13/01/2025

Vun vén ước mơ cho con

Sáng nay 11-7, tại hội trường Trường cao đẳng Y tế Trà Vinh, 60 hộ nông dân của hai huyện Cầu Kè và Càng Long có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi thoát nghèo, có thêm điều kiện nuôi con ăn học.

 CHƯƠNG TRÌNH “VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN” LẦN THỨ 396 CỦA BÁO TUỔI TRẺ

Vun vén ước mơ cho con

 

Sáng nay 11-7, tại hội trường Trường cao đẳng Y tế Trà Vinh, 60 hộ nông dân của hai huyện Cầu Kè và Càng Long có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi thoát nghèo, có thêm điều kiện nuôi con ăn học.


 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Khởi bôn ba trên sông nước mong kiếm tiền lo cho con ăn học - Ảnh THÚY HẰNG
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Khởi bôn ba trên sông nước mong kiếm tiền lo cho con ăn học – Ảnh THÚY HẰNG

Từ những miền quê nghèo khó của vùng đất Trà Vinh, những phụ huynh mang trong mình bệnh tật, quanh năm lênh đênh miền sông nước vẫn đau đáu với ước mơ tìm chữ cho con.

Bệnh cũng ráng cho con ăn học

Gia đình anh Phạm Hoàng Giang thuộc hộ nghèo tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Ngoài cô con gái đang học lớp 8, vợ chồng anh mới sinh thêm một bé trai nên chi phí cho cuộc sống thêm khó khăn. Anh lại bị viêm phổi hơn nửa năm nay, phải vay mượn tiền điều trị thuốc thang.

Ngồi trong căn nhà nhỏ, chị Phạm Thị Trang, vợ anh Giang, cho biết anh chị ra riêng được cho một công đất nông nghiệp, anh đi làm thuê bằng nghề xịt thuốc cho nhà vườn, chị ở nhà lo cày bừa trồng bắp, trồng đậu trên mảnh đất nhỏ để phụ gia đình trang trải cuộc sống.

 
 

 

Cách đây một năm, thấy hoàn cảnh gia đình anh chị khó khăn, UBND xã hỗ trợ cho vay tiền mua con bò về nuôi để lấy công làm lời. Có được “chiếc phao cứu sinh”, hai vợ chồng càng quyết tâm làm ăn hơn. Thế nhưng căn bệnh của anh Giang đã khiến chị Trang phải một tay đảm đang nhiều công việc để vừa lo cho hai con nhỏ vừa có tiền chạy chữa cho chồng. Anh Giang những khi đỡ bệnh lại đi làm mướn kiếm thêm chút tiền bởi như lời anh: “Có bệnh cũng ráng cho con ăn học”.

1,14 tỉ đồng hỗ trợ

Tại lễ trao vốn do báo Tuổi Trẻ, Công ty CP GreenFeed Việt Nam, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức,  mỗi hộ gia đình nông dân sẽ nhận được vốn vay không lãi suất trong hai năm là 15 triệu đồng và tiền thức ăn trị giá 3 triệu đồng.

Ngoài ra, chương trình còn dành 60 phần thưởng cho các em học sinh, sinh viên là con của các gia đình được nhận vốn, mỗi phần thưởng 1 triệu đồng và quà tặng.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,14 tỉ đồng do Công ty CP GreenFeed Việt Nam tài trợ thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 396 của báo Tuổi Trẻ.

Năm 2015, chương trình tổ chức trao vốn cho 360 hộ tại Bình Thuận, Trà Vinh, Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nam và Quảng Nam với tổng kinh phí hơn 9,5 tỉ đồng.

Từ năm 2010-2014, chương trình đã trao vốn cho 1.200 gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chí thú làm ăn, có con em vượt khó học giỏi tại 14 tỉnh với tổng kinh phí hơn 30,5 tỉ đồng.

Em Phạm Thị Thúy My (học Trường THCS Tam Ngãi), con anh Giang, sắp vào lớp 9 nhưng giờ này vẫn chưa có được sách vở, bộ quần áo đến trường cũng phải tẩy trắng lại để dùng.

“Sách thì năm nào cũng phải đợi mượn của người chị bà con, còn quần áo thì vài năm tôi mới may cho con được một bộ. Nghe cháu nói thích làm giáo viên, tôi vui lắm vì con biết chọn cho mình hướng đi trong tương lai” – chị Trang nói.

Cũng thuộc diện hộ nghèo như gia đình anh Phạm Hoàng Giang, dù lập gia đình khoảng 10 năm nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Lênh (38 tuổi, ngụ xã Thông Hoà, huyện Cầu Kè) không có nổi “cục đất chọi chim”, phải dựng tạm căn nhà lá trên đất của người thân sinh sống.

Hằng ngày vợ chồng anh thay phiên nhau đi làm thuê làm mướn như đào đất, khuân vác với tiền công mỗi ngày hơn 100.000 đồng để nuôi con ăn học.

Cháu Nguyễn Thị Ngọc Trinh, 8 tuổi, con gái duy nhất của anh chị, chia sẻ đơn giản: “Con ráng học giỏi để sau này lo cho cha mẹ con được cái nhà che mưa che nắng”.

Mong tụi nhỏ sau này khấm khá hơn…

Nhiều năm qua, từ khi được chị ruột chỉ cho nghề đăng lưới thì chiếc ghe và những con kênh gắn bó thường xuyên với vợ chồng anh Nguyễn Văn Khởi (ngụ xã Thông Hoà, huyện Cầu Kè). Căn nhà nhỏ của gia đình anh đóng cửa gửi lại cho anh em trông coi, con lớn mới học hết lớp 3 gửi ngoại nuôi, con nhỏ nhờ nội trông coi.

Anh Khởi nói: “Chiếc ghe nhỏ quá không dám cho con theo, lâu lâu hai vợ chồng chạy về nhà thăm con. Tội nghiệp hai đứa nhỏ, có bữa hai đứa nhớ, kêu mấy thím, mấy cô chở ra nhưng ở nhà ai cũng bận rộn sao mà chở đi được!”.

Anh Khởi kể công việc từ ngày xuống ghe nhẹ hơn lúc đi gặt lúa thuê nhưng phải chịu khó thức khuya, chịu mưa nắng. Hằng ngày, cứ 3-4g sáng là hai vợ chồng xuôi ghe tìm cá rồi mang ra chợ bán. Đến chiều vợ chồng lại rảo tiếp một lượt nữa, chờ đến khuya gom thêm cá rồi lại ra chợ.

“Mấy bữa trúng cá là ra chợ tranh thủ bán, vậy mà cũng có hôm ế cả rổ phải mang về muối, ướp sả chiên ăn hay phơi khô – anh Khởi buồn nói, rồi tâm sự – Tui học ít không biết gì để chỉ cho con, lại thêm quanh năm bôn ba xa con, mỗi lúc về chơi chỉ biết khuyên con ráng học, rồi nhờ hai bên nội, ngoại thương mà giúp một tay chăm cho hai đứa nên người. Phận mình lênh đênh sông nước đành cam chịu, chứ con thì ráng làm mà nuôi cho ăn học có cái nghề. Thời buổi này mà dạy con theo ghe, bám nghề cha mẹ là coi như huỷ cả tương lai tụi nhỏ rồi”.

Cùng phận lênh đênh sông nước nuôi con là hộ ông Nguyễn Văn Hùng Chiến, 46 tuổi, ngụ xã Bình Phú, huyện Càng Long. Gia đình ông Hùng có đến sáu người con, quanh năm không thoát khỏi cảnh hộ nghèo tại địa phương. Mỗi ngày vợ chồng ông Chiến ngoài làm ruộng hai công đất cha mẹ để lại phải đi làm thuê làm mướn. Những năm gần đây ít việc làm thuê, ông phải bám vào chiếc ghe đi giăng lưới bắt cá bên dòng sông Cổ Chiên.

“Nghèo cỡ nào tui cũng cho con ăn học, mong tụi nhỏ sau này khấm khá hơn”, ông Chiến nói. Sự quyết tâm của ông thể hiện qua việc năm người con của ông đều học hành giỏi giang.

“Hai đứa lớn thuê trọ ở TP Trà Vinh để vừa học vừa làm, còn ba đứa nhỏ ở nhà với ba chiếc xe đạp cũ, chỉ cần cơm ngày hai buổi là tụi nhỏ đủ sức đạp xe 8 cây số đến trường mỗi ngày”, ông Chiến chia sẻ.

Theo ông Chiến, nếu được hỗ trợ vay vốn, ông sẽ mua một con bò giống nuôi tại nhà, tranh thủ thời gian rảnh cả nhà thay nhau cắt cỏ cho bò ăn, mong sao theo năm tháng sẽ gầy dựng thành đàn bò cho cuộc sống gia đình khá hơn.

 

Nụ cười mãn nguyện…

Gia đình ông Huỳnh Văn Hớn (xã Tập Ngãi, huyện Tiều Cần), nông dân được trao vốn trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do báo Tuổi Trẻ và Công ty CP GreenFeed Việt Nam tổ chức vào năm 2012, hiện có cuộc sống khá hơn. Ông là một trong nhiều điển hình vượt qua những khó khăn, kịp thời hoàn vốn, vươn lên thoát nghèo và hai con ăn học đến nơi đến chốn.

Căn nhà nhỏ của ông vẫn còn lụp xụp nhưng bên trong căn nhà ấy đã có nhiều sự thay đổi. Quyển sổ hộ nghèo đã được trả lại cùng thời điểm hoàn vốn chương trình năm 2014. Trong căn nhà ấy luôn thường trực nụ cười mãn nguyện của hai vợ chồng khi nói về hai con học thành danh. Cô con gái lớn đang chờ ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, con trai út thì đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Ông Hớn kể được hỗ trợ 12 triệu đồng, ông mua hai con heo nái về nuôi. Nhờ “mát tay”, heo ăn cám với dừa khô nhưng đẻ rất sai. “Từ hồi có vốn nuôi trúng liên tục. Tui nuôi heo nái từ năm 2012 cho tới ngày hoàn trả vốn nó đẻ năm lứa heo rồi. Bán heo xong là trả tiền, trả sổ nghèo luôn”, ông Hớn cười rổn rảng.