11/01/2025

Ông bác sĩ ở “bệnh viện không tường”

TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện VN – Thuỳ Điển (TP.Uông Bí, Quảng Ninh), luôn nhớ rất rõ câu nói của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm, vị giám đốc đầu tiên của bệnh viện này: “Bệnh viện phải không tường, luôn hướng về cộng đồng, không còn bức tường ngăn cách”.

 

Nhật ký Blouse trắng – Kỳ 2: Ông bác sĩ ở “bệnh viện không tường”

 

TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện VN – Thuỵ Điển (TP.Uông Bí, Quảng Ninh), luôn nhớ rất rõ câu nói của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm, vị giám đốc đầu tiên của bệnh viện này: “Bệnh viện phải không tường, luôn hướng về cộng đồng, không còn bức tường ngăn cách”.




TS Trần Viết Tiệp thăm hỏi trẻ em ở khoa nhi - Ảnh: Thúy HằngTS Trần Viết Tiệp thăm hỏi trẻ em ở khoa nhi – Ảnh: Thuý Hằng
Khám bệnh, nhưng hỏi về lúa
13 giờ 30 một ngày thứ bảy, nhà làm việc của khối văn phòng bệnh viện vẫn rất đông, hối hả, chưa thấy có dấu hiệu cho thấy đang là chiều cuối tuần. TS Trần Viết Tiệp tranh thủ đảo một vòng quanh Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Nhi.
“Lúa má kỳ này có tốt không bác?”, ông Tiệp hỏi một người đàn ông vừa bị tai nạn giao thông. Những nếp nhăn trên mặt người đàn ông đã giãn ra một chút. Họ trao đổi với nhau về lúa, thuốc trừ sâu, công gặt thuê trước khi nói về cái chân đang phải bó bột.
“À, nhóc con, lại đây ông bế một cái xem nào. Tại sao lại cứ thích bố cõng thế nhỉ?”, ông Tiệp bỏ cuốn sổ xuống giường và chìa cánh tay ra một em bé chừng 3 tuổi điều trị viêm phổi đang mếu xệch miệng. Lúc nào, ông bác sĩ 53 tuổi này cũng rất được lòng trẻ em và cả người lớn. Ông biết cách đùa để trẻ con thấy ấm áp và người lớn thấy được sẻ chia, đôi khi chỉ là những cử chỉ rất nhỏ: cái xoa đầu với em bé, đặt tay lên vai một thanh niên, bắt tay một phụ huynh có con nhỏ đang trong phòng mổ.
Trong nhiều cuộc họp với các y bác sĩ trong bệnh viện, ông luôn nói với mọi người, phải làm sao để nụ cười trong bệnh viện được nhân lên, không phải bằng cách hé môi, thể hiện một nụ cười cơ học. Nụ cười thể hiện trong ánh mắt nhìn của bác sĩ với bệnh nhân, tác phong làm việc, cách hỏi han ân cần, sự thấu hiểu người bệnh cần gì. Nụ cười đó sẽ là cách chữa bệnh theo “cơ chế thần kinh nội tiết”, người bệnh nhìn thấy bác sĩ đã thấy khoẻ được đôi phần.
TS Tiệp luôn nhắn nhủ với đội ngũ y bác sĩ tại đây, phải làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đây cũng là chủ trương của những chuyên gia người Thuỵ Điển khi còn hỗ trợ VN ở bệnh viện này gần 10 năm trước. Chất lượng là điều hiển nhiên, còn hiệu quả là làm sao để chi phí cho người bệnh phải chịu thấp nhất. Ông đùa vui: “Truyền một chai đạm plasma giá hơn 1 triệu đồng, nhưng lượng đạm người bệnh nhận chỉ bằng nửa cân thịt, vậy thì bác sĩ phải xem, nếu người bệnh có thể ăn được thì bảo họ cứ mua thịt về nấu cháo là rẻ mà vẫn tốt”.
Còn nhớ trong một hội thảo về thuốc, ông thẳng thắn bày tỏ, nếu có thể dùng thuốc nội, ông luôn kê đơn cho người bệnh để giá thành người bệnh phải chịu thấp nhất.
Chăm sóc người bệnh theo đội
Khác với nhiều bệnh viện khác, một điều dưỡng chăm sóc một nhóm bệnh nhân, hoặc mỗi điều dưỡng làm một khâu trong quá trình chăm sóc, từ năm 2006, TS Trần Viết Tiệp đã chỉ đạo phải thành lập các đội chăm sóc người bệnh. Trong đội này, điều dưỡng giữ vai trò trung tâm, nhưng vẫn có bác sĩ, các hộ lý, sinh viên thực tập, người nhà và cả bệnh nhân. Mỗi buổi sáng, cả đội sẽ tới các phòng bệnh, chào hỏi người bệnh và nói rõ với họ, hôm nay sẽ được chăm sóc ra sao, mỗi người trong nhóm sẽ có nhiệm vụ gì. Nhờ thế, tâm lý người bệnh cũng an tâm hơn, công việc chăm sóc của điều dưỡng cũng tốt hơn.
Từ 3 năm nay, mỗi tháng, bệnh viện đều có nhóm y bác sĩ về uỷ ban các phường xã trong TP.Uông Bí để khám, tư vấn miễn phí cho người bệnh. Kỳ vọng của TS Tiệp là số lượng các buổi khám chữa bệnh này có thể tăng lên 3 – 4 buổi 1 tháng. Còn tham vọng, ông muốn tuyên truyền cách nào để người dân phòng bệnh, chăm sóc, yêu thương bản thân mình nhiều hơn, từ chuyện biết đi khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần, ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, chứ không phải có bệnh mới tìm đến bác sĩ.
Bệnh viện VN – Thuỵ Điển sau hơn 30 năm được xây dựng vẫn còn rất mới. TS Tiệp tự hào với khách đến thăm, một phần là không gian xanh, một phần là những bức tường được người Thuỵ Điển thiết kế đặc biệt với ô thoáng hình tổ ong, lấy ánh sáng và gió trời tự nhiên. Đó là những bức tường quý, cần giữ lại. Còn trong tâm khảm của người bác sĩ đã gắn bó với nơi này từ những ngày đầu tiên được xây dựng đến nay, bức tường ngăn cách giữa bệnh viện và cộng đồng luôn luôn cần phá bỏ. Đó là tinh thần Thuỵ Điển.
Để người bệnh được chăm sóc đồng đều nhất
Từ năm 2003, Bệnh viện VN – Thuỵ Điển đã hình thành ý tưởng, xây dựng và ứng dụng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc các bệnh thường gặp. TS Trần Viết Tiệp xác định, trong bệnh viện mọi người muốn làm tốt mọi việc, phải có quy trình chuẩn, hướng dẫn chuẩn, đây là kết quả tổng hợp kiến thức khoa học thế giới cũng như trong nước áp dụng cụ thể vào bệnh viện mình. Mọi bệnh có phác đồ hướng dẫn điều trị, mọi thủ thuật đều có hướng dẫn làm. Tất nhiên, theo thời gian, nhiều phác đồ sẽ không bao giờ sử dụng nữa, còn nhiều phác đồ điều trị vẫn được cập nhật hằng ngày. Căn cứ trên bộ chỉ số này, hội đồng khoa học bệnh viện kiểm tra việc chấp hành của các nhân viên, sau đó điều chỉnh ngay trong ngày, giảm thiểu mọi rủi ro. Vậy là người bệnh được chăm sóc đồng đều nhất, nhân viên mới vào công tác cũng bớt bỡ ngỡ vì tất cả đã được hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ.

Thúy Hằng