28/11/2024

​Mơ về “Thung lũng Silicon” Đà Lạt

Tôi cho rằng “Thung lũng Silicon” Việt Nam được hình thành ở Đà Lạt trong 20 năm tới là ước mơ có cơ sở và nơi đây sẽ góp phần quan trọng cho phát triển của đất nước.

 KỲ VỌNG VIỆT NAM 20 NĂM TỚI

​Mơ về “Thung lũng Silicon” Đà Lạt

 

Tôi cho rằng “Thung lũng Silicon” Việt Nam được hình thành ở Đà Lạt trong 20 năm tới là ước mơ có cơ sở và nơi đây sẽ góp phần quan trọng cho phát triển của đất nước.

 

 

Phòng thí nghiệm tại Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM được đầu tư 10 triệu USD. Sẽ có nhiều phòng thí nghiệm như vậy khi "Thung lũng Silicon Việt Nam" ra đời - Ảnh: Đình Dân
Phòng thí nghiệm tại Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM được đầu tư 10 triệu USD. Sẽ có nhiều phòng thí nghiệm như vậy khi “Thung lũng Silicon Việt Nam” ra đời – Ảnh: Đình Dân

Tiềm năng đã có Nhà nước đã đề ra chiến lược công nghiệp hoá, tiến tới hiện đại hoá, tự động hoá nền công, nông nghiệp mà đến nay chưa có một trung tâm phát minh khoa học có tầm cỡ là đã chậm một bước.

Tiềm năng đã có

Những năm 1980, Nhà nước đề ra quốc sách: đón đầu khoa học và điện khí hoá đất nước. Nước bạn Ấn Độ cũng đề ra chủ trương tương tự. Nhưng hai nước có giải pháp khác nhau.

Ấn Độ cho nhập đại trà máy tính cũ đã qua sử dụng, rẻ như “rác điện tử’’, để trang bị đại trà cho các trường học phổ thông và đại học, trang bị cho các giới khoa học và bộ máy nhà nước. Trong khi nước ta nhập về máy hiện đại đắt tiền, trang bị cho các trường đại học, các nhà khoa học, cơ quan nhà nước, khá hạn hẹp.

 
 

 

Sau mười năm, Ấn Độ đã cho ra đời một thế hệ trí thức mới, từ học sinh phổ thông đến đại học và trên đại học. Số trí thức mới thông thạo vi tính có đến hàng triệu người. Các nhà khoa học trẻ khác của Ấn Độ cũng phát triển vượt bậc. Trong khi đó Việt Nam chúng ta đã đi chậm một bước.

Tuy vậy sau 30 năm, ngành giáo dục Việt Nam chúng ta cũng cho ra đời nhiều thế hệ nhà khoa học trẻ. Ngày nay, với chính sách điện khí hóa trên cả nước, ở nông thôn nhà nào cũng có tivi, đầu máy video và điện thoại di động. Trẻ em từ 3 – 4 tuổi đã thao tác thành thạo các máy hiện đại này và nhiều bé còn trở thành “lập trình viên” điện thoại di động cho ông bà, cha mẹ.

Nhiều cháu học tiểu học đã giỏi vi tính, học bài, làm bài trên máy tính bảng. Học sinh trung học, sinh viên đại học, trên đại học và các nhà khoa học đỉnh cao càng tiến bộ hơn. Đáng mừng hơn, trong phong trào sáng tạo khoa học hiện nay còn xuất hiện những học sinh THCS, THPT, công nhân kỹ thuật, nông dân chân đất… trở thành nhà chế tạo máy, có người đang mày mò chế tạo cả trực thăng, tàu ngầm loại nhỏ nữa.

Với nguồn lực khoa học dồi dào như vậy, khát khao sáng tạo như vậy, tôi tin rằng nếu chúng ta khéo tổ chức, trong 20 năm tới đất nước ta sẽ có trung tâm phát minh khoa học – Trung tâm Silicon Việt Nam. Từ nơi đây, nhiều phát minh sẽ ra đời giúp Việt Nam tiến nhanh vào công nghệ kỹ thuật cao, trở thành nền kinh tế tiên tiến hàng đầu trong khu vực.

Xây dựng “Trung tâm Silicon”

Để một trung tâm phát minh khoa học hình thành và hoạt động tốt, nhân lực là yếu tố quyết định nhất. Chúng ta phải phân định: trong hàng triệu học sinh phổ thông hiện nay ít nhất phải có vài phần trăm thuộc loại xuất sắc, và đó sẽ là những nhà phát minh khoa học đỉnh cao trong tương lai. 

Hiện nay, các nhà trường có chủ trương giáo dục đặc cách cho học sinh yếu kém. Nhưng chủ trương giáo dục đặc cách cho 10% học sinh khá giỏi chưa rõ ràng. Chúng ta phải có giáo dục đặc biệt cho những em có năng khiếu và đam mê sáng tạo mới đào tạo được nhân tài.

Đã đến lúc tin học hóa cho hệ học sinh phổ thông, kể cả sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và giáo trình giảng dạy song song với tập vở giấy bút, sách giáo khoa hiện nay. Khối đại học, sau đại học, các nhà khoa học đỉnh cao đương thời càng phải nâng cao tin học hoá.

Khâu tổ chức là yếu tố quyết định thứ hai. Phải tổ chức ngay “Trung tâm Silicon” quốc gia với phương châm: từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. 

Tôi cho rằng các hội khoa học là đơn vị tổ chức, tham mưu, nòng cốt của trung tâm. Chúng ta phải thuyết phục các nhà khoa học đỉnh cao về đây, căng tay ra hoạt động giúp các nhà khoa học trẻ sáng tạo phát minh. Trung tâm đề ra chính sách chắt chiu sáng tạo, chính sách đào tạo nhân tài cho đất nước. Cần có chính sách đặc cách cho từng nhà khoa học trẻ hiện tại và tương lai, kể cả học sinh phổ thông, sinh viên đại học đặc biệt có năng khiếu, đam mê.

Trung tâm cũng cần có chính sách tài trợ cho cả các em có điều kiện và không điều kiện cùng những công nhân kỹ thuật, nông dân chân đất tự mày mò có những sáng tạo bước đầu về trung tâm thực hiện các hoạt động sáng tạo. Trung tâm cũng là người đề ra quy chế chính sách hoạt động trong bộ máy của các nhà khoa học và các nhà khoa học hợp đồng vãng lai trong và ngoài nước, trong quá trình hoạt động ở trung tâm.

Đầu tư và địa điểm là yếu tố quyết định sau cùng. Có hai nguồn đầu tư. Một là Nhà nước đầu tư ban đầu. Hai là kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là các tập đoàn kinh tế khoa học xuyên quốc gia đang đầu tư ở Việt Nam. Đừng ngại cho đầu tư, vấn đề là phải có bộ máy trung tâm hoạt động hiệu quả. Tôi cho rằng vài năm sau khi trung tâm ra đời, chúng ta sẽ có những thành công bước đầu và khi ấy phần đầu tư sẽ nhẹ bớt. 

Về địa điểm trung tâm, tôi chọn thành phố Đà Lạt với ba ưu thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đà Lạt có thời tiết ổn định, biệt lập với các thành phố lớn quá ồn ào, con người Đà Lạt sống hiền hòa, văn minh. Ngoài ra, Đà Lạt là thành phố đang phát triển, cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Nhiều năm trước, Đà Lạt cũng đã được chọn để xây trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử đầu tiên của Việt Nam. 

Đến ngày 13-6, ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được bài viết của các tác giả: Văn Tiên, Đặng Thị Diễm Thuý, Đặng Phương Anh, Ngụy Thị Bích, Nguyễn Xuân Hiền, Võ Lê Hạnh Duyên, Lê Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Quỳnh (TP.HCM), Nguyễn Văn Công (bài 3), Xuân Tiến, Văn Long (Hà Nội), Đỗ Đức Minh (bài 2, Thanh Hoá), Nguyễn Thị Mỹ Kim (Đà Nẵng),  Văn Thi Hoàng (Quảng Nam), Lĩnh Hồng, Trương Bình An (Đắk Lắk), Cao Nguyên (Gia Lai), Phan Tuyết (Bình Thuận), Nguyễn Hữu Thi (bài 2,  Bà Rịa – Vũng Tàu), Mai Thế Uy (Đồng Nai), Nguyễn Hữu Chánh (bài 3), Nguyễn Thành Đạt (Vĩnh Long), Nguyễn Lâm Giang,  Ly Libra (Cần Thơ), Đặng Thị Thuỳ Linh, Hồ Minh Nhựt (An Giang), Thanh Vân (Trà Vinh), Huỳnh Ngọc Yến (Kiên Giang), Mai Thanh Huy (bài 2), Phạm Trần Thuỷ,  Lê Thị Tuyết Trinh…

TOÀ SOẠN

 

LIÊU TỬ PHONG (75 tuổi, Trà Vinh)