Chính lòng dũng cảm… đã cứu sống bé gái 7 tuổi rơi xuống giếng
Đó là nhận định của thiếu tá Bùi Trung Hiếu – Đội trưởng Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Phòng chỉ huy PCCC và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương) – người trực tiếp chỉ huy đào giếng phụ để cứu cháu bé bị rơi xuống giếng khoan ở P.Tân Vĩnh Hiệp (TX. Tân Uyên, Bình Dương)
Chính lòng dũng cảm… đã cứu sống bé gái 7 tuổi rơi xuống giếng
Đó là nhận định của thiếu tá Bùi Trung Hiếu – Đội trưởng Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Phòng chỉ huy PCCC và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương) – người trực tiếp chỉ huy đào giếng phụ để cứu cháu bé bị rơi xuống giếng khoan ở P.Tân Vĩnh Hiệp (TX. Tân Uyên, Bình Dương)
Chiều 5.8, bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, ngụ P.Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên, Bình Dương) vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện đa khoa Bình Dương trong tình trạng sức khỏe ổn định. Tú Anh bị thương nhiều nơi ở mặt và trầy xước khắp cơ thể.
Trao đổi với Thanh Niên Online, chị Trịnh Thị Nguyên (37 tuổi, mẹ cháu Tú Anh) cho biết trong quá trình chăm sóc, chị có hỏi cháu bé sao vì sao lại bị rớt xuống giếng thì bé Tú Anh cho biết là không nhớ vì nguyên nhân vì sao.
Chị Nguyên cho biết Tú Anh là con gái thứ hai trong gia đình. Người con gái lớn năm nay đã học lớp 7. Chồng chị Nguyên bị tử vong sau một vụ tai nạn giao thông khi bé Tú Anh mới được 2 tuổi.
Hiện bé Tú Anh đang học tiểu học tại P.Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên.
10 giờ giành giật cháu bé từ tay tử thần
Thiếu tá Bùi Trung Hiếu cho biết bé Tú Anh rất dũng cảm nếu không công tác cứu hộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu tá Hiếu kể: “Lúc chúng tôi đến hiện trường thì cháu bé bị lọt xuống giếng khoan ở độ sâu khoảng 9 mét. Từ trên mặt đất chúng tôi vẫn nghe tiếng cháu kêu cứu. Chúng tôi tiến hành trò chuyện với cháu để trấn an tinh thần”.
Ngay sau đó, công tác cứu hộ đầu tiên của lực lượng cứu hộ là đưa ống dẫn khí ôxy xuống giếng để cho cháu bé thở.
Theo thiếu tá Hiếu, 4 chiếc xe cuốc được điều đến hiện trường để móc đất xung quanh giếng khoan nhằm cứu cháu bé. Tuy nhiên, khi máy cuốc móc xuống độ sâu khoảng 5 mét, bán kính rộng 20 mét sát với giếng khoan thì bên trong tiếng nói cháu Tú Anh nhỏ dần. Điều đó có nghĩa cháu ngày càng bị tuột xuống sâu hơn.
“Nhờ cháu còn tỉnh táo, chúng tôi đã nói chuyện và đưa sợi dây cứu hộ đã được cột nút thắt cố định sẵn để cháu xỏ tay vào, đề phòng cháu tiếp tục bị rớt sâu xuống bên dưới” – trung tá Hiếu nói.
Tuy nhiên, trong quá trình cứu hộ, cháu Tú Anh cứ tuột dần xuống sâu hơn cho đến khi kẹt vào một tảng đá xanh. Mặt cháu cà vào ống nhựa giếng khoan và chỉ còn 2 tay ở phía trên đầu.
Thiếu tá Hiếu cho biết khi máy cuốc đào được một vùng rộng lớn sâu gần 8 mét thì cháu bé đã bị rớt xuống độ sâu gần 14 mét so với mặt đất.
“Nếu cứ tiếp tục dùng máy cuốc đào bới tiếp rất dễ gây sạt lở đất, làm vùi lấp cháu. Do đó, Ban chỉ huy Sở Cảnh sát PCCC quyết định sử dụng những người thợ đào giếng tình nguyện, trong đó có anh Trần Lê Phương (32 tuổi, ngụ Tây Ninh, người đã đào liên tục gần 5 giờ đồng hồ và trực tiếp đưa cháu bé lên khỏi mặt đất) đào một giếng phụ bằng tay và lực lượng cứu hộ hỗ trợ, để cứu cháu bé”- thiếu tá Hiếu nói.
Nhờ quyết định này bé Tú Anh đã được an toàn đến phút cuối cùng khi được giải thoát.
Trả lời câu hỏi của PV, nếu trường hợp mưa lớn ập xuống thì tính mạng của cháu Tú Anh sẽ ra sao?Thiếu tá Hiếu cho biết: “Cũng là nhờ trời không mưa nên công tác cứu hộ gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã đưa ra rất nhiều tình huống và chuẩn bị các phương án đề phòng”.
Xem xét trách nhiệm cảnh báo an toàn
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra việc khoan và lắp đặt chiếc giếng khoan, không có biển báo, rào chắn, giấy phép… để có cơ xử lý trách nhiệm.
Chiều cùng ngày, UBND TX.Tân Uyên đã tiến hành khen thưởng nóng cho lực lượng cứu hộ và những người dân tham gia giải cứu cháu bé.
Đỗ Trường