻ, tôi biết thế nào là nỗi ám ảnh trong những đêm không ngủ của người đội trưởng đội hành quyết, là nhọc nhằn của những người chuyên vớt tử thi chìm sâu dưới dòng sông Bình Lợi lạnh giá.

Nhờ Tuổi Trẻ, tôi biết xót xa cho Huy – cậu học trò nghèo học giỏi ở miền Trung, mấy năm thi đều đậu đại học mà không được địa phương cho đi học vì ba em là sĩ quan chế độ cũ, biết đau đớn cho cái chết của bà mẹ nghèo ở Cà Mau để đổi lấy cái “xác nhận hộ nghèo” cho con trai được ngân hàng chính sách cho vay tiền đi học…

Cũng nhờ Tuổi Trẻ, những phận người dân thấp cổ bé miệng vì mưu sinh mỗi ngày mà phải chắt bóp những đồng tiền còm cõi để chung chi, bôi trơn cho những người thực thi công vụ biến chất được nói lên tiếng nói phẫn uất. Những công nhân cả ngày cắm mặt vào máy, đêm phải xếp hàng dài dằng dặc chờ rút tiền lương từ máy ATM được đưa lên đầy trang báo. Rồi những cái chết oan uổng, những bản án oan ức cũng được đưa ra ánh sáng để minh oan cho những phận người…

Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ còn tôn vinh những người dân bình dị nhưng luôn có những hành động cao cả. Những ngày chủ quyền đất nước bị xâm hại, chỉ nhìn trên trang báo đầu ngày bốn chữ Hoàng Sa, Trường Sa là nhiệt huyết cuồn cuộn chảy.

Chính vì vậy mà hình ảnh và câu chuyện về những con người cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn, vất vả trong mưu sinh nhưng vẫn sáng ngời trên trang báoTuổi Trẻ như chị Quý ve chai tiện tặn từng đồng tiền ướt đẫm mồ hôi để gửi ủng hộ Trường Sa, như bác Nguyễn Thị Lan 85 tuổi gom góp 100 triệu đồng tiền hưu bao năm dành dụm đem đến góp sức cùng Tuổi Trẻ vì hải đảo thân yêu đã cho thấy tấm lòng người dân bình dị nhất vẫn khắc khoải trước tồn vong của dân tộc, của đất nước.

Mới đây, Tuổi Trẻ đã có bài “Trở lại Tây Hòa” viết về vụ lật tàu ở Bàu Cá hơn 33 năm về trước. Thú thật là tôi không bao giờ nghĩ Tuổi Trẻ có bài viết này vì từng ấy năm cát bụi thời gian đã như che mờ tất cả.

Tôi nhớ như in những năm đó gần như nhà nào cũng thiếu đói. Má tôi phải theo hàng xóm đu tàu ra Nha Trang mua gạo về bán, cứ hai chục ký gạo đi về gần cả tuần bán lời được chục lon sữa bò gạo cho mấy đứa con nheo nhóc.

Hôm nghe phong thanh tàu lật, chị em tôi trông đứng trông ngồi và thật may mắn là má tôi không đi trên chuyến tàu định mệnh đó. Từ đó, má tôi bỏ luôn những chuyến tàu ngược xuôi với hàng người chen chúc trên toa tàu và ngồi dày đặc trên nóc toa tàu.

Những phận người mong manh, vô danh đã nằm lại cạnh đường ray năm nào giờ đã được nhắc lại trên Tuổi Trẻ. Lòng rưng rưng, tôi xem đó là an ủi cho vong linh hơn 200 người xấu số cũng như gia đình họ sau ngần ấy năm. Để từ đó luôn thấy rằng với Tuổi Trẻ, 40 năm qua với bao thăng trầm, cay đắng cũng như ngọt bùi – vẫn không điều gì bị lãng quên!

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA