10/01/2025

Mạnh về biển và giàu lên từ biển

Tôi là người nặng lòng với biển. Tôi kỳ vọng trong 20 năm đến, biển đảo Việt Nam sẽ mang một dáng dấp mới, một hình hài mới, trở thành tâm điểm chú ý, ngưỡng mộ, học hỏi của các quốc gia khác.

 KỲ VỌNG VIỆT NAM 20 NĂM TỚI

Mạnh về biển và giàu lên từ biển

 

 Tôi là người nặng lòng với biển. Tôi kỳ vọng trong 20 năm đến, biển đảo Việt Nam sẽ mang một dáng dấp mới, một hình hài mới, trở thành tâm điểm chú ý, ngưỡng mộ, học hỏi của các quốc gia khác.



 

 

Tôi kỳ vọng ngư dân sẽ sớm giàu lên từ biển - Ảnh: V.M.H.
Tôi kỳ vọng ngư dân sẽ sớm giàu lên từ biển – Ảnh: V.M.H.

Với tôi, biển đảo quê hương luôn là một sợi dây vô hình cứ mãi quấn chặt lấy tình cảm của tôi – một công dân Việt Nam – để rồi tôi miên man suy nghĩ, trăn trở và tự mình vẽ ra một viễn cảnh mong sẽ thành hiện thực trong 20 năm tới trên vùng biển đảo của đất nước tôi, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt, nơi có bóng dáng của những ngư dân ra khơi đánh cá mưu sinh mỗi ngày.

Hình hài mới cho biển Việt Nam

Tôi mong và đặt nhiều kỳ vọng trong 20 năm đến, biển đảo Việt Nam sẽ mang một dáng dấp mới, một hình hài mới. Khi đó, ngư dân ở 28 tỉnh, thành phố có biển của đất nước tôi đều sở hữu và làm chủ được những con tàu đánh cá hiện đại vỏ thép với máy móc phục vụ nghề biển tiên tiến bậc nhất trong khu vực, thay thế cho những chiếc tàu bé nhỏ, phương tiện đánh bắt thô sơ, thiếu thốn. Hơn 1,3 triệu ngư dân ở đất nước tôi sẽ không còn sống trong cảnh nghèo khổ, gia đình ngư dân nào cũng có nhà cao cửa rộng, sống trong cảnh sung túc, no đầy.

Trên những hòn đảo ngoài khơi xa của Tổ quốc, đặc biệt là ở Hoàng Sa, Trường Sa sẽ có thêm cư dân đến sinh sống làm ăn đông đúc. Giao lưu hàng hóa giữa các đảo với nhau và giữa các đảo với đất liền không còn cách trở, gian truân.

Phương tiện đưa dân, du khách ra vào mưu sinh, tham quan Hoàng Sa, Trường Sa sẽ xuất hiện, hoạt động thường xuyên, dễ dàng để những người yêu biển như tôi có thể hiện thực hóa ước mơ được một lần đặt chân đến Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Biển đảo của đất nước tôi khi đó luôn xanh – sạch – đẹp, hệ sinh thái biển phong phú, được xếp vào tốp đầu của khu vực Đông Nam Á.

Hai mươi năm tới, tôi kỳ vọng lực lượng bảo vệ biển, đảo của Việt Nam sẽ trở nên hùng mạnh, được trang bị những loại vũ khí tối tân, đủ sức làm thất bại mọi âm mưu xâm chiếm chủ quyền biển đảo của bất cứ thế lực thù địch nào, tự tin bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Hai mươi năm tới, Trung Quốc sẽ phải trả lại từng hòn đảo, tấc biển ở Hoàng Sa, Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép của dân tộc tôi.

Những bước đi phát triển biển đảo

Có thể cách nghĩ của tôi sẽ có người nói là viển vông, cho là tôi đang mơ một giấc mơ xa vời. Nhưng tôi tin đất nước tôi – một dân tộc anh hùng – sẽ làm được những điều đó. Hai mươi năm tới, đất nước tôi chắc chắn sẽ là một quốc gia thật sự mạnh về biển và giàu lên từ biển.

Từ nay đến đó (tức vào năm 2035) là thời gian đủ để đất nước tôi hiện thực hóa những gì tôi kỳ vọng, điều mà có lẽ cả dân tộc tôi cũng trông chờ như tôi. Nhưng nếu chỉ kỳ vọng như tôi mà không tiến hành ngay những bước đi cụ thể trong vấn đề phát triển biển đảo để kỳ vọng ấy trở thành hiện thực thì sẽ khó mà thành công.

Trước tiên là chuyện về nghề biển của ngư dân, phải làm sao để bà con ngư dân mình sớm thay đổi được phương tiện đánh bắt hải sản từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép nhằm đảm bảo sự an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác hải sản. Mừng là hiện nay Nhà nước đã áp dụng rất nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân phát triển nghề biển, gần nhất là nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản khi hỗ trợ để ngư dân vay vốn cải hoán, đóng tàu (cả đóng tàu vỏ thép).

Việc hỗ trợ này sẽ phải ưu tiên tối đa cho ngư dân để ngư dân có điều kiện làm kinh tế và nhanh chóng giàu lên từ biển. Đi kèm với đó là cũng phải đầu tư mạnh cho dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp ngư dân không phải chịu cảnh bị thương lái ép giá do đầu ra cho sản lượng hải sản đánh bắt của ngư dân không ổn định.

Thứ hai là Nhà nước phải tiếp tục khuyến khích, có chính sách hỗ trợ đặc biệt để người dân tự nguyện ra các hòn đảo thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều. Nhà nước cũng phải khẩn trương đầu tư các phương tiện vận tải hàng hoá nối giữa các đảo và từ đất liền ra đảo để thu hẹp khoảng cách giữa đất liền với các đảo.

Có sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven bờ, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngay từ bây giờ nên tính toán đến việc mở tuyến du lịch ra Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ ba, cùng với phát triển kinh tế biển thì phải lo đến việc bảo vệ môi trường biển, trong đó việc bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ vùng đới bờ phải được coi là việc làm then chốt. Có như vậy việc phát triển kinh tế biển của ta mới thật sự bền vững, hiệu quả và có tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài.

Thứ tư là tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho việc tối quan trọng là củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, đủ tiềm lực giữ vững chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông.

Một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là tiếp tục đấu tranh bằng con đường ngoại giao hoà bình để phía Trung Quốc trả lại các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Công lý, sự thật và lẽ phải luôn thuộc về chúng ta.

Còn rất nhiều thứ khác mà Việt Nam phải làm để đưa đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển. Hai mươi năm nữa, tôi tròn 50 tuổi. Tôi kỳ vọng biển đảo của đất nước tôi sẽ toả sáng, trở thành tâm điểm chú ý, ngưỡng mộ, học hỏi của các quốc gia khác. Điều ấy sẽ không xa!

Bài dự thi cần thể hiện đủ hai nội dung: kỳ vọng và giải pháp

Ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được bài viết của các tác giả: Nguyễn Thiện,  Trần Văn Tám (hai bài), Trần Văn Tường,  Huỳnh Công Phúc,  Nguyễn Văn Cúc, Lý Trần A Khương (bài thứ hai), Dương Quang Đạt, Thái Hoàng,  Nguyễn Đình Quốc, Võ Văn Mẫm, Châu Bá Luân, Nguyễn Thị Ngọc Hà,  Hữu Chơn,  Lê Long Đỉnh, Nguyễn Đước, Phạm Nguyễn (TP.HCM), Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương), Nguyễn Xuân Định (Đồng Nai), Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Triệu Ngọc Diệp (Trà Vinh), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Nguyễn Quốc Vỹ (Bình Định), Võ Minh Huy (Quảng Ngãi), Đặng Thị Hương…

Có tác giả gửi bài tham gia cuộc thi chỉ viết về kỳ vọng và thiếu phần giải pháp. Xin được nhắc lại thể lệ: Bài dự thi viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, cần thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác hoạ bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). 

Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng VN 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. (một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

 Chi tiết cuộc thi vui lòng xem thêm tại đây.

TOÀ SOẠN

VÕ MINH HUY (30 tuổi)