08/01/2025

Tôi phải dùng thẻ bảo hiểm y tế nào?

Tôi từng tham gia công tác tại chiến trường quốc tế và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của quân đội (khi khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi BHYT 100%).

 

Tôi phải dùng thẻ bảo hiểm y tế nào?

 

 Tôi từng tham gia công tác tại chiến trường quốc tế và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của quân đội (khi khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi BHYT 100%).



Hiện tôi đang công tác tại Diamond Plaza (Q.1, TP.HCM) và dù đã được cấp thẻ BHYT của quân đội nhưng tôi vẫn phải mua BHYT loại hình doanh nghiệp.

Tôi đã đề nghị cắt BHYT tại doanh nghiệp nhưng phía Diamond Plaza trả lời không được.

Như vậy tôi phải sử dụng song song cả hai thẻ BHYT, quá lãng phí. Xin hỏi tôi có thể cắt BHYT tại doanh nghiệp đang làm việc hay không?

NGUYỄN HỮU CẢNH

Ông CAO VĂN SANG (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM) trả lời:

– Theo quy định tại điều 12, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, người tham gia BHYT có 25 đối tượng khác nhau. Trong đó, đối tượng được xếp đầu tiên là người lao động đang làm việc, sau đó mới đến các đối tượng khác. Điều 13 của luật này cũng quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng ưu tiên từ cao tới thấp, theo thứ tự của các đối tượng quy định tại điều 12 của luật này. Ngoài ra, khi một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Đối chiếu theo luật, anh Cảnh thuộc hai đối tượng là: người lao động đang làm việc (đối tượng thứ nhất) và người có công với cách mạng (đối tượng thứ chín).

Do anh Cảnh đang làm việc tại doanh nghiệp Diamond Plaza thì anh phải đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại 
doanh nghiệp này.

Để đảm bảo quyền lợi và tránh trùng lắp thẻ BHYT, anh Cảnh phải báo với cơ quan bảo hiểm xã hội để chỉnh lại mã quyền lợi trong thẻ BHYT của anh theo quyền lợi của người chính sách có công với cách mạng.

Đồng thời, anh Cảnh nên liên hệ với nơi cấp thẻ BHYT theo chính sách người có công (thường là Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) để nơi đây thu 
lại thẻ BHYT này.

 

L.TH.H. ghi