28/11/2024

Đua vào trường chuyên

Muốn vào trường chuyên, nhiều học sinh phải “cày” trong rất nhiều năm và tăng tốc trong năm cuối. Vấn đề là trong “cuộc đua” này phần lớn sự thắng – thua xuất phát từ phía phụ huynh.

 

Đua vào trường chuyên

 

 

Muốn vào trường chuyên, nhiều học sinh phải “cày” trong rất nhiều năm và tăng tốc trong năm cuối. Vấn đề là trong “cuộc đua” này phần lớn sự thắng – thua xuất phát từ phía phụ huynh.


 

Đua vào trường chuyênPhụ huynh đưa đón con ở một trung tâm luyện thi – Ảnh: Lam Ngọc
Luyện thi ở nhiều nơi
   

Với hy vọng tăng khả năng trúng tuyển vào trường chuyên, nhiều phụ huynh chọn giải pháp cho con luyện thi nhiều nơi, ngoài ra còn mời thầy cô về nhà kèm riêng. Chị Đỗ Thị Quế (Q.6, TP.HCM) kể: “Một lớp học ở trung tâm mấy chục học sinh, dù thầy cô cố gắng đến đâu cũng không thể theo sát được nên tôi mời giáo viên về nhà kèm riêng. Hy vọng một thầy một trò con tôi sẽ nắm bài chắc hơn”.

Chị Lê Thị Bích Thuỷ (có con học ở Q.Bình Thạnh) cho biết: “Lực học của con chỉ ở mức khá nên ngay từ khi mới vào THCS tôi đã mời gia sư là giáo viên dạy giỏi tại trường chuyên về dạy cho con. Ngoài ra tôi cũng đăng ký cho con luyện thi tại hai trung tâm khác ở Q.11…”.
Quá lo lắng, chị Trần Thảo Nguyên (Q.10) còn cho con theo học lớp luyện thi chuyên nghiệp, đảm bảo đậu. Hằng ngày sau giờ học chính khoá, con chị không kịp về nhà ăn cơm mà phải nhai tạm bánh mì để kịp giờ học ở các trung tâm luyện thi. Vừa về đến nhà là lao ngay đến bàn học kèm cùng gia sư. Mọi hoạt động vui chơi giải trí phải ngưng lại.
Chị Mỹ Hoa (Q.5) có con 9 năm liền đạt học sinh giỏi với số điểm gần như tối đa, thế nhưng chị vẫn cho con luyện thi ở nhiều trung tâm với lý do “học nhiều nơi cho chắc”.
Người ngoài lo lắng đã đành, những phụ huynh đang là giáo viên cũng không kém.
Một giáo viên tiếng Anh thú thật: “Ngoài việc tự kèm cặp, thuê gia sư dạy thêm, tôi cũng cho con học cùng lúc nhiều trung tâm với mong muốn con mình có thể tích hợp được những kiến thức đầy đủ nhất”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết việc thi vào trường chuyên đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Ngoài ra còn có một phần kiến thức nâng cao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chọi ở các trường chuyên cũng khá cao. Nhiều phụ huynh đăng ký cho con học thêm ở nhiều nơi. “Tuy nhiên như thế không hay lắm vì học sinh chuyên còn thiên về năng khiếu nên các em cần có thời gian để tự học. Phải tạo cho các em thời gian tự học, tự tìm hiểu”, ông Hùng khuyên.
“Muốn thoát ra thật nhanh…”
 
 
Trong 77.726 thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tại TP.HCM vừa qua có 7.255 thi vào lớp 10 chuyên. Trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có 3.124 thí sinh đăng ký nguyện vọng, Trần Đại Nghĩa là 820 và Nguyễn Thượng Hiền là 677… Ngoài ra, còn 2 trường phổ thông chuyên trực thuộc trường ĐH là Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia) có khoảng 3.500 thí sinh dự thi và Trung học Thực hành ĐH Sư phạm với 1.410 thí sinh.
B.THANH 
 

Trái với mong muốn của mẹ, T.A.T luyện thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thú thật: “Con biết lực học của mình chỉ khá nên không muốn thi chuyên. Mẹ có mời nhiều thầy cô luyện thi thì con cũng không dám nghĩ là mình sẽ đậu được vào trường chuyên”.

Còn N.H.N, một học sinh lớp 9 cũng luyện thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tâm sự: “Bình thường em rất thích học toán. Nhưng từ đầu năm lớp 9 em bị ngợp bởi mỗi thầy ở một trung tâm lại có yêu cầu cách học khác nhau. Riêng việc phải hoàn thành bài tập của các thầy ra cũng chiếm gần trọn buổi tối nên em không còn thời gian thư giãn. Em thấy rất căng thẳng”.
Tiếp xúc với chúng tôi, N.N.K, học sinh lớp 9 ở Q.11, nói nghe thật tội: “Em chỉ thích học đàn nhưng vì hai chị gái trước em đều đậu vào trường chuyên nên ba mẹ bắt em phải thi chuyên. Lực học của em chỉ ở mức bình thường nên ngoài việc mời giáo viên về nhà, ba mẹ còn cho em học ở trung tâm. Thời kỳ này em thấy rất mệt mỏi với việc ôn thi. Em chỉ mong sớm kết thúc kỳ thi để được đi chơi trong những ngày hè”.
Đừng đặt lên vai con gánh nặng quá lớn

Pin dùng cạn cần phải sạc lại cho đầy, trí não dùng nhiều cũng cần nghỉ ngơi cho lại sức. Đừng dồn ép trẻ quá đáng với lịch học chi chít, hãy cho trẻ học nhưng cũng cần giải trí để phục hồi, và cũng cần những phút giây tình cảm gia đình và bè bạn để bơm “vitamin tinh thần” cho trẻ.
Việc cha mẹ kỳ vọng vào con là tốt nhưng đừng vì vậy mà đặt lên đôi vai bé nhỏ của con gánh nặng quá lớn từ kỳ vọng của mình khiến cho trẻ mệt mỏi và kiệt quệ.
 Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu 
 (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Con chỉ thích học trường bình thường

“Con chỉ thích học trường bình thường vì thấy thi vào trường chuyên học rất mệt. Gần 3 tháng rồi con không được đá banh, không được vui chơi giải trí gì cả. Hết giờ học ở trường con phải theo cô giúp việc tới trung tâm học thêm. Trên đường về nhà, cô giúp việc mua bánh mì rồi giục con ăn nhanh vì cô giáo đang đợi ở nhà để học tiếp”.
HUỲNH THANH PHÚ (học sinh lớp 5, Q.3, TP.HCM)
Ngán học
“Chỉ trong 3 tháng con giảm 4 kg. Ngày nào ba mẹ con cũng ép uống sữa học tới khuya. Giờ con cảm thấy rất ngán học. Con chỉ ước được học trường bình thường”.
TRẦN THẢO NHI (học sinh lớp 5, Q.2, TP.HCM)
Rất mệt mỏi
“Cùng một lúc ba mẹ bắt con đi học thêm Anh văn ở trường, ở trung tâm và học với cô giáo ở nhà. Hôm nào con cũng phải thức tới 23 giờ, sáng hôm sau dậy từ 4 giờ làm mới hết bài tập. Con thấy rất mệt mỏi”.
HOÀNG ĐỨC KHÁNH (học sinh lớp 5, Q.3, TP.HCM)

Lam Ngọc