09/01/2025

Có lực lượng học giả mạnh về Biển Đông

Là một nhà nghiên cứu trẻ về các vấn đề quốc tế, tôi kỳ vọng rằng trong 20 năm tới, một thế hệ học giả trẻ, tâm huyết, tài năng sẽ giúp khẳng định chủ quyền và tiếng nói của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

 KỲ VỌNG VIỆT NAM 20 NĂM TỚI:

Có lực lượng học giả mạnh về Biển Đông

 

 Là một nhà nghiên cứu trẻ về các vấn đề quốc tế, tôi kỳ vọng rằng trong 20 năm tới, một thế hệ học giả trẻ, tâm huyết, tài năng sẽ giúp khẳng định chủ quyền và tiếng nói của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới.


 

Tàu kiểm ngư Việt Nam (phải) bị tàu Trung Quốc đâm khi đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong đợt Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam tháng 5-2014 - Ảnh: Văn Vững
Tàu kiểm ngư Việt Nam (phải) bị tàu Trung Quốc đâm khi đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong đợt Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam tháng 5-2014 – Ảnh: Văn Vững

Các học giả quan hệ quốc tế đóng vai trò quan trọng giúp Nhà nước định hình cách thức hành xử trong các vấn đề đối ngoại mang tính sống còn, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.

Tại Việt Nam, ngành này tuy không mới nhưng lại khá kén người theo đuổi do yếu tố nghề nghiệp và độ sâu kiến thức.

“Lạc nhịp” mặt trận 
học thuật

Xét về lực lượng, hiện tại Việt Nam chúng ta đang phải chịu một sức ép lớn từ làn sóng “học thuật” và “truyền thông” từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã thiết lập bên trong nước Trung Quốc nhiều trung tâm nghiên cứu học thuật chuyên ngành chỉ tập trung vào bảo vệ lợi ích của nước này tại vùng biển mà họ gọi là “Nam Trung Hoa”.

Hàng trăm học giả Trung Hoa được cử đi khắp thế giới nhằm tìm kiếm những dữ liệu, chứng cứ ủng hộ cho các lập luận lạc điệu và nhiều phần khiên cưỡng. Đó là chưa kể những học giả này, sau khi tiếp thu tinh hoa giáo dục phương Tây, đã tung ra những bài viết học thuật bằng tiếng Anh cũng với mục tiêu truyền bá các luận điểm về chủ quyền của Trung Quốc ra bên ngoài.

Do không có nhiều bài viết phản đề bằng tiếng Anh của các học giả Việt Nam, không ngạc nhiên khi các quan điểm chính thống của nước ta lại ít được bạn bè thế giới tiếp cận.

Một xu thế khác được quan sát trong thời gian gần đây là hiện tượng một số học giả phương Tây lại quay sang ủng hộ quan điểm của Trung Quốc và đồng thời trưng ra những bài viết của mình trên những diễn đàn đối ngoại quan trọng.

Thật sự, nếu Việt Nam không có một chiến lược hiệu quả từ bây giờ thì mặt trận học thuật sẽ gặp thách thức lớn trước những làn sóng vỗ bờ từ Trung Quốc trong thời gian không xa.

Cần xây dựng “sức mạnh tri thức Biển Đông”

Một chiến lược xây dựng “sức mạnh tri thức Biển Đông” phải là một chiến lược trung và dài hạn, cần sự góp tay của nhiều bên liên quan, đặc biệt là ý thức của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.

Trong hiện tại đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực trên mặt trận thông tin. Các nhóm nghiên cứu trong nước, thông qua các đầu mối mạnh, đã liên kết với nhau để cùng “đối đáp lại” luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế. Song đây mới chỉ là nỗ lực cá nhân của họ mà chưa có một sự liên kết rộng khắp và mang tính hệ thống.

Sự chậm chân của các học giả Việt Nam hiện nay so với Trung Quốc đến từ ba yếu tố: (1) Thiếu các cơ sở nghiên cứu mạnh và chuyên sâu. (2) Thiếu các cơ chế giúp học giả đưa ra tiếng nói và đẩy mạnh tiếng nói của mình ra nước ngoài. (3) Các đầu tư nghiên cứu phân bố còn bất cân xứng, chủ yếu tập trung vào các đề tài “xếp ngăn kéo”.

Những nỗ lực cá nhân hay một vài đơn vị nghiên cứu đếm trên đầu ngón tay có phải vẫn còn đang tỉ lệ nghịch với hình dung một quốc gia đang muốn hướng ra biển?

Và điều chúng ta đang cần không phải chỉ là những bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín, những bài báo chính sách sắc bén để phản bác lại các luận điệu một chiều hay bẻ cong sự thật, mà còn là các phát minh, sáng kiến hay những liên kết ngành liên quan đến biển và nghiên cứu biển.

Vậy nên, một kế hoạch trung và dài hạn để đào tạo các học giả giỏi cần sự đầu tư lớn của Nhà nước về mặt tài chính và cơ sở vật chất, nhằm xây dựng cho được những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu và có uy tín ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam theo hình thức liên ngành.

Điều này sẽ dẫn tới kết quả thứ hai, các trung tâm này sẽ là cầu nối giúp học giả cả nước có thể trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

Đi kèm với đó, Nhà nước cũng cần tạo ra những cơ chế liên kết giúp các học giả phát huy được năng lực chất xám của mình.

Ví dụ như một hệ thống lương thưởng cao hơn, tự do hơn trong việc nêu quan điểm, xây dựng các quỹ nghiên cứu kết nối nhằm hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho các học giả và quan trọng nhất là tạo nên những vườn ươm với một số nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò hạt nhân.

Những vườn ươm đó sẽ tạo thành hiệu ứng lan toả đến từng cá nhân học giả, không những giúp họ hoàn thiện mình mà còn tạo ra một “văn hoá học thuật” chuyên nghiệp và chỉn chu. Học giả về Biển Đông phải là người luôn luôn chủ động trau dồi kiến thức chuyên môn, đặc biệt là ngoại ngữ.

Cuộc đấu tranh trên mặt trận học thuật quốc tế cần nhất chính là làm chủ được tiếng Anh. Trong khi đó một số học giả Việt Nam hiện nay tại các trung tâm nghiên cứu lại không thành thạo lắm ngoại ngữ.

Rõ ràng cách thức “đấu tranh” về các vấn đề Biển Đông theo kiểu đóng cửa bảo nhau như những năm vừa qua đã không còn đất dụng võ trên bình diện quốc tế.

Với chuyên môn vững chắc, ngoại ngữ thành thạo và một bản lĩnh vững vàng, lớp học giả Biển Đông mới của Việt Nam có thể đối đầu sòng phẳng với Trung Quốc trên mặt trận học thuật và dư luận quốc tế.

Đến ngày 28-6, ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” (báoTuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đã nhận được thêm bài viết gửi qua đường bưu điện của các tác giả: Lê Thị Bất Minh (2 bài), Nguyễn Dinh Thự, Võ Văn Nhung, Đào Tăng, Trần Thị Mai Anh, Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Phú Tiến, Phạm Như Duy, Trần Minh Đường, Tăng Giám Hoàn (TP.HCM), Nguyễn Đức Thạc (bài 3, Hà Nội), Văn Rực (Thanh Hóa), Đỗ Trần Tuấn Anh (Đà Nẵng), Phan Anh Dân (Khánh Hoà), Nguyễn Hữu Thấu (Bình Thuận), Nguyễn Hoàng Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phan Hồng (Bình Phước), Trần Văn Ban, Nguyễn Thị Diệu Hiền (Đồng Nai), Lâm Phú Quý (2 bài), T.H.V. (Long An), Huỳnh Ngọc Bạch (2 bài, Vĩnh Long), Lê Thanh Hậu, Võ Văn Đồng (Cần Thơ), Mai Hữu Tâm (Đồng Tháp), Hoàng Kim Linh…

TOÀ SOẠN

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG (24 tuổi, TP.HCM)