12/01/2025

Vì sao học sinh các nước chững chạc hơn ?

Theo những người đã trải nghiệm vai trò phụ huynh ở nhiều nước thì việc dạy trẻ tính cách tự chủ, có suy nghĩ độc lập để từ đó hình thành tư duy phản biện… là ưu điểm nổi bật của các nền giáo dục tiên tiến.

 

Nhiều người trẻ quá thụ động – Kỳ 3: Vì sao học sinh các nước chững chạc hơn ?

 

 

Theo những người đã trải nghiệm vai trò phụ huynh ở nhiều nước thì việc dạy trẻ tính cách tự chủ, có suy nghĩ độc lập để từ đó hình thành tư duy phản biện… là ưu điểm nổi bật của các nền giáo dục tiên tiến.

 

Nhiều người trẻ quá thụ động - Kỳ 3: Vì sao học sinh các nước chững chạc hơn ? Giáo viên và học sinh Trường Woodbridge Town (nơi nhận thư kiến nghị của học sinh khối 6 về chương trình TAG) – Ảnh: Woodbridge Town News
Học sinh lớp 6 gửi đơn kiến nghị lên hiệu trưởng
Giáo sư Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) có 2 con trai, trong đó cậu út 12 tuổi năm vừa rồi học ở Trường Woodbridge Town, nơi mà giáo sư vẫn gọi là “trường làng” nhưng cách tổ chức giáo dục của trường vẫn thể hiện đầy đủ “tinh thần Mỹ”, tức là rất dân chủ.
Giáo sư Văn kể: “Trường tổ chức một chương trình ngoại khóa gọi là TAG (talent and gifted) dành cho những bạn học khá. Tuti (tên gọi ở nhà của cháu Tâm, con trai Giáo sư Vũ Hà Văn – PV) cũng được giới thiệu tham gia lớp này. Nhưng sau đó Tuti than phiền chương trình rất chán. Một hôm bố mẹ thấy Tuti ngồi cặm cụi viết. Hoá ra cậu cùng hai bạn nữa là Anaf và Anne phỏng vấn các bạn trong lớp TAG rồi tổng kết các ý kiến, sau đó viết đơn kiến nghị gửi lên thầy hiệu trưởng”.
Còn chị Lê Thị Thanh Chung (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) kể con gái của chị học đến lớp 6 trong nước rồi mới sang New York (Mỹ), vì thế cháu rất ấn tượng về sự khác biệt trong cách tổ chức dạy học của 2 nước. Trong khi “ở nhà” thầy cô nhắc bài cho học sinh (HS) để đi thi đạt diểm cao, hoặc bố trí HS khá giỏi phát biểu khi có người dự giờ… thì ở Mỹ thầy cô rất coi trọng việc tạo cơ hội cho HS được nói lên suy nghĩ thật của mình. Khi dạy HS, họ không quá coi trọng việc đánh giá đúng/sai trong câu trả lời mà quan trọng là ý tưởng ra sao, lập luận như thế nào. Chị kể: “Năm cháu học lớp 12 cũng là năm bầu cử tổng thống. Giáo viên cho HS bốc thăm tên ứng cử viên, sau đó dù thích hay không thì các em vẫn phải viết bài, làm tờ rơi để tuyên truyền, vận động cho ứng viên của mình. Tôi thấy đó là một cách rất hay, bởi nó giáo dục được HS xóa bỏ định kiến (bởi có thể mình sẽ bốc thăm phải ứng cử viên không thích) mà tìm ra những điểm tốt trong chương trình mà ứng viên đó đưa ra, để trình bày sao cho thuyết phục với cử tri”.
Một phụ huynh ở Đức cho biết con gái lớn nhà chị cũng học lớp 6. Có lần một thầy giáo dạy thay, không biết có phải do lớp nghịch quá không mà thầy buông những lời nhục mạ một số HS (việc rất hiếm khi xảy ra). Vậy là khi tan học, HS bàn nhau chép hết những lời nói không hay của thầy, cả lớp ký vào rồi nộp cô giáo chủ nhiệm.
Phải nhấn mạnh đến giá trị và quyền cá nhân
Theo nhiều phụ huynh, việc có được những thế hệ người trẻ tự chủ, tự tin là thành quả của một quá trình giáo dục mà ở đó tinh thần dân chủ được đề cao trong trường học của các nước tiên tiến.
Một phụ huynh ở New Haven (Mỹ) cho biết mỗi trường phổ thông đều có hội đồng HS. Những HS được bầu vào đây (qua vận động tranh cử) được coi là đại diện của HS trong trường để bày tỏ những vấn đề HS quan tâm. Khi giữa các HS có mâu thuẫn, hay trong lớp xảy ra sự vụ gì đó, thường thầy giáo để các thành viên của lớp tự giải quyết, đến khi không được thì thầy mới có ý kiến.
Giáo sư Vũ Hà Văn cho rằng sở dĩ HS ở VN còn rụt rè, thiếu tự chủ, thiếu tinh thần phản biện là bởi giáo dục chưa nhấn mạnh đến giá trị và quyền của từng cá nhân, vì thế trẻ cảm thấy không tự tin và không nghĩ mình có quyền được hỏi. Mặt khác, tương tác giữa thầy và trò trên lớp vẫn phần nhiều là thầy giảng, trò chép, chứ không phải cùng thảo luận tự tìm hiểu vấn đề nên HS ít có cơ hội tham gia vào bài giảng. Đã vậy, theo truyền thống Á Đông, cãi lại ý kiến người trên bị coi là ngỗ ngược, thành thử giáo dục (ở cả gia đình và trường lớp) mang nhiều tính áp đặt.
“Nếu trong từng gia đình, trẻ con được coi là thành viên bình đẳng như mọi thành viên khác, và không phải luôn luôn chịu sự áp đặt của người lớn, thì đó đã là một bước tiến đáng kể”, Giáo sư Vũ Hà Văn nói.
Còn theo tiến sĩ Giáp Văn Dương (sáng lập viên Trường học trực tuyến GiapSchool), không chỉ do môi trường giáo dục thiếu dân chủ, mà nguyên nhân khiến nhiều thế hệ người trẻ VN kém tự chủ là ở cách thức tổ chức hoạt động giáo dục. Ông Dương cho biết cách đây 2 năm, khi con gái ông cùng gia đình từ Singapore (trước đó là ở Anh) trở về học ở trong nước thì cháu rất “sốc”. “Ở Anh và ở Singapore, thầy cô giúp học trò có được kiến thức bằng cách cho khám phá, trải nghiệm. Vì thế, kiến thức mà HS tìm ra được là của chính các em. Còn ở nhà, giáo viên dạy HS theo cách bắt các em thừa nhận kiến thức, không cho phản hồi trở lại, không cho nghĩ khác, không cho chất vấn…”, ông Dương chia sẻ.
Cũng theo ông Dương, muốn tạo được không khí dân chủ trong trường học, các thầy cô phải tạo được không gian để dân chủ được “sống”. “Trong lớp cô khuyến khích các em phát biểu nhưng rồi cô lại cứ nói suốt thì làm sao các em phát biểu được? Hoặc có em được phát biểu, nhưng sai ý cô là bị chặn lại. Cả không gian vật lý và không gian nhận thức đều bị bịt kín như vậy, HS làm gì có dân chủ?”, ông Dương nói.

Quý Hiên