11/01/2025

Trở lại Tây Hoà…

“Có một đoàn tàu không trở về ga/ Lao mình trong đêm dốc quanh tàu lật/Bàu Cá năm nào máu loang đỏ đất/ Người mất vô danh nằm lại Tây Hoà”.

 

Trở lại Tây Hoà…

 

“Có một đoàn tàu không trở về ga/ Lao mình trong đêm dốc quanh tàu lật/Bàu Cá năm nào máu loang đỏ đất/ Người mất vô danh nằm lại Tây Hoà”.



Ông Nguyễn Kim Hoạt và bà Trần Thị Cẩm đứng trước “nghĩa trang ĐS” do ông Hoạt vận động bà con cùng làm - Ảnh: T.K.ANH
Ông Nguyễn Kim Hoạt và bà Trần Thị Cẩm đứng trước “nghĩa trang ĐS” do ông Hoạt vận động bà con cùng làm – Ảnh: T.K.ANH

Những vần thơ khắc khoải của em gái một nạn nhân tai nạn lật tàu năm 1982 tại ga Bàu Cá (Đồng Nai) thôi thúc chúng tôi tìm về những địa danh Bàu Cá, Tây Hoà.

Chuyến tàu chợ định mệnh chở đầy người và hàng hoá xuất phát từ Nha Trang về TP.HCM năm đó, đến khúc cua Bàu Cá thì lật. Lúc đó là khoảng 5g ngày 17-3-1982. Mười hai toa xe văng tung toé, riêng toa đầu máy văng lên nằm ngửa bụng trên đồi.

Lái tàu, nhân viên đoàn tàu và hành khách chết hơn 200 người.

Trở lại Tây Hoà

Những nạn nhân không có giấy tờ, không được người thân nhận xác đành phải nằm lại một nghĩa trang vô danh cạnh đường tàu, nay thuộc xã Tây Hoà (huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Còn hiện trường vụ tàu lật năm xưa giờ là vườn chôm chôm đỏ rực, thuộc xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Một ngôi miếu nhỏ nép dưới bóng cây trâm già. Sau khi tàu lật, ngành đường sắt dựng ngôi miếu gỗ. Sau đó một người dân trong vùng trúng số nên đã xây lại cho kiên cố.

Cây trâm là do ông Nguyễn Thành Sơn, chủ căn nhà trước ngôi miếu, trồng. Ông Sơn nguyên là bảo vệ cung đường Bàu Cá, vào năm 1982 ông làm nhiệm vụ tuần tra cung đường, báo hiệu an toàn cho tàu qua đây.

“Lúc đó 5 – 6 anh em tụi tui đang trực trong ga Bàu Cá thì nghe rầm một tiếng. Chạy ra ngoài thấy đầu máy văng lên đỉnh đồi cách hàng chục mét. Hơn chục toa tàu lật nghiêng, văng tứ tung. Người dân tới rất đông để cứu giúp người bị nạn” – ông Sơn kể.

Người bị thương được đưa đi cấp cứu. Người chết xếp thành lớp, hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Người không có giấy tờ rất nhiều, đa số là người nhảy tàu trốn vé. Cuối ngày, những nạn nhân vô danh được đưa về một khu đất ở xã Tây Hoà, cách đó chừng 3km để chôn cất.

Cổng nghĩa trang ở Tây Hoà hôm nay vừa được quét vôi trắng, ghi dòng chữ đỏ: “Nghĩa trang ĐS”. Hơn 80 tấm bia nhỏ trắng toát ghi: “Mộ VD” (mộ vô danh). Cỏ xung quanh hình như vừa được cắt.

Cùng đi với chúng tôi là vợ chồng bà Trần Thị Cẩm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), tác giả những dòng thơ nói trên. Anh trai bà là Trần Thái Phương khi ấy dắt theo người vợ mới mang bầu về Nha Trang thăm ngoại, lúc trở về thì gặp nạn.

Một tháng sau gia đình mới biết tin về vụ lật tàu, nhưng không chắc người thân của mình đi chuyến đó. Cuộc sống đói khổ, gạo không có đủ ăn, cả gia đình ngậm ngùi chấp nhận chuyện anh Phương không về nữa. 32 năm sau, bà Cẩm mới tìm được khu nghĩa trang đường sắt vô danh ở Tây Hoà…

Khu mộ hoang được “ra dáng” nghĩa trang như ngày hôm nay là nhờ công của ông Nguyễn Kim Hoạt, có rẫy điều sát bên. Một năm trước, ông Hoạt đội chiếc nón lá, đạp xe đi quanh vùng vận động mọi người góp công góp sức phát quang, quét vôi, dựng bia trong khu mộ.

Ông bảo: “Tui ở cạnh đây lâu rồi, không thấy ai tới lui khu vực này. Đến hồi năm ngoái, thấy vợ chồng cô Cẩm không ngại đường xa hay lên đây, lại buồn phiền trở về vì không vô thăm mộ được, tui thấy thương nên mới kêu mọi người giúp. Đều là tự nguyện làm vì tấm lòng với những người đã mất…”.

Ông Hoạt kể tai nạn xảy ra khi ông đang đi lễ sáng ở nhà thờ Lộc Hoà. Đến gần trưa ông chạy lên hiện trường tàu lật. Xã Tây Hoà huy động hàng chục người ra khu đất gần đường ray đào 200 huyệt.

Ông Hoạt tham gia đội quân đào huyệt ấy, đào bằng cuốc rộp hết đôi bàn tay thì xe tải chở xác về tới.

Tại nghĩa trang này chỉ có duy nhất một tấm bia được khắc tên Nguyễn Thị Minh Võ sinh năm 1945, không có quê quán. Bà Cẩm tin rằng anh trai và chị dâu mình đang nằm đâu đó trong những ngôi mộ vô danh kia. Bà đi tìm tấm sơ đồ phần mộ nhiều năm nay nhưng không một ai biết…

Không điều gì 
bị lãng quên

Trong chuyến tàu định mệnh ấy, cả nhà bà Nguyễn Thị Đào (một trong những nhân chứng sống của vụ lật tàu) có ba người là chồng và đứa con 3 tuổi, thêm đứa con thứ hai trong bụng mới 5 tháng tuổi của bà nữa là bốn, đều chỉ bị xây xước nhẹ.

Bà Đào với bà Cẩm vốn là hàng xóm, trong một khu xóm lao động nghèo sát ga Hoà Hưng cũ (nay là một con hẻm trên đường Trần Văn Đang, cạnh ga Sài Gòn). Mỗi người lấy chồng một phương, mấy chục năm nay không gặp nhau.

Gần một năm nay, khi bỏ công bỏ sức kiếm tìm thông tin về chuyến tàu năm ấy, bà Cẩm mới biết được câu chuyện sống sót hi hữu của gia đình bà Đào.

Những cô gái xóm Hòa Hưng năm nào gặp nhau, vừa mừng vừa tủi.

“Hồi đó nghèo khổ lắm, cả xóm này sống nhờ tàu. Ai cũng nhảy tàu, cũng đi buôn kiếm vài lít gạo ăn qua ngày. Xóm có một người chết vì ngồi trên mui tàu bị rớt xuống, sợ lắm, nhưng vì miếng ăn cũng đành phải đi. Có bữa bị bắt hết hàng, hai vợ chồng không còn đồng xu trong túi, nắm tay nhau thất thểu đi bộ hơn 40km men theo đường tàu về nhà” – bà Đào nghẹn ngào nhớ lại.

Chuyến tàu chợ khởi hành từ Nha Trang, chở theo vô số hàng hoá như khoai mì lát, củ, than củi, cá, cám, nước mắm, heo, gà… Trong số đó nhiều nhất là than củi từ Long Khánh mang về Sài Gòn. Cả nhà bà Đào lên từ ga Gia Ray lúc 4g sáng.

Thời đó, cứ 10 người đi tàu thì hết 9 người đi buôn, hàng hoá xếp đầy ga. Vợ chồng bà Đào tính lên bằng đường cửa sổ, nhưng bị một bà to béo khác đẩy ra giành chỗ. Cả nhà đành líu ríu ôm theo bốn bao than leo lên cửa cái.

Lên được tới toa tàu là chồng bà Đào rút đòn gánh chẹn cửa. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Cả nhà ba người ngồi trên mấy bao than, bên cạnh là những bao cám chất đầy tận nóc toa.

Nhiều người đồn đại rằng một khách đi tàu đã xông vào buồng lái để giật thắng nên tàu mới lật. Câu chuyện này được bà Đào kể lại như sau: Khi tàu ngừng ở ga Long Khánh, công an đứng đầy sân ga để bắt những người đi buôn mủ cao su.

Lái tàu có lẽ được thông báo trước nên không dừng ở ga này mà chỉ chạy chầm chậm lại để lấy thẻ tàu. Nhân cơ hội đó, một số người đi buôn đã nhảy lên tàu, bứt ống hơi để tàu dừng lại, sau đó sẽ chất hàng lên.

Bà Đào nói dân đi buôn ai cũng biết cách này, ống hơi nằm ở giữa các toa tàu, chỉ cần biết cách tháo ra thì tàu sẽ buộc phải dừng lại để nhân viên xuống nối lại. Nhân cơ hội đó, người ta chất hàng lên tàu, leo lên bằng cửa sổ.

“Nhưng hôm đó thấy ống hơi đã tháo rồi mà tàu vẫn cố chạy chứ không dừng lại là tui biết có chuyện rồi. Đến ga Dầu Giây, tàu bắt đầu trượt dốc, sàng qua sàng lại. Trong các toa tàu tối om, nhiều người khóc thét lên…”.

Toa bà Đào ngồi là ở giữa đoàn tàu, văng khỏi đường ray chừng 10m. May mắn làm sao, những bao cám đã cứu sống cả nhà. Bởi hầu hết những người chết trong chuyến tàu hôm đó là vì bị hàng đè lên người, nát bấy.

Ngồi gần bao cám nên khi lật, ba người chỉ bị sặc cám chứ không bị thương tích gì nặng. Trong người cũng không có đồng xu cắc bạc nào để bắt xe về Sài Gòn. Hai vợ chồng dắt theo đứa con đành chờ đến khi có tàu lên chở xác về rồi leo lên đó ngồi ké.

Đó là những cái xác có người thân tới nhận. Từ đó, bà Đào bỏ nghề đi buôn, không dám bén mảng lên tàu hoả nữa…

Vẫn tìm trong hi vọng

Bà Nguyễn Thị Đào (thứ ba từ phải qua) kể lại giây phút sống sót sau vụ lật tàu - Ảnh: T.K.ANH
Bà Nguyễn Thị Đào (thứ ba từ phải qua) kể lại giây phút sống sót sau vụ lật tàu – Ảnh: T.K.ANH

Nghe khách hỏi về vụ lật tàu năm xưa, ông Ba Quang (Nguyễn Huy Quang), người chỉ huy công tác cứu hộ năm nào, nhướng đôi mắt già nua lên, chậm rãi kể: “Lúc đó trời còn chưa sáng hẳn, tui chui vào từng toa tàu lật để cứu người.

Chết nhiều lắm, một mình tui bế ra được 41 cái xác để nằm dọc bên đường. Người dân xung quanh lấy chiếu, vải ra đắp lại. Máu, thịt rơi rớt khắp nơi. Xe cộ thì còn rất hiếm, tui phải kêu anh em du kích ra đường chặn các xe đang chạy ngoài đường để đưa nạn nhân đi cấp cứu”.

Bà vợ ông Quang nhớ lại bản thân bà cũng rất sợ, không dám phụ chồng, chỉ cùng người trong xóm tới động viên hỏi han những người còn sống.

Bà kể: “Tội nghiệp lắm, có đôi vợ chồng trẻ đi từ Nha Trang vào, chắc là mới cưới, chị vợ mang bầu chừng 4 – 5 tháng, lúc chết vẫn còn nắm chặt tay nhau. Tui nghe những người ở cùng toa kể lại vậy”.

Nghe đến đây, bà Cẩm vội vàng hỏi lại, đôi mắt ánh lên tia hi vọng đó là anh chị mình. Nhưng vợ ông Ba Quang cũng chỉ biết tới đó. Còn những cái xác ấy được chôn cất ở nơi nào, không ai biết cả.

Cuộc tìm kiếm lòng vòng khắp các nghĩa trang giáo họ, giáo xứ trong khu vực kết thúc vào buổi chiều tà mà không có thêm thông tin gì.

Ông Sơn, nhân viên bảo vệ đường tàu năm xưa, khẳng định: Những nghĩa trang này không thể tuỳ tiện chôn người ngoài, nghĩa trang vô danh ở Tây Hoà chắc chắn là nơi duy nhất chôn nạn nhân hồi đó.

Ông Trần Hon Quí - phó chủ tịch UBND xã Tây Hoà:

Tạm thời giữ nguyên hiện trạng nghĩa trang đường sắt

Vị trí nghĩa trang hiện nay giống như hành lang xe lửa, khi xảy ra tai nạn người ta chôn cạnh bên chứ không có sơ đồ gì cả. Chúng tôi cũng không nắm rõ thông tin, không có số liệu gì về vụ lật tàu ở ga Bàu Cá năm 1982.

Vì sự việc xảy ra lâu rồi, những người làm việc ở uỷ ban vào thời kỳ đó cũng không còn, chưa kể hơn 30 năm qua, nhiều huyện, xã đã được tách ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tôn trọng lịch sử và người đã khuất nên vẫn để nguyên hiện trạng, không tiến hành bốc mộ hay di dời về nghĩa trang mới.

MAI HOA – TẤN ĐỨC 
- T.KIM ANH