28/11/2024

Những cuộc đời “4 không”

Có 327 người (cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em) đang ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) được gọi là những cuộc đời “4 không”.

Những cuộc đời “4 không”

 

Có 327 người (cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em) đang ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) được gọi là những cuộc đời “4 không”. 


 

Những cuộc đời
Những cuộc đời “4 không” đang phơi nắng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 – Ảnh: Tâm Lụa

Đó cũng là tiêu chí để 215 người khác được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Tại khu người già nữ của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, chúng tôi nhìn thấy bà Nguyễn Thị Dược (93 tuổi) đang ngồi nói lẩm bẩm một mình.

Chồng và con trai bà Dược lần lượt qua đời lúc bà mới 25 tuổi. Hồi trẻ làm công nhân cho các nhà máy, về già không nơi nương tựa, bà Dược được đưa vào trung tâm này.

Trẻ em được đưa vào đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị mất nguồn nuôi dưỡng. Khi các em mới vào, chúng tôi không phân biệt trẻ lang thang, trẻ mồ côi hay trẻ có bố mẹ đi tù… vì sợ các em mặc cảm.

Người lớn được đưa vào đây thì 100 là người lang thang được các đội trật tự xã hội đưa về rồi chuyển cho các trung tâm bảo trợ xã hội. Không có môi trường nào tốt bằng gia đình, bần cùng lắm họ mới phải vào đây

Ông NGUYỄN VĂN BẰNG (giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4)

Định mệnh “4 không”

Hằng ngày bà đều ngồi nói chuyện một mình, lầm rầm không ai nghe rõ. Nhân viên trung tâm hỏi bà nói gì, bà bảo nói chuyện với chồng con.

“Ông ấy nói chiều nay sẽ đến đón tôi về nhà” – bà bảo vậy rồi một mình ngồi gói ghém quần áo, chăn màn để chuẩn bị ra về.

5g chiều, bà xách các túi đồ, bước chân lẫm chẫm đi ra phía cổng trung tâm. Dường như đã quá quen với cảnh ấy nên nhân viên bảo vệ khoá cổng và bảo với bà: “Không ai đón bà đâu”. Vậy là bà Dược lại lủi thủi xách đồ trở 
về phòng.

Nhìn cảnh ấy, bà Nguyễn Thị Khanh (76 tuổi, người ở cùng phòng với bà Dược) lắc đầu bảo: “Chiều nào bà ấy cũng gói ghém đồ đạc vậy hết, lục tục cả buổi đến khi không ai mở cổng cho thì lại trở vào. Tuổi già cô đơn khổ quá ”.

Bà Khanh là thương binh 2/4, được Nhà nước cấp cho một căn nhà tình thương rộng 16m2 ở Q.Hai Bà Trưng, nhưng vì nhà quá chật bà đành nhường cho con gái và các cháu ở rồi làm đơn xin vào trung tâm này tá túc.

“Vì tương lai con cháu, tôi có thể hi sinh tất cả chứ kể gì chuyện nhường nhà. Được về với con cháu vẫn thích hơn ở trong này nhưng không có điều kiện thì đành phải chịu” – bà Khanh nói.

Giống như bà Dược, bà Khanh, 111 cụ già đang tá túc tại trung tâm này là 111 mảnh đời, 111 câu chuyện khác nhau.

Trừ các cụ vào đây ở theo diện tự nguyện đóng tiền, các cụ còn lại đều được xếp vào đối tượng “cô đơn đặc biệt” với tiêu chí “4 không”: không nhà cửa, không chồng, không con, không nơi nương tựa.

Các cụ được đưa vào trung tâm để Nhà nước chăm sóc. 12 năm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, bà Nguyễn Thị Quảng (90 tuổi) bảo không thể kể hết bao nhiêu phận đời bà đã gặp.

“Năm ngoái có người bị con gái thuê xe đưa vào đây mà cứ khóc tu tu đòi con đưa về. Bà bảo bị con lừa, nói dối chở mẹ đi họp nhưng lại đưa thẳng vào đây. Có người có nhà mặt tiền ngay trung tâm thành phố, nhưng bị con chiếm nhà rồi đưa mẹ vào đây ở.

Có người lấy lý do bận đi làm, bố mẹ ở nhà không ai chăm sóc nên gửi vào trung tâm nhưng mấy tháng không ghé thăm lấy một lần, đến lúc mẹ mất rồi mới vội vàng vào đưa xác về làm đám tang. Tội nghiệp các cụ, mới vào cứ khóc lóc đòi về nhà. 
Như tôi không có người thân để mong ngóng, hoá ra lại hay…” – bà Quảng nói.

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình nhưng vì đói ăn, bà Quảng dạt lên Hà Nội kiếm sống nuôi các em. Các em lần lượt lập gia đình, bà vẫn ở vậy. Bà sống lang thang ở Hà Nội, dựng nhà lá sống tạm bợ nhưng cứ mưa lớn thì nhà lại bị cuốn trôi.

12 năm trước, bà Quảng được đưa vào đây và ở cùng phòng với bà Nguyễn Thị Ngọc (76 tuổi). Tuổi già không nơi nương tựa nên gặp nhau ở trung tâm, họ coi nhau như chị em ruột.

Hôm nào đến giờ ăn, bà Quảng cũng lo cho bà Ngọc ăn xong, đi ngủ trưa rồi mới tới lượt mình.

Vừa dỗ bà Ngọc ăn, bà Quảng vừa động viên: “Ngọc ăn giỏi quá, Ngọc ăn thích quá ”. Thấy có khách đến, bà Ngọc ngừng ăn, nở nụ cười hồn nhiên như trẻ nhỏ.

Đôi tay bà đeo nhẫn màu xanh, móng tay sơn màu hồng cánh sen rực rỡ dưới nắng trưa. Bà Quảng bảo khi được các sinh viên tình nguyện sơn móng tay, bà Ngọc vui mừng líu ríu cả tuần lễ.

“Muốn về lắm mà đâu có được. Ở đây buồn lắm, chán lắm nhưng chúng nó đâu có chịu đón về” – bà Tâm, một cụ già ở trung tâm, nói như vậy. Mỗi chiều, bà Tâm hay cùng các cụ khác ngồi trước hành lang phòng mình.

Ngày nào cũng vậy, họ ngồi lặng im ngắm nắng chiều, đếm chim trên cành cây. Các cụ thuộc lòng mấy giờ thì nắng lên tới đâu trên bậc thềm, biết con chim nào hay đậu cây nào trước sân của trung tâm…

Mỗi khi có cụ già nào được đưa vào trung tâm mà lại khóc, bỏ ăn uống thì bà Nguyễn Thị Quảng là người được nhân viên nhờ đến động viên. Bà Quảng thường bảo với các cụ rằng bà còn sướng chán so với khối người.

“Sướng thì không ai định nghĩa được, nhưng khổ thì mỗi người một nỗi khổ khác nhau. Ở đây ai cũng có nỗi khổ riêng nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Mỗi dịp cuối năm đều được các đoàn tặng bánh chưng.

Thỉnh thoảng lại được các tổ chức từ thiện đưa ra ngoài đi chơi. Mình ở đây chịu ơn Nhà nước. Nhà nước cho có chỗ ăn chỗ ở, được các nhân viên chăm sóc tận tình, vậy là may mắn lắm rồi” – bà Quảng cười nhẹ nhõm bảo vậy.

Và những kẻ “lang thang chuyên nghiệp”

“Con hời, con hỡi Hãy nín, nín đi con Hãy ngủ, ngủ đi con …”. Những câu hát ru ngọng nghịu, nghe không rõ lời cất lên từ khu nhà cấp 4 dành cho nữ. Lời ru ấy chúng tôi nghe được là do chị Lê Thị Thu Hiền (chị nuôi của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3) phiên dịch lại.

Và tác giả của lời ru đó là NgôThị Hà (27 tuổi) đang vừa hát ru vừa vụng về ôm đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Nhìn đứa trẻ mới 15 ngày tuổi nằm quẫy trên tay mẹ, chị Hiền bảo Hà sao không mang tất cho con.

Nghe bảo vậy, Hà lê đôi chân tập tễnh đi tìm đồ. Bàn tay Hà còng kheo, lồng mãi mới được đôi tất vào tay con.

Hà mồ côi bố mẹ từ nhỏ, tay chân bị tật, lại nói ngọng. Bị hai em ruột hắt hủi, Hà bỏ quê nhà Vị Xuyên, Hà Giang đến Hà Nội tìm việc làm.

Chị Hiền kể khi được người quen đưa về trung tâm thì Hà đã mang bầu tháng thứ 8, nhưng không có nổi hai bộ đồ để mặc. Gặng hỏi mãi, Hà mới kể vì sợ cô quạnh nên đã xin người ta cho đứa con để nuôi.

Ngày Hà vượt cạn, một mình chị Hiền tất tả ở bệnh viện lo từ đầu đến cuối. Khi hai mẹ con được về, chị Hiền đã báo cáo trung tâm xin cho Hà hai bộ quần áo dài tay để kiêng gió.

Mỗi người cùng phòng thay nhau giặt tã lót, nhường phần ăn của mình để Hà có thêm sữa cho con bú. Thỉnh thoảng chị Hiền lại đi chợ mua lá để Hà xông hơ.

“Nếu không được đưa vào đây thì có lẽ mẹ con em không sống nổi” – Hà bảo vậy rồi lại cất tiếng hát ru ngọng nghịu khi chúng tôi rời đi.

Buổi sáng ở trung tâm, người quét sân, người ngồi phơi nắng. Khung cảnh ấy thanh bình nhưng các phận người ở đó đều đã trải qua những tháng ngày chìm nổi.

Họ đều là những người “lang thang chuyên nghiệp”, chuyên nhặt ăn ở xó chợ, góc phố, vườn hoa, bị “rối nhiễu tâm trí” và được Sở Lao động – thương binh xã hội TP Hà Nội phân về đây.

327 đối tượng ở đây là 327 phận đời mà ông Nguyễn Văn Bằng, giám đốc trung tâm, có thể kể rành mạch từng câu chuyện một. Có cô bé mới 15 tuổi sinh con được đưa vào đây vì không gia đình, không người thân thích.

Hai đứa bé người dân tộc thiểu số, 13 tuổi vẫn không nhớ nổi họ của mình. Vì nhà nghèo quá không đủ cơm ăn, các em phải dạt xuống Hà Nội.

Chỉ tiêu cho ba bữa ăn mỗi ngày chỉ được 23.000 đồng nhưng cả hai đều bảo: “ở đây sướng hơn ở nhà vì ăn cơm có thịt”.

Ông Bằng kể có em 7 tuổi vào đây mới được đi khai sinh lần đầu. Dịp lễ, tết, số người được người thân vào thăm hay đến đón về chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Khi Bao giờ về nhà?

Chúng tôi đến “lớp trẻ bé” của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 vào đầu giờ chiều, khi các em vừa ngủ trưa dậy.

Những em bé nhất mới 2 tuổi cũng biết cùng các anh chị lớn hơn gấp chăn gối cất vào tủ. Khác với những đứa trẻ khác khi thấy người lạ thường e dè, những đứa trẻ ở đây sau khi đồng thanh cất tiếng chào khách thì ùa ngay vào lòng người lạ, níu tay níu chân họ và nhõng nhẽo đòi bế.

Nhìn cảnh ấy, bà Nguyễn Thị Thoa (mẹ nuôi của các bé) bảo: “Các bé ở đây thiếu thốn tình cảm nên hễ thấy ai đến chơi cùng thì quấn quýt không rời”.

Ở “lớp trẻ bé”, tôi ngạc nhiên khi nghe các em gọi bà Thoa là mẹ. Tiếng “mẹ ơi, mẹ ơi” của những đứa trẻ kém may mắn nghe da diết đến nhói lòng. Nội quy của trung tâm là tất cả nhân viên phải xưng “bố, mẹ” với trẻ.

Đó là cách để xóa đi khoảng cách và tạo sự gần gũi với các em thiếu thốn tình cảm gia đình. Ngồi bên cạnh, bé Bảo Anh (5 tuổi) mách với bà Thoa: “Mẹ ơi hôm trước chị Bảo Ngân nhớ mẹ nên khóc, chị Ngân hư”.

Bảo Ngân mới 8 tuổi, nhưng hai chị em được bố đưa vào trung tâm sau khi mẹ đi tù. Ngân nói với tôi bằng giọng ngây thơ: “Bố đưa con vào đây, bố nói mẹ đi hai năm rồi sẽ vào đón con về”.

Bé Như Yến được đưa vào trung tâm từ năm 3 tuổi. Năm nay Yến học lớp 7 nhưng các mẹ bảo từ ngày được đưa vào đây, chưa hề có ai vào thăm Yến.

Ngày lễ, các bạn khác được người thân đón về còn Yến ở lại trung tâm, lủi thủi chơi với chiếc đàn nhựa có bảy nốt nhạc.

Đôi khi ký ức của một đứa trẻ về người thân chỉ đơn giản là: “Ông nội dẫn con ra bờ hồ rồi bỏ đó mà đi mất” hoặc với đứa khác là:

”Khi gặp công an, mẹ con nói rằng chúng mày không được bắt tao nếu không tao sẽ ném hai chị em nó xuống cống” (mẹ chúng bán ma tuý). Khi mẹ vào tù thì cả hai chị em được đưa vào đây…

Cô bé Châu Anh (6 tuổi, có mái tóc ngắn, đôi mắt to tròn) nói với chúng tôi rằng bốn năm nữa con sẽ được về nhà.

Tại sao lại là bốn năm nữa? “Vì mẹ con bảo sau năm năm sẽ về đón con, mà con vào đây được một năm rồi nên chỉ còn bốn năm nữa thôi”.

Thật khó có thể tin một đứa trẻ 6 tuổi lại có thể đếm rõ ràng từng ngày tháng để được về với người thân như vậy.

 

TÂM LỤA