28/11/2024

Hạ Long thành viên ngọc châu Á

Tôi đến Hạ Long và phải lòng thành phố này lần đầu vào năm 2006. Trong suốt chín năm qua, mỗi năm tôi đều dành thời gian đến đây và nhận thấy thành phố này có rất nhiều tiềm năng để cất cánh trong tương lai.

 

Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Hạ Long thành viên ngọc châu Á

 

Tôi đến Hạ Long và phải lòng thành phố này lần đầu vào năm 2006. Trong suốt chín năm qua, mỗi năm tôi đều dành thời gian đến đây và nhận thấy thành phố này có rất nhiều tiềm năng để cất cánh trong tương lai.


 

Cảnh đẹp của Hạ Long luôn thu hút nhiều du khách. Trong ảnh: khách tham quan hòn Trống Mái ở Vịnh Hạ Long - Ảnh T.T.D.
Cảnh đẹp của Hạ Long luôn thu hút nhiều du khách. Trong ảnh: khách tham quan hòn Trống Mái ở Vịnh Hạ Long – Ảnh T.T.D.

Tôi kỳ vọng 20 năm nữa, Hạ Long sẽ trở thành một thành phố xanh, năng động, là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, trở thành một trong mười thành phố đáng sống nhất thế giới.

Tôi cũng đề xuất slogan của thành phố: “Ha Long – An emerald of Asia” (Hạ Long – viên ngọc bích của châu Á).

Điểm du lịch cao cấp

Vịnh Hạ Long hiện tại đã là một di sản độc đáo, là điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong mong muốn của tôi, Hạ Long năm 2035 sẽ phát triển vượt bậc so với hiện nay, trở thành điểm du lịch cao cấp thu hút được cả những du khách đến bằng chuyên cơ, du thuyền riêng…

Thành phố Hạ Long lúc ấy không còn khói bụi ô nhiễm. Du khách đặt chân đến Hạ Long đều phải trầm trồ trước màu xanh. Màu xanh của những hàng cây, thảm cỏ, màu xanh nước biển, của bầu trời. Diện tích dành cho cây xanh chiếm đến 50%. Đặc biệt diện tích nằm ở trên mặt biển và dưới lòng đất chiếm từ 1/4 – 1/5 tổng diện tích của thành phố.

Sẽ có những nét khác biệt, độc đáo với du lịch Hạ Long, trong đó hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp nằm dưới mặt nước sẽ là một điểm nhấn quan trọng. Bên cạnh những nhà nổi, những du thuyền hiện có, khách du lịch sẽ có cơ hội được thư giãn, giải trí trong những ngôi nhà có hai tầng nằm sâu dưới nước và một tầng nổi phía trên.

Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những hải sản tươi ngon nhất, được trực tiếp câu cá, thỏa thích bơi lặn hoặc chơi các trò chơi mạo hiểm.

Sẽ có những tour khám phá hàng trăm hòn đảo nguyên sơ trong vịnh Hạ Long. Du khách sẽ được chèo thuyền kayak trong lòng hồ trên đảo, đồng thời được leo núi khám phá thiên nhiên. Chiều đến, du khách được ngắm hoàng hôn trên những bãi cát trải dài…

Đặc biệt, sẽ có hàng trăm hòn đảo nhân tạo, nằm từ vịnh Hạ Long nối với các đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu tạo thành một hệ thống. Tại đây ngoài những dịch vụ ăn ở, vui chơi giải trí còn có những bảo tàng biển, những mô hình thương cảng Vân Đồn.

Du khách đến Hạ Long sẽ được hưởng những dịch vụ tối ưu nhất, cảm thấy hài lòng nhất đối với sự tiếp đón chu đáo, tận tâm nhất của đội ngũ hướng dẫn viên lành nghề. Dĩ nhiên chuyện “chặt chém” khách chỉ còn là chuyện dĩ vãng.

Định hướng cho một thành phố xanh

Từ năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 142 về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long cho đến năm 2020.

Tuy nhiên để Hạ Long có thể cất cánh vào năm 2035 thì Nhà nước phải cần thêm một bản quy hoạch mới, có định hướng cụ thể cho Hạ Long – một thành phố xanh. Những chuyên gia hàng đầu về phát triển đô thị của Việt Nam và thế giới sẽ được mời đến để tham gia góp ý kiến xây dựng.

Điểm mấu chốt trong bản quy hoạch này là cần tạo sự chuyển dịch từ ngành công nghiệp khai khoáng, điện… sang du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Ngân sách của tỉnh và trung ương rót về sẽ được ưu tiên toàn bộ cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Yêu cầu về “xanh hóa” đô thị sẽ được tuyên truyền tới từng hộ dân.

Nhà nước ban hành những chính sách đặc biệt để thu hút vốn đầu tư, xây dựng những công trình mang tầm thế kỷ ở đây. Các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới cũng sẽ được mời gọi đến để cùng hợp tác phát triển Hạ Long. Đó sẽ là tuyến đường, những khu nhà nổi “xuyên đại dương” nối từ khu vực Hòn Gai, Bãi Cháy ra các đảo Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn…

Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng để không gây ô nhiễm môi trường, đúng quy hoạch. Đặc biệt luôn luôn phải bảo đảm yêu cầu giữ gìn cảnh quan của vịnh, xây dựng du lịch sinh thái bền vững.

Có thể thành lập các “tổ hợp du lịch”, trong đó khu vực vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên của thế giới – sẽ được “khoanh” lại, thu phí cao đối với khách muốn tham quan di sản này. Đồng thời lập những famtrip (đoàn khảo sát lữ hành và báo chí nước ngoài chuyên viết về du lịch) để khảo sát, tư vấn nhằm tạo dựng những tour du lịch độc đáo nhất thế giới, chỉ ở Hạ Long mới có, tạo điểm nhấn cho quần thể du lịch.

Ví dụ như những tour du lịch “siêu VIP” chỉ dành cho 1-2 người hoặc một hộ gia đình tại một hòn đảo cực kỳ hoang sơ. Tại đây, họ được thụ hưởng dịch vụ của khách sạn cao cấp, cùng với những trải nghiệm chưa từng có trong đời (lặn biển ngắm san hô, ngắm vịnh Hạ Long từ trên cao; leo núi khám phá đảo, câu cá bắt ốc trong lòng hồ; uống cà phê trong hang đá…).

Các khu vực “đệm” nằm ngoài rìa vịnh, khu vực cảng biển, khu vực dân cư ven bờ sẽ được quy hoạch thành khu nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ hải sản “sạch” nhằm cung cấp thực phẩm sạch, tươi ngon, đặc sắc. Du khách thưởng thức một lần là phải nhớ mãi.

Bên cạnh đó, nhân tố con người cũng cần phải được coi trọng. Con em trong tỉnh muốn được tham gia ngành công nghiệp không khói này sẽ được tạo điều kiện sang Thái Lan, Singapore, Thụy Sĩ… để học cách làm du lịch, cách quản lý điều hành khách sạn.

Tiếp đó, cần đẩy mạnh việc tin học hoá hoạt động du lịch – dịch vụ. Các khách sạn, công ty lữ hành phải có website với những thông tin thật cụ thể, hữu ích, có nhân viên trực 24/24 giờ để tiếp nhận “book” phòng, “book” tour từ khắp nơi trên thế giới, tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc của khách hàng…

Hằng năm ngành du lịch sẽ tổ chức lễ hội Carnaval để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến đảo. Thành phố cũng tạo điều kiện thành lập các tour du lịch độc đáo khác như tham quan làng chài, du khách tham dự vào nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc sắc, tươi ngon…

Ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đã nhận được thêm bài viết của các tác giả: Nguyễn Hoàng Thảo (bài 3), Võ Thị Cẩm Giang, Nguyễn Thị Thảo Vân, Đặng Thị Thanh Thảo, Lê Nguyễn Nhật Vi, Lưu Vĩnh Trinh, Nguyễn Lan Anh, Lý Kiệt Văn (TP.HCM), Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Đạt, Ma Ngọc Ngà, Nguyễn Văn Đạt (Hà Nội), Lê Thị Minh Hiếu, Võ Thị Huyền (2 bài), Phạm Xuân Phụng (Thừa Thiên – Huế), Trần Hữu Nguyệt Cầm, Huỳnh Lê Đức Hợp, Nguyễn Tấn Vinh (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Quý Trân (Quảng Nam), Phan Hà (Bình Định), Nguyễn Thị Mai Phương, Trần Văn Đan (Đồng Nai), Nguyễn Thanh Dũng (bài 3, Long An), Nguyễn Viết Thịnh (Tiền Giang), Lê Ngọc Quang (Bến Tre), Phạm Đức Thuận, Dương Ngoạn (Cần Thơ), Lê Tấn Thời (bài 2, An Giang), Hồ Hoàng Minh (Hậu Giang), Bình Minh, La Thị Diễm My.

TOÀ SOẠN

 

HOÀNG THỊ THU NGÀ (31 tuổi, Hà Nội)