Những “ngân hàng máu” di động
Ngoài những lần hiến máu theo chương trình, có những người đã trở thành “đường dây nóng” khi có người cần máu khẩn cấp.
HÀNH TRÌNH ĐỎ – KẾT NỐI DÒNG MÁU VIỆT – KỲ 3:
Những “ngân hàng máu” di động
Ngoài những lần hiến máu theo chương trình, có những người đã trở thành “đường dây nóng” khi có người cần máu khẩn cấp.
Ông Lê Xuân Hải (TP Đà Lạt) vui vẻ hiến máu lần cuối cùng của mình – Ảnh: TIẾN LONG |
Những “ngân hàng máu” sống và di động ấy đã cứu rất nhiều người qua cơn thập tử nhất sinh.
Ngồi nhìn dòng người ghé vào trung tâm để hiến máu ngày một đông, ông Lê Xuân Hải (ngụ P.2, TP Đà Lạt) trầm ngâm: “Đã đi hiến máu cứu người một lần, được nhìn khuôn mặt người bệnh rạng rỡ, tươi tỉnh hồi sinh bằng dòng máu của mình, chẳng ai nỡ lòng làm ngơ khi có người cần máu khẩn cấp đâu”.
Giao thừa vẫn đi hiến máu
Gần 25 lần hiến máu nhân đạo, không ít lần vào bệnh viện hiến máu khi có lời kêu gọi hiến máu khẩn cấp cứu bệnh nhân, ông Hải mới đúc rút được những dòng tâm sự tận sâu đáy lòng ấy.
Ngày Hành trình Đỏ tổ chức ngày hội hiến máu ở TP Đà Lạt này cũng là dấu mốc quan trọng đối với ông. Bởi năm nay ông đã tròn 60 tuổi, tuổi cao nhất được hiến máu theo quy định.
Trong cái lạnh se sắt buổi sớm nơi cao nguyên, ông Hải cùng 43 người dân sống cùng phường đến từ rất sớm. Ông nhanh chóng giúp mọi người ghi thông tin lần lượt vào hiến trước rồi mới đến lượt mình. Nhìn thao tác ông nhanh nhẹn, chuyên nghiệp, ai cũng hiểu là một người đã đi cho máu nhiều lần.
Một số người còn kể về sự nhiệt tình của ông với giọng khâm phục: “Hồi tối ổng đi từng nhà nhắc nhở, dặn mọi người cố gắng dậy sớm tranh thủ hiến nhanh rồi còn đi làm. Nhờ có lời nhắc của ổng mà tụi tôi thấy hào hứng hơn hẳn”.
Hiến máu xong, ông Hải với ánh mắt trìu mến ngồi nhìn dòng người đi hiến một lúc lâu. Ông chia sẻ: “Tui thấy người còn rất khoẻ, phải chi mức tuổi được hiến thêm vài ba năm tui lại tiếp tục đi. Giờ không còn tuổi hiến thì về vận động mọi người xung quanh vậy…”.
Như nhớ lại câu chuyện dang dở hồi đầu, ông kể bản thân mình đã nhiều lần trực tiếp kêu gọi người vào bệnh viện hiến giúp bệnh nhân nguy kịch. Ông nhớ nhất là lần kêu gọi người hiến máu vào đêm giao thừa năm 2013.
Hôm đó khi đang cùng vợ làm đồ cúng giao thừa, ông nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp từ bệnh viện báo về trường hợp một cụ già bị xuất huyết dạ dày đang trong cơn nguy kịch. Cần phải huy động khoảng ba người thuộc nhóm máu hiếm AB tiếp máu để mổ gấp.
Thấy chồng đi, vợ ông Hải cũng có nhắc khéo: “Cả một năm làm ăn của gia đình, con cái trông chờ vào ngày giao thừa đầu năm, ông đi cho máu xúi quẩy cả năm thì sao?”.
Không chút nghĩ suy, ông chỉ biết nói với vợ: “Mạng người quan trọng. Mình cứu người là việc tốt thì sợ gì xui xẻo”. Vậy là xỏ vội cái quần dài, ông tức tốc chạy khắp xóm kêu gọi từng người. Khổ nỗi ngày tết người lo việc họ hàng, người đi tất niên, người bận cúng kiếng nên khó tìm.
“Vừa chạy điện thoại từ bệnh viện vừa gọi thúc giục liên hồi khiến tui nóng ruột như nhà mình có chuyện” – ông Hải nhớ lại.
Cuối cùng sau một hồi chạy đôn chạy đáo, ông mới tìm được ba người cùng đến bệnh viện. Đến khi xét nghiệm chỉ một người đảm bảo yêu cầu. Hai người còn lại do… nồng độ cồn trong máu cao nên không hiến được.
May sao ca mổ thành công, lượng máu mất ít hơn dự kiến nên cụ ông qua cơn nguy kịch. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ca mổ hoàn thành, nhóm dắt nhau về thì ngoài trời pháo hoa đã nổ rền vang đón chào năm mới.
Sau lần đó ông trở thành “đường dây nóng” để bệnh viện gọi khi có những ca bệnh cần máu khẩn cấp.
Đi với ông Hải tới Hành trình Đỏ hôm nay còn có anh Lê Trần Minh Sơn (24 tuổi). Anh Sơn chính là người duy nhất đủ điều kiện hiến máu đêm giao thừa năm ấy.
Ông Hải khen: “Nó nhỏ tuổi nhưng có tấm lòng. Trong phường chỉ khoảng 10 người có nhóm máu hiếm AB như nó. Đến khi bệnh nhân cần cứ gọi một lúc sau nó tới liền”.
Đến nay anh Sơn đã hiến được tám lần. Anh chia sẻ: “Mẹ tôi bị bệnh máu khó đông. Mỗi lần bà bị té ngã, bị thương phải đến bệnh viện truyền máu, hơn ai hết tôi hiểu rõ nỗi vất vả của việc thiếu máu”.
Anh Sơn đưa ra một ý tưởng: “Tôi nghĩ bản thân mỗi người nên đi xét nghiệm để biết nhóm máu của mình, trường hợp có người cần máu khẩn cấp nếu thấy cùng nhóm máu với mình thì có thể sẵn sàng giúp họ”.
Bà Trần Thị Mai (49 tuổi, TP Cam Ranh, Khánh Hoà) đã hiến máu 78 lần suốt 15 năm qua – Ảnh: TIẾN LONG |
“Chỉ cần gọi là tôi tới liền”
Không phải ai ngay từ đầu cũng biết máu quý giá với bệnh nhân đang cơn nguy biến. Chỉ đến khi người thân chứng kiến tình cảnh bệnh nhân “sống còn” vì thiếu máu họ mới giật mình thay đổi suy nghĩ.
Đến giờ bà Trần Thị Hồng Nhung (49 tuổi, TP Đà Lạt) vẫn xúc động khi nhớ về câu chuyện cách đây ba năm. Năm đó cha của bà bị xuất huyết dạ dày, cần phải truyền máu ngay. Huy động nguồn máu người thân không đủ, gia đình bà phải chạy ngược chạy xuôi tìm người giúp đỡ cho máu.
Thật quý là trong giây phút nguy kịch ấy, mọi người đều vui vẻ đến bệnh viện cứu giúp. Nhờ thế ba bà qua cơn nguy kịch.
Bà Nhung nghẹn lời: “Trước giờ nhắc đến cho máu là tôi sợ hãi đủ điều, sợ xui xẻo, sợ mất máu ảnh hưởng đến sức khoẻ… nhưng sau lần đó cả nhà tôi mới hiểu đối với bệnh nhân giọt máu quý giá như thế nào”.
Sau đó, năm thành viên nhà bà đều tích cực tham gia hiến máu. Đến nay mỗi người đã hiến được hơn 10 lần. “Kể cả ngày rằm, mồng một có người tai nạn, sinh đẻ, bệnh nhân cần máu chỉ cần gọi là nhà tôi tới liền” – bà Nhung chia sẻ.
Cầm trên tay tập vé số, chậm rãi từng bước chân tật nguyền vào hiến máu, ông Huỳnh Phú Đạt (47 tuổi, TP Cần Thơ) khiến ai cũng xúc động trước hình ảnh này.
Khi thấy ông Đạt mở lời xin được hiến trước để tranh thủ còn về bán vé số, ai cũng thông cảm nhường ông lên trước. Vừa hiến máu vừa mân mê tập vé số, ông Đạt nhớ lại một lần đang bán vé số gần bệnh viện, thấy người nhà một bệnh nhân bị tai nạn hốt hoảng chạy tìm người cho máu.
Người vợ vừa đi vừa khóc thảm thiết. Ông Đạt cùng mấy người chạy xe ôm gần đó thấy thương nên vào thử ai ngờ cùng nhóm máu với ông.
“Trước giờ tui đâu biết gì về chuyện cho máu, sau lần đó mới biết có nhiều người cần máu” – ông thật thà. Giờ đây có ai cần máu, ông vé số có “ngân hàng máu di động” này lại tạm gác việc mưu sinh để chạy đến.
Nhiều lần mưa gió, đang ở xa nhưng ông cũng đến bệnh viện như cách ông lý giải: “Đi giúp người thì xa mấy cũng phải đi”.
Tại sao bệnh nhân phải trả tiền khi truyền máu? GS.TS Nguyễn Anh Trí, viện trưởng Viện Huyết học – truyền máu trung ương, cho biết: Để tiếp nhận một đơn vị máu, cần có chi phí cho công tác tuyên truyền, xét nghiệm, bồi dưỡng cho người hiến máu… Để có một đơn vị máu an toàn truyền cho người bệnh, những đơn vị máu sau khi tiếp nhận sẽ được đưa về các viện, trung tâm truyền máu để tiến hành các bước xét nghiệm, sàng lọc. Máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở một loại thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí khác như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hoà hợp trước khi truyền máu… Chính vì vậy, khi người bệnh phải truyền máu, họ sẽ phải đồng chi trả những chi phí đó. Đối với những bệnh có bảo hiểm y tế sẽ chi trả theo bảo hiểm, đối với những bệnh nhân nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được Nhà nước chi trả toàn bộ. |