28/11/2024

Chuyện buồn ở nhà Hạnh Phúc

Bên cạnh nỗi niềm của người lớn, những đứa trẻ vẫn hạnh phúc ở nhà Hạnh Phúc. Và hạnh phúc ấy chỉ còn bảy ngày hạn cuối…

 

Chuyện buồn ở nhà Hạnh Phúc

 

 Bên cạnh nỗi niềm của người lớn, những đứa trẻ vẫn hạnh phúc ở nhà Hạnh Phúc. Và hạnh phúc ấy chỉ còn bảy ngày hạn cuối…


 

Những đứa trẻ ở ngôi nhà Hạnh Phúc - Ảnh: Tự Trung
Những đứa trẻ ở ngôi nhà Hạnh Phúc – Ảnh: Tự Trung

Kết thúc năm học, bắt đầu những ngày hè. Như đã thành lệ, chúng tôi chuẩn bị các phần quà để đến nhà Hạnh Phúc (căn nhà đông con của chị Ngô Thị Kim Vân ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã gắn với cái tên nhà Hạnh Phúc từ sau bài báo “Phía sau đô thị Hạnh Phúc”. 

Chúng tôi dự định tổ chức một buổi liên hoan vui tưng bừng để mừng một năm học “quá chừng giấy khen” như các em đã khoe trước đó. Lại còn có thêm hơn 20 triệu đồng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi tặng để dành cho năm học mới. Thế nhưng chưa kịp đi thì một tin nhắn bay tới: “Cô khỏe không? Ngày 15-6 này nhà Hạnh Phúc phải giải tán. Tụi con không biết làm sao, cô ơi…”.

Thương yêu là không đủ

Chị Vân lần lượt xếp lên bàn những biên bản làm việc với UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Biên bản thứ nhất: “Cơ sở giữ trẻ nhà Hạnh Phúc hoạt động từ năm 2006, số lượng trẻ hiện nay 30 em, đối tượng trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vận động để chăm lo từ bạn bè, người thân. Hồ sơ tiếp nhận chỉ có giấy khai sinh. Trẻ nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 21 tuổi. Hiện cơ sở chưa có giấy phép hoạt động. UBND xã đề nghị cơ sở ngưng hoạt động, không tiếp nhận trẻ, đồng thời liên hệ để xin giấy phép…”.

Biên bản thứ hai: “Căn hộ gồm một nhà cấp 4 của vợ chồng anh Hoàng – chị Vân mua bằng giấy tay và một phần mái che tạm bợ. Hiện tại điểm giữ trẻ không xin được giấy phép. Đoàn kiểm tra của chúng tôi yêu cầu tạm ngưng hoạt động và trao trả trẻ về gia đình trong vòng bảy ngày. Anh Hoàng – chị Vân có ý kiến là hiện tại các bé đang đi học và gia đình ở tứ xứ không thể liên lạc nên xin gia hạn…”.

Biên bản thứ ba: “UBND xã đề nghị ông Hoàng – bà Vân phải giao trả số trẻ về với gia đình chậm nhất vào ngày 
15-6-2015 và phải có sự chứng kiến của UBND xã. Với những trẻ không còn người thân, phòng lao động sẽ hướng dẫn thủ tục đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội…”.

Chị Vân nước mắt chảy dài: “Mấy năm qua tôi đã hết sức cố gắng để xin cấp phép đúng thủ tục quy định của pháp luật, nhưng không đáp ứng được các điều kiện. Tôi chỉ có tình yêu thương với bọn trẻ và tôi rất nghèo…”.

Ba năm qua, với sự giúp đỡ, góp sức của các ân nhân, nhà Hạnh Phúc đã thay đổi rất nhiều. Căn gác gỗ đã được sửa, cầu thang gia cố lại cho chắc chắn.

Chị Vân đã thuê thêm mảnh đất bên cạnh để cơi thêm mảnh sân, xây thêm phòng học, phòng tắm. 32 đứa con của chị không chỉ được tặng đủ sách vở mỗi đầu năm học mà còn có bút màu để học vẽ, nhạc cụ để học đàn, gia sư để học ngoại ngữ…

Nhà chật, thiếu thốn nhưng tấm lòng rộng mở, ngỡ đã là đủ để những đứa trẻ mồ côi có được một gia đình, những em bị bỏ rơi tìm thấy lại tình yêu thương và tất cả cùng bước trên đường hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng không, chưa đủ với những quy định để xin giấy phép hoạt động một cơ sở bảo trợ: “Điều kiện tối thiểu: 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị. Diện tích phòng ở bình quân 6 m2/đối tượng. Phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ công nhân viên, khu vui chơi giải trí… Hồ sơ bao gồm giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất…”.

“Tôi mua mảnh đất này bằng giấy tay, vợ chồng làm việc ở nhà, hai đứa con đi học. Thấy mấy đứa nhỏ xung quanh lang thang lượm ve chai, thương, sợ chúng đói, thất học nên gọi vào cho ăn cơm, dạy chữ.

Lâu dần rồi chúng ở nhà, cùng ăn, cùng học với con tôi. Lâu dần rồi có nhiều người khác vì hoàn cảnh mang con đến gửi. Chia nhau một căn nhà, chia nhau một chén cơm, sau này nhờ có báo, đài nên có thêm ân nhân giúp sức. Đã tám năm như vậy rồi, chúng tôi đã là một gia đình, xin đừng chia rẽ chúng tôi…” – chị Vân, anh Hoàng giãi bày tình yêu thương của mình với bọn trẻ.

Đừng bắt chúng con 
xa anh chị em

Khen – chị hai của gia đình, cô bé đã sống cùng mẹ Vân suốt tám năm qua – chia xong túi bánh ngọt của một tiệm bánh mang cho lúc cuối ngày cho các em theo thứ tự nhỏ trước lớn sau, rồi lặng lẽ đến giá sách rút ra một tập giấy. “Gửi cô…” – Khen nghẹn lời. Đây là tập thư mà các em thuộc nhóm trẻ lớn đã viết sau biên bản thứ ba.

“Con là Đặng Thị Ngọc Nhung (tên khai sinh của Khen – PV). Gia đình con rất nghèo, mẹ bệnh không tiền chạy chữa, đã mất lúc con lên 8 tuổi. Cha buồn, sa vào rượu chè say sưa. Con không có ai yêu thương, chăm sóc, dần dần bỏ lơi việc học, theo bạn bè chơi bời, phá phách.

Lên lớp 9, con bỏ học. Duyên may, con được ba Hoàng, mẹ Vân nhận vào nhà, được làm chị hai. Được yêu thương, được dạy dỗ, con đã thay đổi bản thân, đi học và biết yêu thương trở lại. Xin các cô các chú đừng bắt con xa rời các em con, đừng để con và ba Hoàng, mẹ Vân phải mất đi gia đình hạnh phúc này…”.

“Con là Trần Ngọc Châu, học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Thái Bình. Mẹ mất khi con 3 tuổi, cha đi cưới vợ khác. Con sống với ông bà nội và lớn lên thành một đứa trẻ lì lợm, khó ưa. Học đến lớp 6, con bỏ học.

Nhờ người quen giới thiệu, bà nội gửi con vào nhà Hạnh Phúc. Mọi người đã chinh phục con bằng tình thương thật sự. Chúng con cùng nhau học tập, cùng nhau ăn uống, vui chơi, chia nhau làm việc nhà và chăm sóc các em nhỏ, chia sớt thức ăn với người già neo đơn trong xóm, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

Nhà Hạnh Phúc đã thành một phần trong cuộc sống, chúng con được yêu thương và thấy mình có giá trị khi ở đây. Chúng con mơ ước sau này học tập, làm việc thành công sẽ cùng nhau xây dựng nhà Hạnh Phúc lớn mạnh để giúp được nhiều trẻ em không may khác cùng có được một đại gia đình…”.

“Con là Nhi…”, “Con là Nguyễn Thị Thúy Liễu…”, “Con là Lê Thị Hồng Hương…”… những lá thư đầy ắp tâm sự được các em kết lại: “Ba Hoàng, mẹ Vân làm điều tốt, nhất định điều lành sẽ phải đến”.

Chị Vân tính toán: “Căn nhà này không chủ quyền vì bị quy hoạch. Tôi chờ họ làm dự án, đền bù rồi lấy tiền mua đất, xây nhà, xin giấy phép… Chính quyền có thể chờ tôi bổ sung giấy phép. Còn bọn trẻ, một ngày ra khỏi gia đình, chúng sẽ lại thất học, lại thành những đứa trẻ lì lợm, quậy phá, gánh nặng của xã hội”.

Bên cạnh nỗi niềm của người lớn, những đứa trẻ vẫn hạnh phúc ở nhà Hạnh Phúc. Và hạnh phúc ấy chỉ còn bảy ngày hạn cuối…

Lo lắng

Chấp hành yêu cầu của UBND xã, chị Vân cũng đã liên lạc với những người thân ít ỏi của bọn trẻ.

Bà Đoàn Thị Bé Lớn, bà ngoại nuôi của bé Phước Hải, tất tả từ Đồng Tháp đến, nước mắt ngắn dài: “Tôi bỏ mất hai đứa con trai, xin một đứa con gái về nuôi. Dè đâu, 17 tuổi nó bỏ học, theo bạn bè chơi bời rồi có thai. Thằng bé chưa tròn tháng đã bị mẹ mang bán rồi bỏ đi. Nó bệnh, người ta không nuôi, tôi lại chuộc về. Nhà nghèo, già yếu, đành để cháu hoang dại như cây cỏ. Nó nghịch phá, chồng tôi đánh chửi, đuổi đi. Tôi nghe tiếng nhà Hạnh Phúc, gửi cháu đến để được ăn học, được giáo dục. Mỗi lần thăm, thấy nó ngoan dần, tôi mừng lắm. Nếu chính quyền bắt nhận lại, tôi cũng không có cách nào nuôi cháu nên người…”.

Những bà Tươi – ngoại bé Vi, bà Du – ngoại bé Tài, bà Hoa – nội bé Lâm… cũng vậy. Người khóc, người im lặng khi nghe chị Vân gọi điện thông báo.

 

PHẠM VŨ