11/01/2025

Một Việt Nam ngời sáng và thanh bình

Đó là phác thảo hình ảnh đất nước Việt Nam 20 năm tới của một học sinh 16 tuổi ở TP.HCM với giải pháp là cần thay đổi mạnh mẽ nền giáo dục nước nhà.

 

Kỳ vọng 20 năm tới: Một Việt Nam ngời sáng và thanh bình

 

 Đó là phác thảo hình ảnh đất nước Việt Nam 20 năm tới của một học sinh 16 tuổi ở TP.HCM với giải pháp là cần thay đổi mạnh mẽ nền giáo dục nước nhà. 



Chúng tôi giới thiệu bài dự thi cùng bạn đọc.

 

 

 

 

Sông Sài Gòn sẽ được quy hoạch hợp lý để tăng thêm vẻ đẹp của TP.HCM - Ảnh tư liệu
Sông Sài Gòn sẽ được quy hoạch hợp lý để tăng thêm vẻ đẹp của TP.HCM – Ảnh tư liệu

Hai mươi năm nữa thôi, quãng thời gian không quá dài cũng không quá ngắn để đưa đất nước phát triển vượt bậc với những thành tựu cách mạng khoa học – kỹ thuật mà con người Việt Nam làm chủ. Hai mươi năm sau, trên khắp ba miền là hàng trăm tòa nhà cao tầng, thậm chí chọc trời.

Cùng với đó là sự xuất hiện của những khu đô thị xanh mát được quy hoạch ngăn nắp, những con đường phẳng tắp trải dài như vô tận, không còn “ổ gà”, “ổ voi”. Sáng sớm bước ra là bầu không khí trong lành, dịu nhẹ với tiếng chim hót nức lòng và hàng cây bên dòng sông xanh xào xạc.

Tôi lắng lòng khi tưởng tượng nên hình hài đất nước 20 năm sau, phát triển nhanh, xinh đẹp và thanh bình. Người dân ý thức hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn, thân thiện hơn và sống đúng với luật pháp, với những lý tưởng của Đảng để thắp nên những hoài bão cho riêng mình là dựng xây một Việt Nam đáng sống, rực rỡ và danh tiếng vang dội năm châu.

Thiết nghĩ vấn đề cấp bách hơn hết để phát triển Việt Nam trong 20 năm chính là xây dựng nền giáo dục vững mạnh – là cái nôi để đào tạo người tài cho đất nước.

Đứng ở góc nhìn của một học sinh – có thể với những suy nghĩ còn chưa chín chắn – nhưng tôi nghĩ rằng giáo dục cần phải thay đổi dung lượng kiến thức trong sách giáo khoa, tránh tình trạng “học nhiều tiếp thu không bao nhiêu” từ đó sinh ra chuyện học đối phó.

Thực trạng ngày nay học để đối phó chiếm tỉ lệ quá lớn trong nhà trường, nhất là ở các lớp từ 6-12, khiến một phần thế hệ mai sau sẽ mang một lỗ hổng kiến thức to lớn vào đời. Có thể chúng ta không đi theo các nước trên thế giới với việc có nhiều bộ sách dạy học, nhưng chúng ta nên thay đổi chương trình giảng dạy sao cho thu hút hơn, tác động tích cực với tư duy người học hơn.

Tôi không phủ nhận tất cả mọi cố gắng của lãnh đạo Bộ Giáo dục – đào tạo và các thầy cô nhưng chúng ta cần siết chặt quản lý cũng như có những biện pháp thực tiễn hơn nữa để cải cách tốt hơn vấn nạn đấy. Không chỉ riêng ở sách giáo khoa mà còn là việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Một khi giáo dục thay đổi, ta sẽ có được nhiều thành tựu nhất định và chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thế giới về trình độ phát triển của ngành khoa học nói chung và giáo dục nói riêng.

Giáo dục phát triển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật với máy móc hiện đại mà con người Việt Nam sáng chế. Bên cạnh đó là việc tăng thu hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, hàng không, thủy bộ và các ngành như y tế, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường…

Chú trọng vào giáo dục là chú trọng vào việc rèn luyện con người. Xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, đạo đức và tri thức là hành trang đầu đời mà mỗi con người ai cũng cần phải có.

Nhà trường nên lưu tâm hơn đến việc rèn luyện nhân cách học sinh qua từng bài giảng và đừng để học sinh có những suy nghĩ lệch lạc về các tiết học đạo đức, lịch sử. Họ phải luôn khắc ghi trong chính tâm hồn mình nơi họ đã sinh ra và lớn lên, nơi mà nhân cách được mài giũa hằng ngày bởi sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ, thầy cô đã hết lòng tận tuỵ.

80 tuổi cũng tham gia cuộc thi

Trong hai ngày 19 và 20-5, cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được thêm bài viết của các tác giả: Nguyễn Phùng Xuân Anh, Nguyễn Văn Trực, Tôn Thất Thọ, Đỗ Thị Huỳnh Hoa, Trần Mỹ Ngọc, Trần Thị Thùy Vy, Lê Minh Tiến, Lê Quang Kiệt (TP.HCM), Trần Đình Thư (Vũng Tàu), ThS Trịnh Quang Minh (Cần Thơ- gửi thêm hai bài dự thi), Nguyễn Quốc Đạt (Tiền Giang), Lê Ngọc Tân (Phú Yên), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng). Trong đó tác giả Trần Đình Thư, 80 tuổi, viết rằng 20 năm nữa ông đúng 100 tuổi, nếu còn sống là vinh dự được chứng kiến điều mình mơ ước: 20 năm nữa nước ta và dân ta đã được thụ hưởng một nền công nghiệp hiện đại.

Ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) kính mời bạn đọc từ 15 tuổi trở lên tham gia cuộc thi.

Bài dự thi viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, phải thể hiện hai nội dung:

– Những kỳ vọng hoặc phác hoạ  bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ).

– Nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: báo Tuổi Trẻ – 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng VN 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. (một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

(Chi tiết cuộc thi vui lòng xem thêm trên http://tuoitre.vn).

TOÀ SOẠN

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG (viện trưởng Viện Kinh tế quản lý T.Ư):

Nghĩ khác để đóng góp cho quê hương

Cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” như một cuộc khảo sát mở lắng nghe ý kiến, quan niệm, suy nghĩ nhìn nhận của người dân, đặc biệt là lớp trẻ về thực trạng kinh tế, xã hội VN hiện nay. Bên cạnh đó là giải pháp có thể áp dụng để giải quyết nhằm đạt được khát vọng của từng con người, mỗi công dân về sự phát triển của VN trong 20 năm tới.

Vì vậy hãy đưa ra các ý kiến một cách chân thực nhất, xuất phát từ hiện thực va chạm trong cuộc sống của mỗi người. Tôi nhấn mạnh đây là một cuộc thi tìm kiếm những ý kiến chân thực, những suy nghĩ xuất phát từ hiện tại, đó là những suy nghĩ chân thành của những công dân bình thường, đặc biệt của giới trẻ. Vì vậy các bài dự thi không chỉ là ước mơ, không đơn thuần là ý muốn.

Tôi cũng rất khuyến khích bài viết có những suy nghĩ khác biệt, tìm kiếm những cách thức, giải pháp khác biệt so với thực trạng hiện nay, thậm chí có cách nhìn phê phán mang tính xây dựng.

Các chủ đề viết xuất phát từ những vấn đề thực tiễn, có thể câu chuyện của một địa phương, một làng quê, một xóm nhỏ… cho đến hình ảnh một quốc gia.

Từ vấn đề của một ngành nghề, một sản phẩm… đến một dịch vụ nào đó, hiện tại chúng như thế nào? Và mình sẽ xử lý ra sao trong tương lai, cách thức thực hiện trong 20 năm tới là gì?

Chẳng hạn về ngành du lịch VN, 20 năm nữa một ngành có nhiều thế mạnh của VN sẽ phát triển theo mô hình nào? Chất lượng ra sao? Hay một sản phẩm đầy tự hào của VN là lúa gạo sau 20 năm trong hình dung của bạn là gì?…

Hãy định vị những chủ thể đó trong không gian, thời gian theo cách xử lý, cách nhìn khác biệt của cá nhân. Hay so sánh với tương quan xung quanh như nói về địa phương này thì so sánh với địa phương khác, khu vực này với khu vực khác…

Hay giả định một thành phố lý tưởng mà mình hình dung, lấy thước đo so với thành phố hiện tại. Một khi nhấn mạnh sự khác biệt đó, cuộc thi sẽ tìm kiếm được sự đa dạng vì mỗi người, mỗi độ tuổi sẽ có cách nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề, lĩnh vực, ngành nghề.

N.BÌNH ghi

 

A KHƯƠNG (16 tuổi, TP.HCM)