Không trả giá đắt cho phát triển
Tôi mong muốn đất nước tôi phát triển mà không phải trả giá đắt bởi chuyện môi trường sống bị tàn phá, các giá trị văn hoá truyền thống bị mai một…
Không trả giá đắt cho phát triển
Tôi mong muốn đất nước tôi phát triển mà không phải trả giá đắt bởi chuyện môi trường sống bị tàn phá, các giá trị văn hoá truyền thống bị mai một…
Người dân xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hoá) tham gia dự án trồng rừng – Ảnh: Hà Đồng |
Là một người trẻ, tôi mong muốn đất nước tôi phát triển mà không phải trả giá đắt bởi chuyện môi trường sống bị tàn phá, dân số già đi, các giá trị văn hoá truyền thống bị mai một…
Và tôi muốn được góp vào tiếng nói chung về các giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững cho tương lai của đất nước.
Bức tranh ảm đạm
Cách đây 20 năm, tôi chỉ là một đứa trẻ 7 tuổi. Khi ấy, xung quanh tôi là cảnh nghèo đói và túng thiếu của không chỉ gia đình tôi mà gần như của cả xã hội. Hai mươi năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi. Xã hội vươn vai trỗi dậy, phát triển quá nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hạn chế vẫn còn nhiều.
Và tôi tin 20 năm nữa Việt Nam tất nhiên sẽ phát triển hơn hiện tại gấp bội lần, nhưng nếu cứ giữ cách làm như hiện nay thì đấy là sự phát triển không bền vững và hậu quả là phải trả giá rất lớn.
Thật dễ dàng hình dung 20 năm sau Việt Nam sẽ có nhiều thành phố hiện đại mọc lên, đời sống vật chất của người dân được nâng cao… nhưng bên cạnh đó xuất hiện càng nhiều những nguy cơ như động đất, sóng thần, lũ lụt, lốc xoáy, bệnh tật… Việc Đà Lạt những năm gần đây không còn là “thành phố mù sương” nữa, và chỉ sau một lần mưa thành phố đã bị ngập có thể xem là ví dụ điển hình của việc phát triển chưa tính kỹ đến yếu tố bảo vệ môi trường.
Tiếp nữa, dân số Việt Nam sẽ tiến tới dân số già vào khoảng 20 năm nữa. Khi ấy nước ta sẽ thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ và tay nghề, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cuối cùng, xã hội Việt Nam 20 năm sau sẽ mang sắc thái văn hoá của nhiều quốc gia, dân tộc. Các giá trị văn hoá truyền thống sẽ bị giảm và nhiều trong số đó sẽ bị mai một. Đây là kết quả tất yếu của giao thoa văn hoá ít chọn lọc của giới trẻ hiện nay cũng như công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống còn yếu kém.
Bức tranh của Việt Nam phát triển không bền vững 20 năm sau sẽ như thế. Và tôi mong đất nước sẽ có được một chiến lược phát triển đúng đắn để những điều xấu đó đừng xảy ra.
Những giải pháp ngăn chặn
Để góp phần hạn chế tình trạng phát triển không bền vững của đất nước trong 20 năm tới, tôi có mấy đề xuất sau:
Thứ nhất là phải tôn trọng môi trường, lý do đơn giản là một cá thể chỉ có thể phát triển tốt trong mối quan hệ tương sinh giữa nó và môi trường xung quanh. Có một thực tế là chúng ta đang khai thác thiên nhiên ngày càng nhiều để phục vụ cho sự phát triển. Những nguồn tài nguyên sẵn có đang được sử dụng triệt để, những nguồn tài nguyên mới đang được tìm kiếm nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, dẫn đến rừng bị chặt phá, đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, phương thức canh tác phụ thuộc hoá chất gây ô nhiễm môi trường…
Sở dĩ có tình trạng đó là vì Luật môi trường hiện nay chưa chặt chẽ, chúng ta nói khai thác đi đôi với bảo vệ và tái chế, song thực tế chưa phải vậy. Bên cạnh đó là ý thức bảo vệ môi trường của dân ta còn yếu. Một phần do nhận thức của đa số người dân về tầm quan trọng của môi trường chưa cao, một phần do đời sống còn khó khăn buộc nhiều người phải xâm hại môi trường (đốt, phá, chặt rừng làm nương rẫy, khai thác, đánh bắt quá mức…), phần còn lại là do công tác giáo dục chưa tốt.
Do đó, cần phải hoàn thiện hơn nữa Bộ luật về môi trường, đồng thời thực hiện những kế hoạch nâng tầm nhận thức của người dân bằng việc đưa Luật môi trường vào giáo dục, vào nếp sống của toàn dân.
Thứ hai là xây dựng chiến lược phát triển dân số bền vững. Dân số ta tăng nhanh sau ngày thống nhất và ngày càng tăng nhanh do nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp. Gần đây, chính sách dân số mang lại tỉ lệ gia tăng tự nhiên hợp lý, dân số nước ta dần đi vào ổn định nhưng lại tiến tới dân số già vào khoảng 20 năm nữa hoặc hơn.
Điều dễ thấy là hiện nay chi phí nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh cho đến khi trưởng thành quá cao so với nhiều năm trước. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi đang tăng cao do giáo dục đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Đấy là các nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến tâm lý ngại kết hôn và sinh con ở người trong độ tuổi sinh sản hiện nay. Vậy nên, tôi cho rằng Nhà nước cần có tầm nhìn xa và rộng hơn nữa trong việc xây dựng các chính sách việc làm, đào tạo… nhằm phát huy hơn nữa yếu tố con người.
Thứ ba là xây dựng nền văn hóa phát triển lành mạnh, bền vững, hòa nhập nhưng không hòa tan. Tôi thấy dân ta chưa có văn hoá xếp hàng. Tôi cũng thấy dân ta thích vật chất hơn là học hỏi. Ví dụ đơn giản là các bạn trẻ hiện nay rất chuộng nền công nghiệp giải trí của đất nước Hàn nên họ ăn mặc, để tóc, trang điểm… theo phong cách Hàn, tuy nhiên số đông lại không học được những nét đẹp trong văn hoá, ứng xử của người Hàn.
Tôi mong muốn Nhà nước sẽ có những chiến lược cho vấn đề này, trong đó nhấn mạnh vào vai trò của giáo dục và truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cho người dân.
Chờ các ý tưởng mới Tính đến chiều 8-6, ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được 190 bài dự thi, trong đó có 29 tác giả gửi 2 – 3 bài dự thi. Về nội dung, có khá nhiều bài dự thi đã tập trung vào một số nội dung như kỳ vọng nền nông nghiệp phát triển, đẩy mạnh cải cách giáo dục, giảm thiểu tai nạn giao thông, điểm đến du lịch hấp dẫn, đất nước thân thiện với sắc xanh… Ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) mong muốn tiếp nhận thêm nhiều ý tưởng mới tham gia cuộc thi. Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. (một tác giả có thể gửi tối đa 3 tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. |