10/01/2025

Mơ một xã hội bình đẳng

Một trong những điều tôi mong muốn thấy trong 20 năm tới, đó là Việt Nam trở thành một nước có sự bất bình đẳng xã hội ở mức thấp như các nước tại Bắc Âu.

 

Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Mơ một xã hội bình đẳng

 

Một trong những điều tôi mong muốn thấy trong 20 năm tới, đó là Việt Nam trở thành một nước có sự bất bình đẳng xã hội ở mức thấp như các nước tại Bắc Âu.



 

 

Mong đến ngày xã hội giảm bớt cảnh đối nghịch giàu nghèo - Ảnh: Thanh Tùng
Mong đến ngày xã hội giảm bớt cảnh đối nghịch giàu nghèo – Ảnh: Thanh Tùng
Một Việt Nam trong 20 năm tới có chỉ số tham nhũng thấp, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và bất  bình đẳng về cơ hội được kéo giảm sẽ là một Việt Nam rất đáng sống và đáng để tự hào

Sở dĩ tôi mong muốn như vậy là vì sau 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về mặt kinh tế khi thu nhập của người dân nói chung đã không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, kèm theo đó là sự bất bình đẳng xã hội thể hiện qua thu nhập và bất bình đẳng về cơ hội cũng có xu hướng tăng theo.

Khoảng cách giàu – nghèo tăng dần

Khi nhìn vào hệ số đo lường  mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư ở Việt Nam, tức hệ số Gini, sẽ thấy giá trị của hệ số này có xu hướng tăng dần qua các năm và càng hướng đến 1,00 (khi Gini bằng 1,00 có nghĩa là có sự bất bình đẳng tuyệt đối trong thu nhập).

Năm 1996 hệ số này là 0,36; năm 1999 là 0,39; năm 2002 là 0,42 và năm 2010 là 0,446 (hệ số Gini trên 0,4 được xem là báo động ở mức nguy hiểm đối với khoảng cách thu nhập tại một quốc gia; ở các nước Bắc Âu chỉ số này thường dưới 0,3).

Nếu năm 2002 hệ số cách biệt thu nhập một nhân khẩu / tháng giữa nhóm 1 (nhóm 20% thu nhập thấp nhất) so với nhóm 5 (nhóm 20% thu nhập cao nhất) là 8,1 lần và không thay đổi bao nhiêu đến năm 2006 (8,3) thì năm 2010 tỉ lệ này đã tăng lên 9,2.

Nói cách khác, chúng ta đã có bước phát triển đáng mừng về kinh tế nhưng kèm theo đó là hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng. Điều đó cũng có nghĩa là việc phân phối thành quả của phát triển kinh tế không đồng đều khi có nhóm được hưởng lợi nhiều hơn những nhóm khác.

Bên cạnh bất bình đẳng về thu nhập, chúng ta cũng chứng kiến sự bất bình đẳng về cơ hội khi có vẻ như các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở đều được thiết kế dựa trên nguyên tắc là khả năng chi trả của người dân.

Những tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, tức khả năng chi trả kém, sẽ bị hạn chế về cơ hội tiếp cận các dịch vụ căn bản trong cuộc sống như giáo dục, y tế và nhà ở.

Một khi con người  không có cơ hội tiếp cận được nền giáo dục tốt do không có khả năng chi trả thì họ sẽ tiếp tục ở trong tình trạng thấp kém về nhiều mặt do không có đủ kiến thức, kỹ năng để tạo ra thu nhập cao hơn.

4 giải pháp quan trọng

Xây dựng một xã hội bình đẳng là điều hoàn toàn không dễ dàng vì đây là một công việc lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực với những chính sách quyết đoán. Nhưng nếu có quyết tâm rất lớn từ nhà nước cũng như sự tham gia cộng tác của mọi người dân trong xã hội thì việc kéo giảm sự bất bình đẳng xã hội không phải là không làm được. Tôi đề xuất một vài giải pháp như sau:

Trước hết cần xem xét tăng mức lương tối thiểu của người lao động. Những năm qua chúng ta đang cạnh tranh với các nước khác bằng nguồn lao động giá rẻ, đây là một chiến thuật có thể chấp nhận được trong thời gian đầu của phát triển kinh tế nhưng trong tương lai 20 năm tới, chúng ta không thể để người lao động sống ở mức lương tối thiểu quá thấp nữa mà phải nâng mức này lên.

Tất nhiên, để nâng được mức lương tối thiểu thì chất lượng nguồn nhân lực phải tăng và do đó việc đầu tư cho giáo dục và giáo dục nghề nghiệp là điều cần phải thực hiện nhanh ngay từ lúc này.

Giải pháp thứ hai là cần phải thiết kế hệ thống thuế thu nhập sao cho có thể thu được thuế đúng và đủ nơi tầng lớp giàu và siêu giàu trong xã hội. Chúng ta đều biết thuế thu nhập là một trong những nguồn ngân sách lớn để Nhà nước thực thi các chính sách an sinh xã hội, tạo công bằng xã hội.

Thế nhưng chính sách thuế thu nhập trong thời gian qua hình như chưa chạm được bao nhiêu đến tầng lớp giàu hay siêu giàu mà chúng ta hay gọi là “đại gia” trong xã hội. Để có thể đánh thuế cần phải có những quy định nhằm hạn chế các giao dịch   bằng tiền mặt trong xã hội và có công cụ giám sát hiệu quả việc thực hiện.

Thứ ba, Nhà nước cần đầu tư cho giáo dục. Chúng ta chấp nhận hệ thống giáo dục tư thục dựa trên khả năng chi trả của người học nhưng với hệ thống giáo dục công lập, Nhà nước phải đầu tư để tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người, tức trường công lập phải đúng là công lập theo nghĩa hoàn toàn miễn phí hoặc có học phí rất thấp.

Đặc biệt phải chấm dứt tình trạng “thương mại hóa” trường công lập, tức mở những hệ đào tạo chất lượng cao thu học phí cao trong hệ thống trường công lập vì điều này chính là nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng về cơ hội giữa các nhóm dân cư.

Cuối cùng, một giải pháp rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện, song bắt buộc phải thực hiện để tạo dựng một xã hội bình đẳng đó là phải kéo giảm tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xã hội.

Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế đã chứng minh sự tác động rất đáng kể của tham nhũng đối với tình trạng bất bình đẳng xã hội, cụ thể là nếu chỉ số tham nhũng tăng thì hệ số Gini cũng tăng theo với mức độ tương ứng.

LÊ MINH TIẾN