28/11/2024

Không đầu hàng nghịch cảnh

Vượt qua những khó khăn, thậm chí là “bão tố” của cuộc sống, 400 học sinh THPT nhận học bổng “Chung một ước mơ” năm 2015 đã toả sáng lấp lánh với sự hiếu thảo, học giỏi và nghị lực sống mạnh mẽ.

 CHƯƠNG TRÌNH “VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN” LẦN THỨ 397

Không đầu hàng nghịch cảnh

 

Vượt qua những khó khăn, thậm chí là “bão tố” của cuộc sống, 400 học sinh THPT nhận học bổng “Chung một ước mơ” năm 2015 đã toả sáng lấp lánh với sự hiếu thảo, học giỏi và nghị lực sống mạnh mẽ.


* Học bổng “CHUNG MỘT ƯỚC MƠ”

* Báo Tuổi Trẻ, 8 Tỉnh – Thành đoàn Đông Nam bộ và Hà Nội, Tập đoàn SCG (Thái Lan)

Những dòng thư của các bạn gửi về chương trình giản dị nhưng cũng thật mạnh mẽ. Nhịp sống trẻ xin trích đăng để cùng chia sẻ với bạn đọc.

Lê Thị Huyền 
(lớp 11A1 Trường THPT Mỹ Đức B, huyện Mỹ Đức, Hà Nội):

“Giá như tôi có thêm 10.000 đồng”

Lê Thị Huyền - Ảnh: Tâm Lụa
Lê Thị Huyền – Ảnh: Tâm Lụa

Từ ngày bố mất, cuộc sống khó khăn cứ bủa vây lấy gia đình. Hai mẹ con tôi chung sống trong gian nhà chật hẹp, thường ngày phải đi xách nước ở xa về dùng. Mẹ tảo tần nuôi tôi khôn lớn.

Gần đây mẹ bỗng nhiên mắc bệnh rối loạn cảm xúc. Mẹ thường chửi bới không kiểm soát, rồi nói những lời không ai hiểu, phải đưa mẹ đi viện điều trị.

Tôi vừa đi học, vừa đi làm thêm để kiếm tiền sinh hoạt, tiền đóng học phí và điều trị bệnh cho mẹ. Đôi khi tôi cảm thấy mệt mỏi, bế tắc với mưu sinh. Tôi chỉ muốn buông xuôi, muốn trốn chạy khỏi mọi thứ.

Nhưng nghĩ tới thực tại, nghĩ tới mẹ cùng niềm an ủi của mọi người xung quanh lại không cho phép mình gục ngã. Những khi bệnh mẹ tái phát, cả mấy ngày trời tôi không có lấy một đồng trong túi.

Nấu cho mẹ bát cháo trắng chỉ thêm ít tía tô. Giá mà lúc ấy tôi có thêm 10.000 đồng thì mẹ đã có bát cháo thịt ngon hơn, mau phục hồi sức khoẻ hơn.

Tôi chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh, tôi sẽ trưởng thành hơn để có thể hoàn thành việc học, ra ngoài xã hội kiếm được nhiều tiền hơn về chăm sóc mẹ.

Nguyễn Thị Thi Đình 
(lớp 10A7 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM):

Đến trường nhờ những tấm vé số

Nguyễn Thị Thi Đình - Ảnh: Thanh Tùng
Nguyễn Thị Thi Đình – Ảnh: Thanh Tùng

Tôi hay đi bán vé số như ba. Tôi không coi việc đó là thấp kém mà rất vui. Tôi được đi nhiều và hiểu được nhiều thứ mà ba phải chịu hằng ngày. Qua đó hiểu được nhiều người có số phận cơ cực hơn cả gia đình mình.

Tôi thường đi bán từ 6g sáng đến 9g tối, trung bình mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng. Số tiền kiếm được tôi đưa hết cho mẹ phụ trang trải chi phí gia đình. Khi đi bán về, tôi lao vào học bài và làm bài. Cứ cố làm bài được nhiều thì ngày mai thời gian đi bán được nhiều hơn.

Tôi đã đi bán được 6 – 7 năm nay rồi, mặc dù rất mệt nhưng tôi vẫn cố gắng bán thật nhiều để phụ giúp gia đình. Từ nhỏ tôi đã mong có việc làm ổn định để giúp ba mẹ trả hết nợ. Lớn lên chút tôi lại mơ ước mình trở thành cô giáo dạy chữ cho các em nhỏ.

Ngoài xã hội vẫn còn rất nhiều người mù chữ, dễ bị người xấu lôi kéo vào con đường tội lỗi. Tôi cũng xem tivi thấy nhiều người mù chữ trên vùng núi cao. Tôi muốn cống hiến sức nhỏ của mình vào sự nghiệp lớn của đất nước.

Lê Thị Thu Hiền 
(lớp 10 Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu):

Hai lần gạt nước mắt…

Lê Thị Thu Hiền - Ảnh: Thanh Tùng
Lê Thị Thu Hiền – Ảnh: Thanh Tùng

Tôi luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Khát vọng ấy cứ thôi thúc tôi mỗi ngày. Hồi cấp II, vì gia đình quá khó khăn tôi đã nghỉ học một năm trong nước mắt. Nhìn các bạn đến trường, trong tôi dâng lên cảm giác bứt rứt vô cùng. Và năm sau tôi quyết tâm đi học lại và nhất quyết sẽ học đến nơi đến chốn.

Tôi đã chọn cách vừa học vừa làm để phụ giúp mẹ. Sáng tôi dậy sớm đi học, 2g chiều đi làm đến 11g khuya. Lúc đó dù rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng học bài, chuẩn bị cho buổi học sáng hôm sau.

Đến khi tuyển sinh vào lớp 10, tôi ước ao được học trường công lập như bạn bè. Nhưng lần nữa hoàn cảnh không cho phép nên tôi gạt nước mắt bỏ thi và đăng ký học buổi tối tại trung tâm giáo dục thường xuyên.

Hiện tại tôi vừa đi làm vừa dạy thêm vào ban ngày để có tiền phụ giúp mẹ và trang trải học phí cũng như tập tành kinh nghiệm làm giáo viên tương lai, trong khi mẹ phải đi làm phụ hồ để đủ tiền cho cuộc sống mưu sinh của mấy anh em.

Tuy công việc nặng nhọc nhưng mẹ vẫn cố gắng hết mình. Mẹ rất vui khi biết tôi tiếp tục đạt thành tích học tập tốt. Mẹ luôn động viên tôi phải cố gắng thật nhiều.

Hàn Ngọc Khải - Ảnh: Thanh Tùng
Hàn Ngọc Khải – Ảnh: Thanh Tùng

Hàn Ngọc Khải 
(lớp 10A2 Trường THPT Đức Tân, Hàm Tân, Bình Thuận):

Ước mơ kỹ sư

Tuy biết nhà mình nghèo nhưng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng ước mơ sau này được trở thành kỹ sư chế tạo máy giỏi để gia đình bớt khó khăn, tạo ra máy móc, thiết bị có ích cho người dân, vừa tiêu tốn ít năng lượng vừa bảo vệ môi trường.

Tôi đang quyết tâm cố gắng học tập để thực hiện thành công ước mơ của mình.

Đào Quốc Đạt 
(lớp 10A2 Trường THPT Tuy Phong, Tuy Phong, Bình Thuận):

Khó khăn không làm tôi chán nản

Đào Quốc Đạt - Ảnh: Thanh Tùng
Đào Quốc Đạt – Ảnh: Thanh Tùng

Ngày này qua tháng nọ, sáng đi làm đến tận chiều tối mới về đã làm cho đôi chân ông và bà mỏi mệt, nay đau mai ốm, bệnh tật ngày càng nhiều, sức khoẻ yếu hẳn đi. Dù vậy ông bà vẫn cố gắng cho tôi tới trường.

Mẹ sau khi lấy chồng khác phải lo cho mấy đứa em nên không có khoản nào phụ giúp ông bà cho tôi ăn học. Hiểu được những khó khăn của gia đình, ngoài giờ học tôi đi làm thêm phụ giúp ông bà, khi thì đi nhổ đậu thuê, cắt hành mướn hay chăn bò…

Những khó khăn đó không làm tôi chán nản mà còn giúp tôi có thêm nhiều động lực đến trường, cố gắng học tập, hoàn thành ước mơ của mình. Tôi ước ao mình trở thành chiến sĩ công an góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trần Phú Quý - Ảnh: Thanh Tùng
Trần Phú Quý – Ảnh: Thanh Tùng

Trần Phú Quý 
(lớp 10C1 Trường THPT Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh):

Tương lai ở chính mình

Nhiều người nghĩ tương lai là do số phận quyết định, nhưng theo tôi, tương lai do chính mình quyết định. Nhờ những cố gắng tích cực mà 10 năm liền tôi luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học 2013 – 2014 tôi đã đoạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh.

Ước mơ của tôi sau này là được vào trường đại học yêu thích để có công việc ổn định và phụ mẹ nuôi em ăn học.

Nguyễn Thị Lan Hương 
(lớp 10C15 Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai):

Mẹ ơi, mẹ yên tâm!

Nguyễn Thị Lan Hương - Ảnh: Thanh Tùng
Nguyễn Thị Lan Hương – Ảnh: Thanh Tùng

Ngày qua ngày, bệnh của mẹ càng nặng hơn, khối u đã phát triển đến giai đoạn cuối. Ba đã bán đi mảnh đất duy nhất của gia đình để chạy chữa cho mẹ nhưng mẹ không qua khỏi. Trước lúc mất mẹ dặn: “Nhà mình nghèo nhưng các con phải cố gắng học thật tốt”.

Mẹ ra đi, ba ngày nào cũng buồn rầu, ủ rũ. Thời gian trôi qua ba lại mắc phải căn bệnh thần kinh, mất đi khả năng lao động. Nỗi buồn mất mẹ chưa nguôi ngoai, tôi lại phải đối diện với căn bệnh của ba, ba đứa em thì còn quá nhỏ.

Trước tình cảnh đó tôi gần như tuyệt vọng. Nhưng tâm nguyện của mẹ chính là động lực, là ý chí để tôi vượt qua khó khăn.

Nhận thức được mình là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho gia đình, tôi bắt đầu vừa học vừa làm. Làm bất cứ việc gì có thể kiếm được tiền như: lựa hạt điều thuê, phụ bán quán cà phê, vào ngày cuối tuần phục vụ tiệc đám cưới, ngày rằm vào chùa bán nhang…

Số tiền kiếm được mỗi tháng khoảng 400.000 đồng phải lo chi tiêu trong nhà, việc học cho các em và thuốc cho ba. Nhiều tháng không đủ phải mượn thêm hàng xóm để trang trải. Buổi tối tôi dạy bài cho các em thật ổn rồi mới đến bài học của mình.

Trong đêm tĩnh mịch tôi hay thắt lòng khi nghĩ về mẹ, về những bữa cơm gia đình có bàn tay mẹ, về những lời hát mẹ ru các em ngủ… Tất cả chỉ còn trong giấc mơ.

Tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con đã không còn là đứa bé 12 tuổi tóc cháy nắng, nặng 30kg ngày nào nữa đâu mẹ. Con đã lớn thật rồi. Con cũng đã có hoài bão của riêng mình, đó là trở thành một nữ công an. Mẹ ơi, mẹ yên tâm”.

350 suất học bổng cho học sinh THPT vùng Đông Nam bộ

Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa Đồng Nai) sáng 22-7 - Ảnh: Thanh Tùng
Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa Đồng Nai) sáng 22-7 – Ảnh: Thanh Tùng

Sáng nay 23-7, lễ tuyên dương và trao học bổng “Chung một ước mơ” dành cho 350 học sinh hiếu thảo, vượt khó, học giỏi của bảy tỉnh, thành Đông Nam bộ diễn ra tại TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Trước đó ngày 22-7, các em học sinh đã tìm hiểu và dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa), tham dự cuộc nói chuyện chuyên đề “Tự tin vào đời” với thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, cùng chung sức với các trò chơi vận động, giao lưu trao đổi giữa các học sinh, văn nghệ và thi thể hiện tài năng…

Ngày 30-7, học bổng tiếp tục trao cho 50 học sinh ở Hà Nội.

Học bổng trị giá 3 triệu đồng/suất cùng quà tặng là balô, đồng phục, tập vở… với tổng trị giá học bổng hơn 1,2 tỉ đồng do Tập đoàn SCG tài trợ.

Ngoài ra, SCG còn dành phần thưởng trị giá 5 triệu đồng cho các học sinh từng nhận học bổng “Chung một ước mơ” thi đậu đại học thuộc bốn ngành: quản trị kinh doanh, marketing, tài chính – kế toán và kỹ sư.

A.LỘC – XUÂN AN

 

N.S.T.