Một lớp trẻ được trao quyền tự quyết
Khi tôi 15 tuổi, tôi đã ước mơ mình được sống trong môi trường mà cha mẹ, thầy cô cùng trao chìa khoá thành công cho chính con em của họ.
Một lớp trẻ được trao quyền tự quyết
Khi tôi 15 tuổi, tôi đã ước mơ mình được sống trong môi trường mà cha mẹ, thầy cô cùng trao chìa khoá thành công cho chính con em của họ.
Ở nhiều nước, học sinh được tạo điều kiện để phát triển kỹ năng. Trong ảnh: học sinh Trường Brisbane Grammar (Úc) tổ chức nhóm thuyết trình một đề tài xã hội – Ảnh: T.T.D. |
Bây giờ, 26 tuổi, tôi cũng chỉ đau đáu trong mình ước mơ đó.
Tôi kỳ vọng trong 20 năm tới, đất nước tôi sẽ có nhiều ngôi nhà, ngôi trường nuôi dưỡng nhân tài. Ở đó, ngay từ bé những đứa trẻ được tự ý thức mình phải trở thành người như thế nào, còn cha mẹ và thầy cô chỉ là người cung cấp cho chúng những điều kiện cần thiết để phát triển, chứ không phải ép chúng vào những khuôn khổ định sẵn.
Những chiếc nôi tuyệt vời
Có lẽ không còn gì tuyệt vời bằng việc mỗi gia đình đều trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài, mỗi trường học đều trở thành chốn đi về để những nhân tài thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Không còn gì tuyệt vời bằng con trẻ có thể tự làm nên những thứ con thích, tự nói lên tiếng nói của mình; học sinh nào cũng nghĩ về ngôi trường của mình một cách thích thú nhất.
Không còn gì tuyệt vời bằng việc phụ huynh thôi chạy đôn chạy đáo trước mỗi kỳ chiêu sinh, mỗi kỳ thi lớn nhỏ; thay vào đó họ thoải mái để con tự đến ngôi trường mơ ước, tự thể hiện năng lực và vui vẻ nhận kết quả mình làm dù thành công hay thất bại.
Không còn gì tuyệt vời bằng việc giáo viên hết lo nghĩ về chỉ tiêu, về thành tích bắt buộc phải có được; thay vào đó là việc chuyên tâm nâng cao năng lực và kỹ năng của chính mình để truyền dạy cho các em những điều cần thiết nhất.
Và dĩ nhiên, không còn gì tuyệt vời bằng việc sinh viên ra trường không còn lo nghĩ về chuyện xin việc, bởi vào bất kỳ thời điểm nào sinh viên ấy cũng ý thức được khả năng của mình, có thể tự mình kiếm tiền khi cần thiết, tự tin nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội.
Tôi đã mơ về một đất nước tương lai như thế. Tôi đã không thôi nghĩ về những lớp thế hệ tuyệt vời – những con người dám nghĩ khác.
20 năm – một chặng đường không ngắn nhưng không hề dài để đào tạo nên những người tài, có ích cho xã hội, và dĩ nhiên nó phải bắt đầu ngay từ hôm nay.
Học cách phát hiện và phát triển nhân tài
Đừng nghĩ nhân tài là điều gì đó quá đỗi cao siêu, người tài thời nào cũng có, ở đâu cũng có, nhà nào cũng có; quan trọng là tài năng ấy có được phát hiện và phát triển hay không.
Hãy nuôi con như nuôi một nhân tài thực thụ ngay từ khi người mẹ mang thai. Không phải chuyện đùa khi mà những nhà khoa học lại khuyên người mẹ đang mang thai nên làm gì để con thông minh hơn.
Hãy chắt lọc những kiến thức khoa học, áp dụng một cách phù hợp nhất với bản thân và gia đình mình, từ việc chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, cách cho bé nghe nhạc, nói chuyện với bé và cả tinh thần của mẹ để con phát triển trí não, thể chất hoàn thiện nhất ngay từ trong bụng mẹ.
Trong quá trình nuôi con khôn lớn, mỗi bậc cha mẹ nên học cách tôn trọng con – ngay từ khi con chỉ vài tháng tuổi. Hãy để bé tự học lấy những gì bé cần. Hướng dẫn cách bé tìm hiểu thế giới xung quanh chính là bước đầu tiên đào tạo nên những nhà sáng chế, nhà khoa học.
Cha mẹ nên chú ý và phát triển năng khiếu của con. Khi bé bắt đầu có thể nêu sở thích, hãy hỏi con thích gì, muốn học hay làm gì. Phát triển ngay từ đầu con sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Ở góc độ nhà trường, cần đổi mới hệ thống giáo dục bằng việc hệ thống hoá lại kiến thức giáo khoa, gạt bỏ bớt những thứ không phổ biến, để một nửa chương trình cho học sinh học kiến thức phổ thông, một nửa chương trình dành đào tạo kỹ năng và phát triển năng khiếu. Nhà trường cần thực hiện khẩu hiệu “Hãy để người ta tự học khi gặp vấn đề”.
Theo đó, không nhất thiết phải ôm đồm dạy hết mọi thứ cần cho cuộc sống bởi kiến thức là vô lượng vô biên nên chẳng biết bao giờ mới đủ. Hãy mở rộng thời gian tìm hiểu, để mỗi học sinh tự thấy được mình đang cần bổ sung vấn đề gì. Những kỳ thi cần thay đổi thành hoạt động tìm kiếm tài năng, phát hiện và rèn luyện kỹ năng ngay từ nhỏ.
Tại các trường đại học, thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức có sẵn trong giáo trình, hãy truyền cảm hứng cho sinh viên để mỗi sinh viên là một nhà hùng biện, nhà sáng chế, tự biết rõ khả năng của mình và lên tiếng bảo vệ ước mơ, thuyết phục những nhà đầu tư về khả năng thành công của họ, để khi ra trường họ thấy rõ con đường tương lai rộng mở.
Thành công bước đầu Với tôi, đây hoàn toàn không phải là những ước mơ viển vông, mà trên thực tế tôi cùng một nhóm bạn bốn người đã và đang áp dụng một cách khoa học phương pháp này. Dĩ nhiên chưa thể áp dụng triệt để vì chương trình học ở trường còn quá nhiều, nhưng nhóm của tôi không đặt nặng kết quả ở trường hay bắt con học “hết chữ” trong sách, mà hướng đến khả năng tư duy và năng khiếu của con nhiều hơn. Chưa thể gọi là thành công nhưng chúng tôi đã nhận được một kết quả xứng đáng, đó là một bé gái 10 tuổi năng động được đào tạo về võ thuật một cách bài bản; một bé trai 12 tuổi thông minh, học giỏi, mê ngoại ngữ, đoạt nhiều giải thưởng vật lý, toán học; một bé gái 9 tuổi giỏi bơi lội, mê may vá… Chúng tôi gọi đó là thành công theo cách của riêng mình. Tôi tin nếu dự án của tôi được thực hiện thí điểm ngay từ bây giờ, tôi sẽ chứng minh cho các bạn thấy những người được đào tạo nên từ dự án đó đều có thể trở thành những người hữu ích cho xã hội trong tương lai. |