08/01/2025

Tiền điện tăng vọt vì bậc thang luỹ tiến?

Ngày 23-6, nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ảnh tiền điện sinh hoạt các tháng gần đây liên tục tăng, có trường hợp tăng gấp đôi, gấp ba lần so với các tháng trước đó.

 

Tiền điện tăng vọt vì bậc thang luỹ tiến?

 

Ngày 23-6, nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻphản ảnh tiền điện sinh hoạt các tháng gần đây liên tục tăng, có trường hợp tăng gấp đôi, gấp ba lần so với các tháng trước đó.

 

 

Nhân viên Công ty điện lực Gia Định kiểm tra đồng hồ điện nhà anh Đinh Anh Tuấn, 137/7 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh sau khi nhận phản ánh tiền điện tăng - Ảnh Quang Khải chụp ngày 23-6
Nhân viên Công ty điện lực Gia Định kiểm tra đồng hồ điện nhà anh Đinh Anh Tuấn, 137/7 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh sau khi nhận phản ánh tiền điện tăng – Ảnh Quang Khải chụp ngày 23-6
Nhân viên Công ty điện lực Gia Định kiểm tra đồng hồ điện nhà anh Đinh Anh Tuấn (đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Quang Khải
Nhân viên Công ty điện lực Gia Định kiểm tra đồng hồ điện nhà anh Đinh Anh Tuấn (đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: Quang Khải

Cầm giấy thông báo tiền điện tháng 6-2015, anh Đinh Anh Tuấn (ngụ đường Phan Văn Trị, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ khi tiền điện nhà anh phải trả gần gấp đôi so với tháng trước. Cụ thể, tiền điện tháng 5 của nhà anh Tuấn là 527.000 đồng (làm tròn), nhưng tháng 6 tăng lên đến 1.046.000 đồng. “Nhà tôi có máy lạnh, tủ lạnh, tivi nhưng hai vợ chồng đi làm suốt ngày đến tối mới về. Thời gian sử dụng điện không thay đổi nhiều, không hiểu sao tiền điện tăng vọt như vậy?” – anh Tuấn thắc mắc.

Còn chị Trịnh Thị Trân (ngụ đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết trước thời điểm tăng giá điện (giữa tháng 3-2015), tiền điện nhà chị phải trả cao nhất là 200.000 đồng/tháng, các tháng sau đó có tăng nhưng chưa khi nào quá 400.000 đồng/tháng. Thế nhưng tiền điện tháng 6 tăng hơn gấp đôi, lên đến 829.000 đồng. “Dù cuối tháng 5, đầu tháng 6 gia đình tôi đi du lịch liên tục gần cả tuần nên không sử dụng điện” – chị Trân cho biết.

Tương tự, tiền điện nhà chị Phan Thị Như Phượng (ở đường số 7, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) từ tháng 3 đến tháng 6 cũng tăng liên tục. “Tháng 3-2015, tiền điện nhà tôi phải trả là 297.563 đồng, qua tháng 4 tăng lên 633.795 đồng và đến tháng 6 tiếp tục tăng đến 1.259.977 đồng khiến cả nhà choáng váng” – chị Phượng nói.

Ngày 23-6, các công ty điện lực liên quan đã mang thiết bị đến kiểm tra đồng hồ điện tại ba nhà của bạn đọc nói trên và kết quả: đồng hồ điện chạy bình thường. Chị Phan Thị Như Phượng đặt nghi vấn: “Tôi nghi ngờ có thể trong quá trình ghi điện, nhân viên điện lực đã ghi không chuẩn dẫn đến tình trạng điện không ghi của tháng trước dồn qua tháng sau nên tiền điện mới tăng như vậy”.

Trong khi đó, giải thích việc tiền điện tăng cao, ông Nguyễn Thanh Phong – phó giám đốc Công ty Điện lực Thủ Đức – cho rằng giá điện tăng từ ngày 16-3, hơn nữa liên tục trong tháng 4 đến tháng 6 thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng giá điện bình quân tăng 7,5% nhưng thực tế tiền điện khách hàng chi trả hằng tháng lại tăng cao gấp nhiều lần. 

Ông Phong cho rằng mức tăng 7,5% là tăng bình quân, còn thực tế khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thanh toán tiền điện theo bậc thang luỹ tiến nên khi sử dụng điện nhiều gấp đôi so với trước đây, tiền điện khách hàng phải trả có thể gấp 2,5 – 3 lần so với trước. “Khi thời tiết nắng nóng, việc sử dụng máy điều hoà sẽ tốn điện hơn thời tiết mát mẻ, bởi khi đó cơ chế giải nhiệt máy điều hoà hoạt động lâu hơn nên tốn điện hơn” – ông Phong giải thích.

Ông Trần Xuân Lâm, giám đốc Công ty Điện lực Gia Định, cũng nhận định như trên và cho rằng trường hợp khách hàng không đồng ý với kết quả kiểm tra của ngành điện có thể yêu cầu đưa đồng hồ điện đi kiểm định ở một đơn vị độc lập và căn cứ theo đó làm kết quả xử lý sau cùng.

Về ý kiến nhân viên ghi điện cộng dồn điện tháng này qua tháng khác, đại diện các công ty điện lực cho rằng: khi nhân viên đến đọc chỉ số mà không có khách hàng ở nhà sẽ để lại phiếu báo kèm theo số điện thoại để khách hàng đọc lại chỉ số. Trường hợp khách hàng không có mặt ở nhà, nhân viên không đọc được chỉ số đồng hồ thì có thể ghi chỉ số bằng tháng trước đó. Tuy nhiên, một địa chỉ không được đọc chỉ số quá hai lần như vậy…

 

 

QUANG KHẢI