11/01/2025

Nghĩa tình giữa Hoàng Sa

Cùng nhau ra khơi, lúc hoạn nạn lại không quản ngại hiểm nguy giúp nhau vượt qua khó khăn.

 

Nghĩa tình giữa Hoàng Sa

 

Cùng nhau ra khơi, lúc hoạn nạn lại không quản ngại hiểm nguy giúp nhau vượt qua khó khăn. 

 

Từ trái qua: ngư dân Lựu, Kiên, Quang thân tình chào nhau nơi bến cảng - Ảnh: Trần Mai
Từ trái qua: ngư dân Lựu, Kiên, Quang thân tình chào nhau nơi bến cảng – Ảnh: Trần Mai

Những ngư dân can trường ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) ngày đêm bám quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản, góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

7g sáng 21-6, tàu QNg 90289 của ngư dân Võ Lành và tàu QNg 95193 của ngư dân Phạm Trung Kiên ì ạch kéo chiếc tàu cá QNg 90479 của ngư dân Võ Văn Lựu về đồn kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ. Trong cơn mưa xối xả báo hiệu trận bão đầu tiên của năm tràn vào Biển Đông.

Nhìn từ xa, ba chiếc tàu chênh vênh trên nền biển đang dậy sóng, những nguồn khói đen ngòm phủ trong mưa. Hai chiếc tàu QNg 90289 và QNg 95193 từ từ tiến vào cảng, ở giữa là tàu QNg 90479.

Dắt tàu vượt áp thấp nhiệt đới

Tàu gần cập bến, gần 40 ngư dân hò hét chuẩn bị cập cảng. Thuyền trưởng Võ Lành nói như hét: “Kéo tàu anh Lựu vào trước, tôi đẩy phía sau”.

Động tác của những người cả đời quần thảo biển khơi đều chuẩn xác. Chiếc tàu vào đúng vị trí, lúc này các thuyền viên mới reo hò: “Thành công rồi”. Thở hổn hển, ngư dân trẻ Nguyễn Thanh Hiền vừa buộc dây neo vừa cho biết: “Dắt tàu này trúng mùa áp thấp nên mỗi giờ chỉ đi được hai đến ba hải lý thôi. Hai ngày hai đêm mới tới được bờ đó”.

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi nghe được câu chuyện những ngư dân giúp nhau giữa trùng khơi, nhưng trong lúc tàu Trung Quốc liên tục quần thảo quấy nhiễu, tấn công ngư dân mà họ vẫn cùng nhau sát cánh, hoạn nạn có nhau khiến những người vợ, người mẹ và chúng tôi nơi bến cảng hết sức xúc động.

Những ngư dân mệt mỏi sau chuyến biển mà tàu QNg 90479 không có lấy một con cá, tàu QNg 95193 ngã rạp phía sau cabin vì “dính” phải vòi rồng của tàu Trung Quốc, hải sản chỉ được 3 tạ sau hơn nửa tháng ra khơi.

Chỉ có tàu QNg 90289 được 5 tấn hải sản. Ngư dân Kiên cho biết tàu ông và ông Lành đáng ra vẫn còn ở Hoàng Sa đánh bắt, nhưng khi nghe tàu ngư dân Lựu chết máy bị sóng lớn đánh dạt vào rạn san hô ở đảo Bom Bay sáng 
17-6, hai tàu quyết định bỏ biển cứu bạn.

“Khi nghe tàu anh Lựu đàm tôi lập tức cho tàu chạy đến, đồng thời liên hệ với tàu anh Lành ngược sóng đến gấp để giúp tàu anh Lựu. Nói thật khi nghe anh Lựu đàm bảo tàu mắc cạn, mấy anh em trên tàu chỉ nghĩ đến cứu người chứ tàu thì rất khó bởi sóng lớn và gió giật mạnh. Đó là chưa kể tàu Trung Quốc cạnh đó ra truy đuổi cướp tài sản” – ông Lành nói.

Lúc tàu ngư dân Lành và Kiên đến đó và chuẩn bị phương án kéo tàu, mặc dù ngư dân Lựu đã đề nghị chỉ cứu người, bỏ tàu là những giây phút thót tim cho tất cả các ngư dân bởi khoảng cách giữa họ và vùng đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép rất gần.

“Tôi thấy hai tàu đến rất lo lắng, đàm lại bảo chờ tối hãy vào bởi khu vực trên rất nhiều tàu Trung Quốc quần thảo và chỉ cần họ phát hiện là coi như xong, tàu tôi đã bị cướp trước đó rồi nên chẳng còn gì để Trung Quốc lấy nữa. Còn hai tàu kia chỉ cần bị phát hiện thì sẽ bị cướp nhưng họ vẫn quyết định đến. May mà gió lớn nên tàu Trung Quốc không ra” – ngư dân Lựu tâm sự.

Ngư dân hai tàu đã nhảy xuống nước nối thành một đội dài chuyển đồ, đồng thời nối dây thừng kéo tàu. Khi ngư dân trên tàu QNg 90479 đã chuyển hết qua tàu QNg 95193 thì tàu ngư dân Lành cũng kịp đến nơi. Kế hoạch kéo tàu ra khỏi rạn san hô được tính toán nhanh chóng.

Hơn một giờ người đẩy, tàu kéo, chiếc tàu QNg 90479 đã rời khỏi rạn san hô trong niềm vui của gần 40 con người giữa trùng khơi. “Kéo tàu ra đã khó, đưa về đến đất liền càng khó hơn khi gần như bao tàu phải đi ngang sóng. Nhiều khi tăng hết tốc lực cũng không nhích nổi tàu.

Đồng thời anh em phải thay nhau nghe đài báo gió. Phòng trường hợp nếu áp thấp lớn thành bão và thay đổi hướng đi mà mình không biết thì tất cả anh em sẽ nguy” – ngư dân Kiên kể.

“Ở Hoàng Sa chúng tôi sống vì nhau”

Ngư dân Nguyễn Văn Quang (53 tuổi, xã Bình Châu, chủ tàu QNg 90205) tiếp xúc với chúng tôi luôn nhắc về ngư dân Võ Văn Lựu và những ngư dân trên tàu cá QNg 90479 đã giúp đỡ, cho tàu cá của mình mượn ngư cụ tiếp tục đánh bắt sau khi bị Trung Quốc trấn áp cướp đi toàn bộ ngư cụ và hải sản.

Dù sau đó toàn bộ ngư cụ mượn để tiếp tục bám biển đã bị Trung Quốc cướp sạch vào trưa 19-6, nhưng đôi mắt ông vẫn rất cảm kích khi gặp nhau tại trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi).

Đôi mắt ông Quang bỗng rưng rưng khi thấy ngư dân ướt mèm nơi bến cảng. Vội vã bắt tay những người vừa trở về từ biển khơi, ông Quang nghẹn giọng: “Mấy anh trở về tôi mừng quá, hai ngày qua cứ sợ ba tàu không vượt được áp thấp”.

Ngư dân Lựu chia buồn cùng ông Quang vì phiên biển hai lần bị Trung Quốc cướp tài sản: “Anh sắm ngư cụ cho mình trước đi, hồi nào làm có thì trả cho tôi. Anh em giờ ai cũng phải vay tiền sắm lại hết mà”.

Câu chuyện dài thêm khi họ kể cho nhau nghe chuyến biển mà tàu nào cũng bị Trung Quốc rượt đuổi. Từ chiều 20 đến sáng 21-6 có bảy tàu trở về cảng Sa Kỳ thì bốn tàu trình báo bị Trung Quốc cướp tài sản, ba tàu báo bị Trung Quốc đuổi ráo riết ngoài Hoàng Sa, phải vòng tránh nhiều giờ liền.

Ngư dân Kiên thổ lộ: “Anh em đi biển Hoàng Sa luôn nhắc nhở nhau dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vì cá nhân mình mà quên đồng đội đang cùng sống chết giữa trùng khơi. Ở Hoàng Sa tình người cao hơn tất cả”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết hai đêm qua gần như phải thức trắng để theo dõi việc lai dắt tàu QNg 90479 vào đất liền.

“Khi nghe đài báo gió giật mạnh, chúng tôi rất lo. May mà các đoàn viên nghiệp đoàn đã tương trợ, giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn bằng lòng quyết tâm cao mà cả tàu và người đã về đến đất liền” – ông Hùng nói.

Ngư dân Lựu từng cứu nhiều tàu gặp nạn

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết những đoàn viên trong nghiệp đoàn nhiều lần giúp đỡ cứu tàu ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa.

Trong đó tàu QNg 90479 của ngư dân Võ Văn Lựu đã năm lần bỏ biển cứu tàu cá của ngư dân gặp nạn như cứu tàu của ngư dân Võ Nhị, Phạm Văn Mỹ, Nguyễn Cư (xã Bình Châu), Trần Mai (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Tiếp xúc với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Cư cho biết đã hai lần được tàu ông Lựu cứu giúp, trong đó có một lần bị mắc cạn khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa vào năm 2014.

“Nhờ tàu anh Lựu cùng các ngư dân kéo ra dắt về. Không có anh Lựu chẳng biết giờ này tôi còn sống không nữa” – ngư dân Nguyễn Cư nói.

 

TRẦN MAI