10/01/2025

Một kèm một

Với ước nguyện “người đi trước rước người đi sau”, nhóm du học sinh và cựu du học sinh Mỹ đã tạo nên sự khác biệt trong việc giúp bạn trẻ ra nước ngoài du học bằng cách “một kèm một”…

 

Một kèm một

 

 

Với ước nguyện “người đi trước rước người đi sau”, nhóm du học sinh và cựu du học sinh Mỹ đã tạo nên sự khác biệt trong việc giúp bạn trẻ ra nước ngoài du học bằng cách “một kèm một”…



Đó là chương trình Tiếp sức du học - Thắp sáng khát vọng Việt do Hội Thanh niên – Sinh viên VN tại Mỹ phối hợp một số đơn vị tổ chức.
 

Một kèm mộtAnh Huỳnh Thế Du (bìa trái) và một số cựu du học sinh chia sẻ kinh nghiệm du học với các bạn trẻ – Ảnh: Như Lịch
“Cứ tiếp tục đi !”
 
 
Đã có 10 người hiện thực được ước mơ du học
Anh Huỳnh Thế Du cho biết: Tổng số hồ sơ tham gia chương trình là 445 người được hỗ trợ và 162 người hỗ trợ. Số người được chọn để kèm 1-1 là 242 người. Đặc biệt, có 10 người hiện thực được ước mơ du học năm 2015. Theo anh Du, chương trình đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về nhiều mặt của Báo Thanh Niên, nhận được một khoản hỗ trợ tài chính từ Đại sứ quán Mỹ tại VN cùng nhiều tổ chức khác… 
 

Sau nhiều năm làm nghề kiến trúc, anh Bùi Hữu Duy Tân (32 tuổi, ngụ TP.HCM) ấp ủ giấc mơ nhận học bổng Fulbright. Thông qua sự kết nối của chương trình, anh được một nữ sinh viên đang học ngành kiến trúc tại ĐH Harvard là Nguyễn Yến Phi (26 tuổi) trợ giúp.

Chia sẻ trong buổi giao lưu sơ kết 1 năm chương trình Thắp sáng khát vọng Việt, diễn ra chiều 24.5 tại TP.HCM, người được hỗ trợ là anh Duy Tân kể: “3 ngày trước khi tham gia vòng thi cuối học bổng Fulbright, tôi gửi toàn bộ bài luận của mình cho Yến Phi và hỏi một câu: “Em thấy sao?”. Cô ấy nhiệt tình trả lời đến 2 – 3 trang giấy, trong đó phân tích những điểm yếu, sai lầm ở các bài luận. Thật may mắn, bài thi cũng đề cập đến những cái lỗi ấy”.
Và kết quả thật ngọt ngào: anh Tân đậu học bổng Fulbright. Tháng 9 tới, anh sẽ sang Mỹ học tại ĐH Oregon. Anh Tân nhận xét: “Chương trình đã cho tôi cái nhìn thực tế hơn về quy trình tuyển sinh ở Mỹ cũng như ở nước ngoài nói chung, đồng thời cho mình một cái thang để tự đánh giá bản thân”.
Chị Trần Lý Nguyệt Ánh (ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết sau khi đọc thông tin trên Báo Thanh Niên về hoạt động tiếp sức du học, ba mẹ chị động viên chị thử nộp đơn xin học bổng. Chị Ánh kể, quá trình nộp hồ sơ dài nên nhiều lúc chị không tránh được cảm giác chán nản. Đã vậy, có những người bàn ra: “Nộp học bổng ở những nước châu Âu, nhất là Bắc Âu rất khó, sao không nộp ở những nước châu Á cho dễ hơn?”.
Tuy nhiên, người hỗ trợ chị là anh Trương Việt Đức (du học sinh Mỹ) quyết liệt: “Ai dám bảo Ánh không có khả năng? Cứ tiếp tục đi! Ánh hãy tin tưởng vào bản thân mình”. Rốt cuộc, cùng lúc Ánh nhận được 2 học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu. Cô đành từ chối một học bổng để theo học chương trình thạc sĩ về An toàn chuỗi thực phẩm.
Phải tạo khác biệt
Là một trong những người hỗ trợ của chương trình, anh Dương Trọng Huế – giảng viên Trường ĐH RMIT nhận trợ giúp cho hai bạn trẻ. Trong đó, một người ở Hà Nội tên Nguyễn Minh Việt và một người ở TP.HCM.
Anh Huế nhận xét: “Đôi khi có những ứng viên học bổng đã chuẩn bị sẵn mọi thứ rồi. Cái các bạn cần là một ý tưởng định hướng, hoặc một lời khuyên để thể hiện khả năng của mình một cách rõ ràng nhất trong mắt ban tuyển chọn của các chương trình học bổng. Như trường hợp bạn Việt, khi đọc hồ sơ, mình đã thấy rất tốt rồi. Bạn ấy chỉ cần một số thay đổi nhỏ có ý nghĩa để có tính cạnh tranh hơn”.
Đề cập lý do tham gia chương trình, anh Huế bộc bạch: “Trước khi đi học ở Mỹ theo học bổng Fulbright, mình cũng từng trải qua những gì các bạn trẻ ngày nay đang trải qua. Có chăng là hồi đó, mình ở tỉnh không có điều kiện tiếp xúc với những người đi trước nên phải tự mày mò rất vất vả. Ngay cả học bổng Fulbright, mãi đến khi mình đi học ở châu Âu theo một khóa học bổng khác thì mới biết đến. Mình nghĩ, nếu có ai đó đi trước hỗ trợ thì những người đi sau sẽ thuận lợi hơn”.
Hiện tại, Nguyễn Minh Việt đã trở thành sinh viên tại ĐH bang Arkansas, Mỹ. Việt bày tỏ: “Chương trình này đến với mình có ý nghĩa quyết định, giúp mình tạo ra được sự khác biệt cho hồ sơ xin học bổng. Quan trọng nhất là lúc đang phân vân giữa thứ hạng của trường, người hỗ trợ đã cho mình những lời khuyên mang tính thực tế và chân thành”.
Anh Trương Phạm Hoài Chung, Chủ nhiệm chương trình, là người kết nối giữa những người hỗ trợ và người được hỗ trợ. Không chỉ kết nối, mỗi tháng, anh còn gọi điện 1 – 2 lần để định hướng mục tiêu của tháng cho cả hai bên. Anh Chung nói: “Hãy tận dụng những người hỗ trợ vì các anh chị ấy là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu”. Anh Chung cho biết, sắp tới anh sẽ học thạc sĩ giáo dục tại ĐH Harvard. Nhưng dù không có mặt tại VN, anh vẫn luôn theo sát hỗ trợ chương trình.
Anh Huỳnh Thế Du, Chủ tịch Hội Thanh niên – Sinh viên VN tại Mỹ, bộc bạch: “Tôi mất 20 năm để thực hiện ước mơ du học của mình. Hồi đó tôi không có người tiếp sức để có thể rút ngắn được thời gian. Từ kinh nghiệm, khó khăn của bản thân cũng như những kết quả đạt được, chúng tôi tâm niệm phải có trách nhiệm trả lại cho cộng đồng những gì đã nhận được. Từ chương trình này, chúng tôi mong ước có nhiều người VN hiện thực hóa ước mơ vươn cao, vươn xa của mình”.

Như Lịch