10/01/2025

Sẽ nghiên cứu biểu giá điện cho phù hợp

Vụ “Tiền điện tăng vọt vì bậc thang luỹ tiến”, nhiều bạn đọc cho rằng biểu giá điện bậc thang không hợp lý khiến người dân phải trả tiền điện tăng vọt.

 

Sẽ nghiên cứu biểu giá điện cho phù hợp

Vụ “Tiền điện tăng vọt vì bậc thang luỹ tiến”, nhiều bạn đọc cho rằng biểu giá điện bậc thang không hợp lý khiến người dân phải trả tiền điện tăng vọt. 


Chị Nguyễn Thị Châu Trân xem lại hóa đơn tiền điện và thư xin lỗi của Công ty Điện lực Bình Phú - Ảnh: Quang Khải
Chị Nguyễn Thị Châu Trân xem lại hóa đơn tiền điện và thư xin lỗi của Công ty Điện lực Bình Phú – Ảnh: Quang Khải

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 24-6 đăng bài “Tiền điện tăng vọt vì bậc thang luỹ tiến”, nhiều bạn đọc cho rằng biểu giá điện bậc thang không hợp lý khiến người dân phải trả tiền điện tăng vọt. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương – khẳng định biểu giá điện đã “hợp lý”, nhưng Bộ Công thương sẽ nghiên cứu biểu giá cho phù hợp từng thời kỳ. Ông Phúc nói: 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực đã quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 1-6-2014, nguyên tắc được đưa ra là giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành; biểu giá bán lẻ điện phải được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi, áp dụng.

Ông Đinh Thế Phúc - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Đinh Thế Phúc – Ảnh: Nguyễn Khánh

Chưa thể khuyến khích càng dùng nhiều, 
giá điện càng rẻ

* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng các bậc thang sau giá cao quá, khiến chi phí của người dân tăng. Mục đích của việc đưa ra giá điện theo bậc thang có phải để tăng thu không, thưa ông?

– Giá bán lẻ điện cho sinh hoạt đã được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần. Mục đích là nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

Theo đó, hộ sử dụng điện nhiều, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng hoặc không tiết kiệm điện sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn. Điện được làm ra từ các tài nguyên như than, nước, khí, dầu… mà các nguồn tài nguyên này là có hạn. Vì vậy, việc khuyến khích tiết kiệm điện là khuyến khích tiết kiệm tài nguyên.

Thực tế trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc như đã thấy là đơn giản nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Chúng tôi cho rằng việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đánh giá việc thực hiện và nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng.

* Các chuyên gia cho rằng cách tính biểu bậc thang giúp EVN đạt lợi nhuận cao. Ông nghĩ sao?

– Theo quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng được căn cứ từ mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán điện cho sinh hoạt dù theo bậc thang, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng theo cơ cấu biểu giá mà Thủ tướng đã duyệt.

Dù tính thế nào, tổng hòa giá điện mà EVN thu của các hộ tiêu dùng điện cũng chỉ được tương đương mức giá bán điện bình quân. Như vậy, ý kiến cho rằng cách tính giá điện theo bậc thang sẽ giúp EVN có lợi nhuận cao hơn là chưa có cơ sở.

* Có ý kiến cho rằng do thiếu điện nên cần phải hạn chế dùng điện, nay điện có dự phòng rồi, nên giảm cách biệt giữa các bậc thang, từ 200 kWh/tháng trở lên nên có giá bằng nhau… Đề xuất này có nên được cân nhắc khi người dùng trên 200 kWh/tháng đã đóng nhiều khoản thuế, phí rồi?

– Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp thu ý kiến trong việc nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt. Mục tiêu là làm sao cách tính phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ tiêu dùng.

* Nhiều quốc gia hiện đang tính tiền điện theo hướng dùng càng nhiều điện thì giá càng giảm. Liệu VN có thể tiến tới áp dụng cách tính đó không?

– Qua tham khảo cơ cấu giá điện của một số nước trong khu vực cho thấy hầu hết các nước áp dụng giá điện cho sinh hoạt theo bậc thang tăng dần, cụ thể:

* Nhật Bản: giá điện chia thành ba bậc: dưới 120 kWh giá 19,43 yen/kWh, từ 121 – 300 kWh giá 25,91 yen/kWh, từ 301 kWh trở lên giá 29,93 yen/kWh.

* Thái Lan: các hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng áp dụng giá điện theo bảy bậc với mức giá tăng dần; các hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng áp dụng giá điện theo ba bậc với mức giá tăng dần.

* Malaysia: giá điện cho sinh hoạt gồm 10 bậc với mức giá tăng dần;Philippines cũng chia giá điện sinh hoạt ra tám bậc thang với mức giá tăng dần…

Việc áp dụng giá điện theo bậc với mức giá tăng dần nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Có thể có một số quốc gia áp dụng cách tính giá khác. Tuy nhiên theo chúng tôi, ở VN việc áp dụng giá điện theo bậc với mức giá tăng dần là hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Hoá đơn tăng vọt 
do dùng nhiều 
và giá điện tăng

* Gần đây nhiều người phản ảnh hóa đơn tiền điện tăng trong khi họ sử dụng điện không tăng nhiều. Có ý kiến băn khoăn khả năng cứ giữa năm là EVN tăng thu, rồi các tháng sau giảm. Cục có kiểm tra, giải thích gì không?

– Qua theo dõi của chúng tôi, trong thời gian qua nước ta rơi vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn bất thường nên tốc độ tăng sử dụng điện ở mức cao.

Tính trên bình diện chung, nhu cầu điện tháng 4-2015 tăng 10,8%, tháng 5-2015 tăng 13,6% (so với cùng kỳ năm trước). Nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân trong các tháng nắng nóng sẽ cao hơn so với các tháng đầu năm.

Với các trường hợp được nêu trên một số phương tiện thông tin đại chúng có hoá đơn tiền điện tăng bất thường, Bộ Công thương đã yêu cầu các tổng công ty điện lực kiểm tra và có báo cáo cụ thể.

Qua kiểm tra thì thấy nguyên nhân chủ yếu vẫn do thời tiết nắng nóng, khách hàng gia tăng tiêu thụ điện và hoá đơn tiền điện của các tháng 4 và 5 còn bị ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện làm tăng tiền điện so với các tháng trước.

Các vụ khiếu nại đều được các công ty điện lực đến tận nhà kiểm tra, xác minh cho đến khi khách hàng đồng tình, hoặc đưa đồng hồ điện đi kiểm định nếu khách hàng yêu cầu.

* Bộ Công thương sẽ làm gì để hạn chế tình trạng ghi sai, ghi nhầm chỉ số điện như đã thấy ở Hà Nội và chấm dứt tình trạng nhân viên ngành điện ghi kiểu “phỏng đoán”?

– Ngay từ đầu tháng 4, để chuẩn bị việc cấp điện mùa hè năm 2015, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN có văn bản yêu cầu các tổng công ty điện lực thực hiện công khai lịch ghi chỉ số điện để người dân biết và kiểm tra.

Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác kiểm tra ghi chỉ số điện bằng máy tính (các máy đều có chức năng cảnh báo khi sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao bất thường). Các công ty điện lực cũng được yêu cầu phải kiểm tra, phúc tra việc ghi chỉ số điện tất cả khách hàng có lượng tiêu thụ tăng trên 200%.

Ngành điện cũng đã yêu cầu tăng cường công tác phúc tra ghi chỉ số điện và sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm.

Bảng giá điện sinh hoạt từ ngày 16-3-2015
Bảng giá điện sinh hoạt từ ngày 16-3-2015

Giá điện đẩy CPI 6 tháng tăng 0,22%

Ngày 24-6, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố tình hình giá cả sáu tháng đầu năm. Theo đó, tính chung sáu tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới tăng 0,55% so với tháng 12-2014. Trả lời câu hỏi về tác động của giá điện lên CPI, bà Đỗ Thị Ngọc – vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê – khẳng định bên cạnh việc giá điện tăng 7,5% trong tháng 3, do tiêu dùng tăng, nên thực tế tính trong sáu tháng chỉ số giá điện đã tăng hơn 8,42%, tác động 0,22% lên CPI chung.

Ghi dồn chỉ số điện, trả lại tiền cho khách hàng

Ngày 24-6, Công ty Điện lực Bình Phú đã đến nhà chị Nguyễn Thị Châu Trân (đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, TP.HCM) để xin lỗi chị Trân vì có sai sót trong quá trình ghi chỉ số điện khiến tiền điện nhà chị Trân tăng vọt vào tháng 6 (Tuổi Trẻ ngày 24-6 đã phản ánh).

Theo Công ty Điện lực Bình Phú, kết quả kiểm tra đồng hồ điện tại nhà chị Trân là bình thường, nhưng quá trình kiểm tra lại chỉ số ghi điện thấy có sai sót.

Cụ thể, trong những tháng trước, trung bình nhà chị Trân sử dụng 270 – 280kWh, kết quả sử dụng trong 10 ngày của tháng 6 nếu tính bình quân cũng ở mức trên. Tuy nhiên, trước đó nhân viên ghi chỉ số điện tháng 4 tại nhà chị Trân chỉ có 200kWh và tháng 5 là 380kWh, dù gần một tuần gia đình chị Trân vắng nhà, không sử dụng điện.

Công ty Điện lực Bình Phú cho rằng nhân viên ghi điện thiếu sót dẫn đến lượng điện trong tháng 4 không ghi đầy đủ và dồn qua tháng 5 nên số tiền điện chị Trân phải trả trong kỳ tháng 6 tăng cao.

Công ty Điện lực Bình Phú đã thống nhất với chị Trân số lượng điện trong tháng 5 nhà chị Trân sử dụng là 270kWh, chứ không phải là 380kWh. Trên cơ sở đó, Công ty Điện lực Bình Phú tính ra số tiền chị Trân phải trả do ghi sai chỉ số điện là hơn 130.000 đồng, nhưng công ty trả lại cho chị 200.000 đồng. Chị Trân cho biết chị đồng tình với cách giải quyết trên.

Công ty Điện lực Bình Phú cho biết sai sót trên là đáng tiếc và đã yêu cầu tất cả nhân viên ghi điện không để xảy ra sai sót tương tự. Công ty đang báo cáo vụ này cho Tổng công ty Điện lực TP xem xét để xử lý cá nhân có liên quan.

QUANG KHẢI

CẦM VĂN KÌNH thực hiện