20 năm tới VN sẽ không còn nỗi lo bệnh tật?
Nếu Thái Lan có ngành công nghiệp du lịch thì tại sao ta không nghĩ tới ngành công nghiệp y tế cho Việt Nam, thu hút bệnh nhân từ các nước trong vùng và trong khu vực?
20 năm tới VN sẽ không còn nỗi lo bệnh tật?
Nếu Thái Lan có ngành công nghiệp du lịch thì tại sao ta không nghĩ tới ngành công nghiệp y tế cho Việt Nam, thu hút bệnh nhân từ các nước trong vùng và trong khu vực?
Một ca phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. 20 năm nữa nền y học Việt Nam sẽ có nhiều thành tựu hơn – Ảnh: Hữu Khoa |
Là sinh viên y khoa, tôi không mong gì hơn là nền y tế nước nhà ngày càng phát triển, không chỉ về trình độ, chuyên môn, tính hiện đại… mà cả về sự thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân.
Bệnh tật – nỗi lo lớn
Tám năm trước, anh họ tôi qua đời vì chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông ở tuổi 24. Sự yếu kém và thiếu thốn nhiều mặt của một bệnh viện tuyến tỉnh không thể giành lấy sự sống cho chàng trai trẻ. Ngay ở bệnh viện tuyến cao nhất tôi cũng chứng kiến cảnh một bác bệnh nhân “chấp nhận ra về” khi bệnh viện thông báo số tiền cần có cho quá trình điều trị. Số tiền có thể không quá lớn với ai đó nhưng lại là “vô phương tìm kiếm” với bác nông dân nghèo mang căn bệnh nan y.
Thực tế qua ngày tháng thực tập, tôi chứng kiến và chiêm nghiệm được nỗi khó khăn của các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Có không ít trường hợp bệnh nhân “xin về” chỉ vì nghèo khó. Bác tôi bảo ở Canada y tế miễn phí toàn bộ, giàu hay nghèo đều được chữa trị như nhau. Tôi hiểu so sánh với một đất nước giàu có là khập khiễng, nhưng chẳng lẽ mình không có quyền mong ước hay ít nhất xem đó như mục tiêu phát triển, với tôi, đó còn là kỳ vọng. Tôi kỳ vọng 20 năm tới y tế Việt Nam sẽ đứng đầu các nước trong khu vực về trình độ chuyên môn, về tính chuyên nghiệp, chỉ số hài lòng… cũng như bệnh tật sẽ không còn là nỗi lo của mọi người dân Việt, ít nhất là về mặt tài chính.
Đầu tư cho nhân lực y tế, chính sách an sinh
Nếu cái chết của anh tôi nghiêng về sự yếu kém trình độ, chuyên môn, phương tiện kỹ thuật… thì sự “ra về” của bác nông dân lại mang dáng dấp của câu chuyện an sinh xã hội. Xem ra để đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, để bảo hiểm y tế đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả cũng như sự kỳ vọng của tôi trở thành hiện thực là điều không dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn đổi mới tư duy, chiến lược, phải thật sự xem an sinh xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc thẩm định sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cũng như cần nhiều hơn nữa những giải pháp mang tính đột phá.
Với tôi, giải pháp đầu tiên là về con người. Không thể có nền y tế phát triển mà thiếu những con người tài năng, nhiệt huyết. Có lẽ ngay từ bây giờ Nhà nước nên mạnh dạn đầu tư chất xám cho ngành y bằng chính đồng vốn ngân sách chứ không thể chờ các nguồn hỗ trợ. Hãy đưa người đến với các nước có nền y học tiên tiến nhất để học hỏi các phương pháp, kỹ thuật hiện đại, cả phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả và thân thiện. Đừng ngần ngại sự “rơi rớt” mà hãy đặt hết niềm tin vào những người đi học, nhất là với người trẻ. Chính niềm tin của chúng ta sẽ kết chặt họ cùng quê hương, đất nước. Điều quan trọng không kém là việc chọn lựa con người phải dựa trên trình độ, kỹ năng, nhân cách… chứ không phải là cái “lý lịch đẹp” hay một điều gì khác.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế cần dựa trên các nguồn thu từ hệ thống dịch vụ khám và điều trị theo yêu cầu, các phòng khám, bệnh viện tư. Cần hướng tới bảo hiểm y tế chất lượng cao theo kiểu tự thân ngành y nuôi lấy ngành y, dành hết nguồn thu từ y tế cả công lẫn tư cho công tác chăm lo sức khỏe người dân, cải tiến chính sách an sinh xã hội thật thông thoáng, hiệu quả.
Từ một đất nước thiếu ăn, chúng ta trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, vậy có viển vông chăng khi một nước thoát nghèo mơ thành cường quốc y tế? Có lẽ là không, vì chúng ta có rất nhiều con người tài năng, nhiều thầy thuốc trẻ lành nghề, đam mê, nhiệt huyết, cũng như người Việt ta vốn khéo léo, cần cù, ham học hỏi… Tất nhiên đó chỉ là yếu tố “cần”, còn muốn “đủ” thì đòi hỏi phải có sự cộng hưởng, chuyển mình của toàn xã hội như: cải tiến thủ tục hành chính, có chính sách đặc biệt ưu đãi người có tài, có trình độ, tinh thần cầu tiến; cải tiến pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, chữa trị; có chính sách ưu đãi đầu tư các cơ sở y tế tư nhân của người Việt cũng như người nước ngoài, lành mạnh hoá công tác nhân sự theo hướng chú trọng trình độ, tài năng, nhân cách…