10/01/2025

Bán vé số nuôi hai con vào đại học

Chị cầm xấp vé số trên tay với tâm trạng hết sức phấn chấn vì cậu con trai út Trương Công Chương vừa có giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

 

Bán vé số nuôi hai con vào đại học

 

Chị cầm xấp vé số trên tay với tâm trạng hết sức phấn chấn vì cậu con trai út Trương Công Chương vừa có giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.




Từ những tờ vé số bán dạo, chị Lê Thị Kim Phượng đã nuôi hai đứa con vào đại học - Ảnh: Ngọc Hiển
Từ những tờ vé số bán dạo, chị Lê Thị Kim Phượng đã nuôi hai đứa con vào đại học – Ảnh: Ngọc Hiển

Người phụ nữ này là Lê Thị Kim Phượng (42 tuổi) quê ở tỉnh Quảng Ngãi.

Chị Phượng rong ruổi trên các con hẻm ở quận Phú Nhuận từ 6g sáng đến 21 – 22g đêm để bán vé số đã 15 năm. Những mối vé số quen của chị Phượng, từ bác xe ôm đến bà bán cà phê… ai ai nghe tin cũng mừng cho chị.

Ngoài Chương, đứa con đầu Trương Công Thuần của chị Phượng năm nay cũng lên năm 3 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Năm 1993, chị Phượng lấy chồng ở thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Sống ở quê cơ cực, hai vợ chồng quyết định lên Tây nguyên trồng cà phê lập nghiệp. Đến năm 2000, khi những lứa cà phê vợ chồng vun xới tươi tốt thì chồng chị Phượng bị tai biến qua đời.

Người đàn bà này trở thành quả phụ khi mới sống với chồng vỏn vẹn 7 năm. Thân gái nuôi hai con nhỏ ở giữa rẫy cà phê quá cơ cực nên chị để lại cơ ngơi dang dở cho anh trai rồi ôm hai con về quê.

Khi đó, đứa lớn mới 5 tuổi chị gửi bên nội, đứa nhỏ 3 tuổi chị gửi bên ngoại rồi vào Nam bán vé số. Mồ côi cha lại thiếu vắng mẹ, trong lúc con trai lớn của chị Phượng thi đậu đại học thì đứa em Trương Công Chương lại mê game nên trượt kỳ thi tuyển sinh THPT ở trường huyện.

Thương con, sợ con sau này cũng cực khổ như mình nên chị Phượng nhảy xe đò ra lại quê đem con vào Sài Gòn xin học ở một trường tư thục.

Vào Sài Gòn một thời gian, có hôm chủ nhật Chương đóng cửa nhà trọ đi chơi cả ngày, chị Phượng tìm quanh không thấy đoán chắc con lại mò ra quán chơi game nên đêm về người mẹ này quyết định nói thẳng với con: “Con học hay nghỉ thì nói cho má một tiếng chứ má đi bán vé số đóng tiền cho con học trường tư thục, con có hiểu không?”.

Ngồi trước người mẹ một đời lam lũ, cậu học trò này tần ngần thật lâu rồi nói với mẹ “dạ có”. Từ đó Chương bỏ game, không dùng điện thoại và cả mạng xã hội Facebook mà tu chí học hành. Từ học sinh yếu kém, Chương vươn lên học sinh tiên tiến.

“Nghĩ lại em thấy thương mẹ dữ lắm, trước kỳ thi 15 ngày em phải đi mổ ruột thừa, mẹ cứ vừa chạy đôn chạy đáo lo cho em vừa phải tranh thủ mang vé số đi bỏ cho các mối quen chứ nghỉ là mất khách. Biết mẹ cực nên em đã thay đổi, nỗ lực hết sức để đậu đại học”, Chương nói.

Chị Lê Thị Kim Phượng cùng con trai Trương Công Chương lau chùi lại chiếc xe đạp cũ để chuẩn bị vào năm học mới - Ảnh: Ngọc Hiển
Chị Lê Thị Kim Phượng cùng con trai Trương Công Chương lau chùi lại chiếc xe đạp cũ để chuẩn bị vào năm học mới – Ảnh: Ngọc Hiển

Nhìn tờ giấy báo nhập học của con, chị Phượng vừa mừng vừa lo. Mừng vì đứa con út mà chị hết sức lo lắng do có lúc tưởng chừng để đời trôi tuột trong game, nay đã trở lại đường sáng và chạm cánh cửa giảng đường đại học.

Nhưng lo vì số tiền học phí để nuôi hai đứa con học đại học không phải nhỏ trong khi chị đang ở nhà thuê và thu nhập bấp bênh bởi vé số có khi may khi ế.

“May mà cả chục năm nay tui sống tằn tiện dành dụm từng đồng nên giờ mới có để lo cho con, chứ không chẳng biết tiền đâu đóng học phí cả chục triệu đầu năm cho hai đứa. Mấy hôm nay tui thấy hai con bàn bạc phân công nhau đi làm thêm, bươn chải kiếm thêm tiền tui cũng mừng”, chị Phượng nói.

Sau hai năm học đại học bằng đồng tiền từ từng tờ vé số của mẹ, đứa con đầu Trương Công Thuần đã bắt đầu vận dụng kiến thức học ở đại học đi vẽ tranh ở các quán cà phê rồi tranh thủ đi phát tờ rơi và chuyển hàng thuê kiếm tiền.

Còn Chương dự tính sau khi nhập học ổn định cũng sẽ đi kiếm việc làm thêm bán thời gian để đỡ đần giúp mẹ.

Thầy Trần Công Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 Trường THCS-THPT Hồng Hà, cho biết: “Nhiều khi tôi thấy em đi bộ ba cây số từ nhà trọ đến trường bất kể mưa nắng. Cả ba năm em chưa vắng buổi học nào.

Người ta mổ ruột thừa nghỉ cả tuần lễ, còn Chương chỉ nghỉ đúng 3 ngày là đủ biết em rất chú tâm đi học chuyên cần. Thầy cô trong trường ai cũng thương vì em Chương rất chăm ngoan, giờ nghe em đậu đại học ai cũng mừng cho gia đình em”.

Tiếp sức tân sinh viên, bạn có thể làm gì?

Thông tin về tân sinh viên nghèo xin gửi cho báo Tuổi Trẻ: ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (email: [email protected]) hoặc các văn phòng báo Tuổi Trẻ. Đóng góp cho chương trình có thể chọn:

1. Gửi trực tiếp tại toà soạn báo Tuổi Trẻ hoặc các văn phòng đại diện.

2. Gửi qua đường bưu điện: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM – Điện thoại: (08) 39973838.

3. Gửi qua chuyển khoản: chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ

Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.

Chuyển tiền từ nước ngoài về: Tuoi Tre Newspaper – Vietcombank, Ho Chi Minh City, Viet Nam – – Swift code: BFTVVNVX007 – Account Number: * USD: 007.137.0195.845 – * EUR: 007.114.0373.054

Vui lòng ghi rõ: Hỗ trợ học bổng “Tiếp sức đến trường”

NGỌC HIỂN – [email protected]