Nhà nước cần hướng dẫn trồng cây gì, con gì
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua chung quanh bức xúc của dư luận về vấn tiêu thụ một số mặt hàng nông, thủy sản từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) đã nói rõ như vậy. Ông nhìn nhận:
Nhà nước cần hướng dẫn trồng cây gì, con gì
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua chung quanh bức xúc của dư luận về vấn tiêu thụ một số mặt hàng nông, thủy sản từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) đã nói rõ như vậy. Ông nhìn nhận:
Trước hết phải đi từ khâu sản xuất. Cơ quan nhà nước phải có hướng dẫn, anh trồng cây gì, con gì để anh tiêu thụ được, kể cả trong nước chứ không chỉ có xuất khẩu, sau đó mới đến tiêu thụ. Bộ Công thương cũng đã làm nhiều biện pháp trong thời gian vừa qua.
“Tuy nhiên, rõ ràng trong thời gian vừa qua tiêu thụ sản phẩm còn khá nhiều vấn đề. Vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp, hợp tác đồng bộ chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, về hướng dẫn người nông dân, tìm kiếm thị trường. Chúng ta không thể trách người nông dân được, bởi vì người nông dân vốn dĩ phải vì cuộc sống của người ta bươn chải, thấy cái gì có lợi theo chủ quan của người ta thì người ta làm. Có trách là trách các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm. Mỗi một người, mỗi một cơ quan, mỗi một đơn vị cần xem xét xem mình đã làm cái gì, tham mưu cho Chính phủ, cho nhà nước thế nào, hướng dẫn cho người dân ra làm sao để càng ngày các biện pháp tham mưu của mình càng có hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng rất mong người nông dân cần chủ động hơn, coi trọng những hướng dẫn, tư vấn của các cơ quan quản lý nhà nước, đừng quá chạy theo mong muốn chủ quan của mình, có khi là sẽ không thành công”, ông nói.
* Thực tế, việc tồn ứ lớn một số mặt hàng nông sản không phải năm nay mà có dấu hiệu từ nhiều năm trước cho thấy tình trạng sản xuất vượt mức quy hoạch, vượt xa nhu cầu. Theo Bộ trưởng, phải có giải pháp cơ bản cho tình trạng này thế nào?
– Đúng là tình trạng này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại từ nhiều năm nay. Ví dụ tình trạng ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc hay một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng với các sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đã có quy hoạch hay có kế hoạch dài hạn thì không xảy ra tình trạng này. Chẳng hạn như lúa, chúng ta hiện đang duy trì chỉ tiêu diện tích trồng lúa ở mức 3,8 triệu ha/năm, như vậy sản lượng lúa của chúng ta không có chuyện tăng đột biến mà nếu có tăng thì cũng tăng từ từ, vì thế chúng ta tương đối chủ động trong vấn đề tính toán giữa cung cầu và tìm kiếm thị trường. Tương tự là mặt hàng cà phê, gần như không có tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu tiêu thụ… trừ khi năm đó cả thế giới được mùa thì tiêu thụ có thể khó hơn chút ít.
Quay trở lại, vừa rồi tình trạng ách tắc hàng nông sản tại một số cửa khẩu xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc có gì rất lỏng lẻo. Về dưa hấu, theo tôi được biết hiện chưa có quy hoạch diện tích trồng dưa hấu trên cả nước là bao nhiêu. Mặt khác dưa hấu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên khá nhiều địa phương người dân tận dụng mùa vụ giữa 2 mùa lúa để tranh thủ trồng dưa hấu tăng thu nhập. Việc tự phát này không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán đưa vào quy hoạch được, vì thế dẫn đến sản lượng dưa hấu tăng đột biết trong khi, cơ sở hạ tầng cả VN và phía Trung Quốc ở một số thời điểm cũng không giải quyết hết được nên dẫn đến tồn ứ phương tiện, hàng hoá vận chuyển.
Bộ chúng tôi đã cùng Bộ NN-PTNT có khuyến cáo đối với các địa phương trồng nhiều dưa hấu, nhất là các tỉnh miền Trung, đề nghị khi đưa dưa hấu lên biên giới cần liên hệ với Lạng Sơn và các cơ quan liên quan để làm sao có giải pháp điều tiết, thời gian thông quan, không bị ách tắc ở khu vực thông quan. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng biết được thông tin đó. Thiệt hại chính khi nông sản ùn ứ tại cửa khẩu thương lái phải chịu, nhưng khi thương lái không tiêu thụ được thì quay lại ép giá bà con nông dân, cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt. Đấy là một bài học kinh nghiệm.
* Sắp tới, lại đến mùa vụ một số sản phẩm như vải thiều, dự kiến cũng có sản lượng khá cao, Bộ có cách xử lý thế nào để đảm bảo tiêu thụ hết hàng hoá cho người dân?
– Tôi nghĩ rằng với vấn đề này chỉ có một cách: đầu tiên chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân; phải vận động kết nối giữa người nông dân với thương lái, với các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… Vì chúng ta vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính, nếu tiêu thụ trong nước tốt thì chắc chắn không xảy ra vấn đề này. Về vấn đề thông quan, cần làm tốt hơn, chúng tôi đã bàn với một số địa phương mở rộng và xây dựng thêm khu tập kết chờ thông quan hàng hoá để trong trường hợp hàng hoá quá nhiều không thông quan kịp thì có chỗ chứa, bảo quản và chọn lọc hàng hoá, hiện chúng tôi đang triển khai điều này.
Mạnh Quân
(thực hiện)