Chuyện đẹp trên mạng xã hội
Trăn trở trước thông tin tiêu cực đầy rẫy xung quanh, những người trẻ tâm huyết đã tạo lập dự án về lòng tốt hoặc cất công tìm kiếm, giới thiệu, làm lan toả những câu chuyện đẹp trên mạng xã hội.
Chuyện đẹp trên mạng xã hội
Trăn trở trước thông tin tiêu cực đầy rẫy xung quanh, những người trẻ tâm huyết đã tạo lập dự án về lòng tốt hoặc cất công tìm kiếm, giới thiệu, làm lan toả những câu chuyện đẹp trên mạng xã hội.
Super Siêu là ai ?
“Thay vì trưa nay chia sẻ câu chuyện số 22, nhưng chúng ta chơi trò chơi này đã rồi nhân vật Super Siêu sẽ được bật mí nghen. Các từ khoá của chúng ta đây: điển trai, học giỏi, năng động, tài năng. Đặc biệt, bạn ấy có điểm trung bình năm đầu tiên học ĐH là 9,42 và điểm rèn luyện là 100/100…”.
Đó là một trong những chiêu gây tò mò của những người điều hành fanpage Những câu chuyện đẹp trên Facebook.
Anh Lâm Đình Thắng, Phó bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, là người có ý tưởng xây dựng chương trình trên. Anh Thắng cho hay: “Trong quá trình tham gia mạng xã hội, tôi nhận ra lượng người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ chia sẻ những trạng thái, hình ảnh, lời bình luận rất nhiều. Tuy nhiên, trong số đó, có rất ít điều có giá trị, có tác dụng động viên tinh thần, khơi gợi nguồn cảm hứng sống tốt, sống đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng”. Mặt khác, là người trưởng thành, gắn bó với phong trào sinh viên (SV), anh Thắng nhận thấy trong cuộc sống có rất nhiều hoạt động ý nghĩa và điển hình SV. Và câu hỏi bỗng bật ra: Tại sao mình không tận dụng thực tế rất hay từ chính những SV để tác động đến ý thức và hành động của nhiều SV, thanh niên khác thông qua mạng xã hội?
Nghĩ là làm. Sau một thời gian thử nghiệm, ngày 20.6.2015, fanpage “Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh – Những câu chuyện đẹp” chính thức đi vào hoạt động.
Chị Ngô Thanh Chung, Giám đốc Nhà văn hóa SV TP.HCM, tâm tình: “Khi nghe ý tưởng, chúng tôi cảm thấy rất máu lửa. Nhưng khi bắt tay vô làm thì không đơn giản chút nào”. Theo chị Chung, chị và những nhân viên hầu như lúc nào cũng trong tư thế “giương ăng ten” khắp phía, nhất là ngoài đời thực và trên Facebook để nắm bắt thông tin, phát hiện đề tài. Ngoài bộ phận truyền thông của mình, đơn vị này thường xuyên cài cắm mạng lưới cộng tác viên ở những câu lạc bộ, đội nhóm và ở các trường. Chị Chung khẳng định điều quan trọng nhất khi thể hiện những câu chuyện đẹp là cố gắng tạo nên sự tương tác với người đọc.
Tính đến nay, đã có gần 25 câu chuyện đẹp về những “người đẹp” trên nhiều lĩnh vực được lan toả trên trang mạng xã hội này. Xen kẽ với những gương SV “5 tốt” đẹp rạng ngời là những hình ảnh rất đỗi bình dị mà vẫn thừa sức lay động lòng người. Đó là cô gái âm thầm ngồi lượm rác trong khi ai cũng bỏ đi, là chàng khuyết tật kiên cường “chọn đối đầu để bắt đầu”. Hay như lời tự sự của chàng trai mất 4 năm để đến với giảng đường trường y… Nhiều khi, người đọc thấm thía, đồng cảm và được truyền cảm hứng từ những chiêm nghiệm của nhân vật: “Ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ nên không thể phung phí thời gian”, “Tình nguyện làm tâm hồn mình giàu có và lạc quan hơn”…
Bản đồ… lòng tốt
Anh Khoa Nguyễn (ngụ TP.HCM), điều phối viên dự án Mượn sách miễn phí.com, đang cật lực chuẩn bị cho ra mắt chuỗi dự án Tôi tốt – ikinds. Khoa Nguyễn giải thích, trong chuỗi dự án này, anh và nhóm bạn sẽ dùng công nghệ và truyền thông để làm nên “Bản đồ người tốt”. Theo đó, mọi người sẽ thấy các câu chuyện, người tốt có khắp mọi nơi, đặc biệt là nơi mình đang đứng. Đồng thời, nó cũng kích thích, giúp người ta dám hành động vì lẽ phải.
“Lòng tốt xuất phát từ chính bản thân mình, rồi mới lan toả ra ngoài được. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm và tin vào mối tương tác: Tôi tốt – bạn tốt – chúng ta cùng tốt”, anh Khoa Nguyễn trải lòng.
Anh Lâm Đình Thắng nhận xét: “Viết những câu chuyện đẹp này không dễ. Viết cho đối tượng chính là SV để SV chịu đọc, chịu chắt lọc những bài học và chịu rèn luyện theo những nhân vật đó thật sự là vấn đề cực khó, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội – môi trường không dành cho câu chữ dài dòng mà không đọng lại cảm xúc. Tuy nhiên, đội ngũ những người làm chương trình sẽ kiên trì vượt khó để thực hiện thành công, bởi ý nghĩa rất đẹp và nhân văn của nó”.
Là một trong những thành viên quản trị trang mạng “Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh – Những câu chuyện đẹp”, chị Lưu Thị Hợp chia sẻ: “Chúng tôi luôn suy nghĩ về nguồn câu chuyện để tiếp cận, khai thác làm sao không trùng lắp và phải làm nổi bật những hình ảnh đẹp nhất về nhân vật. Cách viết phải được thay đổi thường xuyên và luôn trẻ hoá, nếu không sẽ đi vào lối mòn nhàm chán”.
Trong khi đó, anh Khoa Nguyễn tự tin bày tỏ: “Khó khăn có thể có, nhưng sao không thử, sao không vượt qua? Rồi bạn sẽ thấy những điều tốt đẹp khi chúng ta nhìn vào những điều tốt”.
Như Lịch