28/11/2024

“Người ta còn mua báo thì mình còn bán”

Từ những bức thư viết tay của các cô cậu học trò nghèo học giỏi kể về gánh nặng mưu sinh của cha mẹ mình, Tuổi Trẻ đã tìm về nhà của những người bán báo dạo để lắng nghe câu chuyện họ vượt khó bám trụ với nghề.

 HỌC BỔNG “ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI BÁN BÁO” 2015

“Người ta còn mua báo thì mình còn bán”

 

Từ những bức thư viết tay của các cô cậu học trò nghèo học giỏi kể về gánh nặng mưu sinh của cha mẹ mình, Tuổi Trẻ đã tìm về nhà của những người bán báo dạo để lắng nghe câu chuyện họ vượt khó bám trụ với nghề.



Gia đình anh Huỳnh Toàn đang ở trong một kiôt bán trái cây - Ảnh: NGỌC HIỂN
Gia đình anh Huỳnh Toàn đang ở trong một kiôt bán trái cây – Ảnh: NGỌC HIỂN

Cũng từ những xấp báo trên tay tảo tần mỗi ngày mà họ có đồng tiền, bát gạo lo cho con có cái ăn cái mặc để đeo đuổi con chữ.

Thích được gọi là
“ông báo”

Một ngày làm việc của anh Huỳnh Toàn (41 tuổi) bắt đầu từ 3g sáng và kết thúc lúc 11g đêm. Hàng xóm kể sáng sớm thấy anh ôm chồng báo chạy đi, trưa thấy anh chạy xe ôm đầu ngõ, đến nửa đêm lại mang về nhà một xe kéo đầy ve chai. “Tui bươn chải ngoài đường ngoài sá cả ngày cả đêm nên chẳng ai biết tên tui mô, họ chỉ gọi tui là “ông báo” thôi. Mà tui cũng thích tên đó lắm, nghe có vẻ trí thức mà cũng gắn với cái nghề bán báo dạo của vợ chồng tui giữa cái đất Sài Gòn đã 23 năm nay” – anh Toàn nói.

Anh Toàn bắt đầu chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình ở một cái kiôt lụp xụp hai vợ chồng thuê bán trái cây nằm sâu sau chợ Tân Trụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) mà anh gọi là “nhà” khi đồng hồ đã điểm 11g đêm. Đôi gò má đen sạm vì nắng gió của người đàn ông bươn chải kiếm sống này vẫn toát lên vẻ tươi tắn dù cuộc đời anh là một chuỗi dài những ngày nghèo khó.

Vì quá nghèo mà năm 18 tuổi anh Toàn đã giã từ quê hương, nhảy xe đò vào Nam mưu sinh với nghề bán báo dạo. Cũng nhờ rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn, anh quen và kết hôn với cô gái duyên dáng vừa là “đồng nghiệp” vừa là đồng hương tên Nguyễn Thị Tỉnh.

Năm 2001, họ sinh con gái đầu lòng nhưng khi con được 8 tháng tuổi, bác sĩ thông báo con anh bị bệnh bướu máu ở chân. Bao nhiêu tiền bạc hai vợ chồng tích cóp bấy lâu dồn cả vào việc chạy chữa cho con nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

“Thời đó mỗi ngày hai vợ chồng bán mấy trăm tờ, ôm báo khòm cả lưng mà không biết mệt. Nhưng có bao nhiêu lo chữa bệnh cho con hết chứ hai vợ chồng chẳng dư dả” – anh Toàn trầm ngâm.

Những năm gần đây, chị Tỉnh giao lại hết mối của mình cho chồng để về bán trái cây sau lưng chợ Tân Trụ. “Dù tiền lời chẳng bao nhiêu nhưng tui không bỏ được, mình yêu cái nghề này và chừng nào người ta còn mua thì mình còn bán” – anh Toàn nói.

Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, niềm vui của anh Toàn chính là buổi sáng cầm tờ báo như còn nóng hổi, thắm mực in đọc những tin tức đầu tiên. Những tấm lòng nhân ái, những gương tốt trên trang báo Tuổi Trẻ trở thành bài học để anh dạy ba đứa con mình biết vượt khó mà vươn lên.

Thấy ba mẹ khuya sớm tảo tần, con gái đầu Huỳnh Thị Tiên mới 14 tuổi dù mang bệnh trong mình nhưng cũng gắng gượng sớm hôm lo cơm nước, giặt giũ rồi bày đứa em học bài. Tiên năm nay lên lớp 8, em gái lên lớp 6, cả hai đều là học sinh giỏi từ năm lớp 1.

“Những hôm trời mưa, em ngồi học trong lớp mà cũng nóng lòng, cầu trời nhanh tạnh bởi ngoài kia cha mẹ em phải lội mưa đi bán báo. Cả hai chị em đều tự hứa với nhau là phải học thật giỏi để thoát nghèo như ước vọng của cha mẹ” – Tiên nói.

Niềm hi vọng trong phòng trọ 4m2

“Những tháng hè năm học cấp II, tui theo bạn bè vô Sài Gòn bán báo dạo kiếm tiền mua sách vở, áo quần đi học. Làm riết rồi quen, cộng thêm thời đó nghèo khó quá nên tui vô thẳng trong này làm nghề bán báo dạo, tính đến nay thâm niên cũng đã tròn 20 năm” – anh Tô Văn Ôn (37 tuổi) tâm sự.

Cũng chừng đó thời gian, chị Đỗ Thị Thắm (34 tuổi), vợ anh Ôn, thức dậy khi gà chưa cất tiếng gáy để nhận báo rồi rong ruổi khắp các nẻo đường đưa tin tức đến cho mọi người. “Bán báo sợ nhất là trời mưa, thứ hai là trễ giờ. Mùa mưa, ôm cả chồng báo trên tay mà nơm nớp lo sợ, ráng che chắn sao cho nó còn nguyên, mặc mình thấm nước” – chị Thắm tâm sự.

Căn phòng trọ với diện tích chỉ vỏn vẹn 4m2 ở một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM) là nơi cư ngụ của gia đình anh Ôn suốt mười năm qua để bám trụ mưu sinh với nghề. Sau khi bán xong báo, buổi chiều anh Ôn đi phụ hồ thêm, còn chị Thắm đi bán đậu phộng, trứng cút đến tận 12g đêm mới về. Số tiền ít ỏi từ mỗi ngày anh chị dành dụm trang trải cuộc sống, lo cho con gái Tô Thị Dung đang học lớp 7 Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM).

Cha mẹ chạy vạy cả ngày mưu sinh, Dung cũng phần nào thấu hiểu nên luôn ở nhà ngoan ngoãn, phụ giúp mẹ nấu nướng, rửa chén bát. “Niềm vui nhất của con là buổi tổng kết trường con mang giấy khen và phần thưởng học sinh giỏi về cho cha mẹ xem là cả nhà ôm nhau cười. Con biết nhà con không đầy đủ như nhà các bạn nên con phải ráng học thật giỏi để sau này sẽ trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo” – Dung tâm sự.

Khi Dung nói ra ước mơ của mình, đôi mắt của anh Ôn, chị Thắm bỗng ánh lên niềm hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

Sẽ trao 231 suất học bổng

“Đồng hành cùng người bán báo” là học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 399 của báo Tuổi Trẻ, thực hiện nhân kỷ niệm 40 năm thành lập báo (2-9-1975 – 2-9-2015).

Đây là năm thứ 4 học bổng được tổ chức và sẽ trao 231 suất (mỗi suất trị giá 1 – 3 triệu đồng, tổng trị giá hơn 350 triệu đồng) cho con những người bán báo có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi tại TP.HCM, khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các tỉnh. Sau bốn năm thực hiện, học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” đã trao 771 suất với tổng trị giá trên 1,2 tỉ đồng.

 

NGỌC HIỂN – MỸ DUYÊN ([email protected])