09/01/2025

Đảm bảo sinh kế cho ngư dân Việt

Căn cứ vào những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, tôi kỳ vọng rằng trong vòng 20 năm tới, Nhà nước và xã hội sẽ đảm bảo sinh kế bền vững để ngư dân an tâm bám biển.

 KỲ VỌNG VIỆT NAM 20 NĂM TỚI

Đảm bảo sinh kế cho ngư dân Việt

 

Căn cứ vào những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, tôi kỳ vọng rằng trong vòng 20 năm tới, Nhà nước và xã hội sẽ đảm bảo sinh kế bền vững để ngư dân an tâm bám biển.


 

Ngư dân cần được hỗ trợ đầu tư tàu hiện đại để vững chãi ra khơi. Trong ảnh: một tàu của ngư dân bị sóng đánh hỏng máy đang được tàu cảnh sát biển 2009 (Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) kéo về Vân Phong, Khánh Hòa - Ảnh do CSB cung cấp
Ngư dân cần được hỗ trợ đầu tư tàu hiện đại để vững chãi ra khơi. Trong ảnh: một tàu của ngư dân bị sóng đánh hỏng máy đang được tàu cảnh sát biển 2009 (Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) kéo về Vân Phong, Khánh Hoà – Ảnh do CSB cung cấp

Điều này không chỉ là vấn đề xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững cương thổ quốc gia, đưa đất nước ta tiến lên giàu mạnh.

Đầu tư chưa tương xứng

Những ngày này, khi thế giới đang vang lên bức thông điệp chung về ước nguyện hòa bình, độc lập thì lòng nhiều người dân Việt Nam lại không khỏi xót xa trước tình cảnh liên tiếp các vụ việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tấn công khi đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước ta, gây tổn hại về vật chất lên tới hàng tỉ đồng.

Tâm lý vươn khơi bám biển để đảm bảo sinh kế của các ngư dân, cũng như chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam đang bị đe dọa ngày một nghiêm trọng.

Đất nước ta đang bước vào quá trình hội nhập quốc tế trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí của nó đối với chiến lược phát triển đất nước là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” của Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy là sinh kế của ngư dân Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư tương xứng với tiềm năng, nguồn lợi mà ngành kinh tế biển đóng góp vào nền kinh tế quốc dân.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến năm 2013 cả nước có 117.998 tàu cá tham gia khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên hệ thống tàu thuyền của ngư dân còn rất thô sơ: có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85 – 90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ, số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%).

Bên cạnh đó, gần 1 triệu lao động đánh cá chủ yếu lại là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề; số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ mới 30%. Mức độ liên kết của ngư dân chưa thật sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển.

Ngoài ra, hạ tầng phục vụ khai thác còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, xuống cấp dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất; nhiều cảng neo đậu tàu thuyền vẫn bị chỗ sâu chỗ cạn, nhiều vũng neo đậu tàu thuyền còn đang thi công dở dang, luồng lạch chưa được nạo vét… nên ngư dân vẫn chưa an tâm ra khơi mỗi khi có mưa to, bão lớn.

Cần giải pháp tổng hợp

Để đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân, giải pháp chung, toàn diện và lâu dài là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tham mưu cho Nhà nước hoạch định, ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan đến vấn đề này và có lộ trình thực hiện một cách hợp lý, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn cụ thể.

Đi vào giải pháp cụ thể, trước tiên cần phải đầu tư, huy động kinh phí xây dựng, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng biển, trong đó tập trung nâng cấp, hiện đại hoá các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú thiên tai, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá, khu dân cư ven biển và trên các hải đảo.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch phát triển các loại tàu, thuyền đánh bắt cá xa bờ với công nghệ hiện đại. Trong đó, cần hướng tới mục tiêu 100% các tàu, thuyền tham gia tìm kiếm, khai thác trên biển đều được gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS hiện đại để khi có rủi ro hoặc các trường hợp khẩn cấp như bị tàu nước ngoài tấn công, bắt giữ sẽ có các tổ, đội cứu hộ ứng cứu lưu động đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Nhà nước cần ban hành chính sách tín dụng đặc thù để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân, đảm bảo ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và có điều kiện trả vốn vay hợp lý. Cần thiết lập mô hình “quỹ tín dụng ngư dân” trong hệ thống các ngân hàng nhằm giúp ngư dân có thêm sự an tâm trong việc vay vốn và trả vốn vay.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho ngư dân, xây dựng cơ chế hướng dẫn ngư dân hoạt động theo mô hình “quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng” để thúc đẩy hình thức tổ chức khai thác theo tổ, đội sản xuất, hợp tác xã đánh bắt xa bờ…

Nhà nước cũng cần xây dựng mô hình “ổn định an sinh xã hội cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ” bằng cách kết hợp các biện pháp hỗ trợ về y tế, nhà ở, điện nước phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ và các chính sách bảo trợ xã hội cần thiết đối với ngư dân. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tạo thế và lực vững chắc cho ngư dân trong hoạt động vươn khơi, bám biển trước nhiều khó khăn, thử thách.

Giải pháp quan trọng khác là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư và khai thác, chế biến và nuôi trồng thuỷ sản với ngư dân. Nhà nước cũng cần xây dựng lực lượng cảnh sát biển đủ mạnh để hỗ trợ và bảo vệ có hiệu quả cho ngư dân trong lúc ra khơi.

Đối với mỗi ngư dân, những người đóng vai trò to lớn quyết định việc ổn định và phát triển kinh tế của mình phải tự nhận thức sâu sắc được mục đích và ý nghĩa to lớn trong công việc. Từ đó có những hành động thiết thực nhằm nâng cao tay nghề, sử dụng có hiệu quả những nguồn lực sinh kế mà Nhà nước và xã hội hỗ trợ.

 

HOÀNG VĂN TIẾN PHƯƠNG (25 tuổi, Bình Dương)