11/01/2025

Công quyền thân thiện

Cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được 12 bài viết tham gia. Chúng tôi giới thiệu bài dự thi đầu tiên…

 

Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Công quyền thân thiện

 

Cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận được 12 bài viết tham gia. Chúng tôi giới thiệu bài dự thi đầu tiên…




 

 

Người dân đến làm việc tại văn phòng một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng được chỉ dẫn tận tình nhanh gọn. Trong ảnh: làm thủ tục tại Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng - Ảnh: Phan Thành
Người dân đến làm việc tại văn phòng một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng được chỉ dẫn tận tình nhanh gọn. Trong ảnh: làm thủ tục tại Sở Kế hoạch – đầu tư Đà Nẵng – Ảnh: Phan Thành

Chúng tôi giới thiệu bài dự thi đầu tiên với mong ước của tác giả về đổi thay ở các cơ quan công quyền để tạo thoải mái cho người dân.

Trong 20 năm nữa, tôi kỳ vọng phải làm sao cho người dân thật sự thoải mái nhất khi đến cơ quan nhà nước. Nơi đó luôn có nụ cười, sự nhiệt tình của từng công chức và viên chức.

Trụ sở công quyền khi ấy luôn có hoa tươi, sạch sẽ, nước mát cho dân uống và khi dân chờ. Từng công nhân viên chức phải thể hiện mình là “đầy tớ của dân”. Họ giải thích rõ ràng, minh bạch, nhã nhặn, yêu cầu giấy tờ gì thì ghi ra giấy cho dân.

Họ biết xin lỗi khi làm chậm hồ sơ của dân, biết cảm ơn khi người dân góp ý, biết chạy đi ký giấy tờ khi dân đang vội, biết bố trí nơi gửi xe thuận tiện nhất khi dân đến, biết từ chối khi dân bồi dưỡng tiền công giữ xe…

Khi dân không đồng ý với cách giải quyết của cấp dưới, lãnh đạo địa phương đang trực luôn rộng cửa tiếp đón dân với tấm bảng bên ngoài: “Cứ vào, không cần gõ cửa”. Để rồi người dân hớn hở bước về nhà với nụ cười tươi tắn trên môi, trong mâm cơm chiều họ kể với gia đình về vị cán bộ lịch thiệp lúc sáng.

Hiện nay nhiều người dân khi có việc tới trụ sở cơ quan công quyền như đi sao y, chứng thực giấy tờ hoặc tìm hiểu thủ tục làm sổ hồng, hộ khẩu… thường lo lắng vì thái độ đón tiếp, làm việc khó chịu của một số cán bộ. Thay vì lý giải cụ thể, tường tận cho người dân thì ở nơi này nơi nọ, cán bộ bắt dân chờ hoặc trả lời qua loa đại khái.

Thay vì nói người dân chuẩn bị sẵn một loạt giấy tờ kèm theo thì có vị hẹn rày hẹn mai, mang lại cảm giác bực bội cho người dân. Từ đó hệ luỵ “cò” chạy giấy tờ xuất hiện, tạo ra sự bát nháo không đáng có nơi công quyền, gây giảm sút niềm tin của người dân.

Có người cho rằng đồng lương nhận mỗi tháng ít quá nên một số cán bộ chỉ “làm nửa vời” vậy thôi, không dại gì trải lòng hướng dẫn người dân. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Nhà nước ta luôn cố gắng tăng lương, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên chức.

Tuy nhiên, tiền lương mới nhúc nhích thì giá cả tiêu dùng ở thị trường đã tăng nhanh chóng. Theo tôi, trong 20 năm tới lương của cán bộ, công nhân viên chức phải được tăng nữa để đảm bảo cuộc sống cho những người trong bộ máy nhà nước.

Khi có lương cao, đảm bảo cho kinh tế gia đình thì họ sẽ không còn chật vật trong nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày. Họ sẽ cố gắng cống hiến cho công việc, phục vụ dân tận tình chứ không nghĩ cách này cách khác để “kiếm tiền”.

Thực tế cho thấy tại các cơ quan công quyền nếu lãnh đạo đàng hoàng, trong sạch, nghiêm chỉnh thì cấp dưới nhất định sẽ học theo và không dám vòi vĩnh, sai phạm với dân. Còn ngược lại thì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Chính vì vậy, các vị lãnh đạo cấp phường, cấp quận, hoặc cấp cao hơn nữa nên thường xuyên vi hành để nắm bắt tình hình. Nếu các vị lãnh đạo, từ nhỏ đến lớn đều chịu khó đóng vai người dân vào các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị tại địa phương xem có thật là còn tình trạng quan liêu không, chắc chắn chúng ta sẽ có một môi trường công quyền tốt.

Những vị cán bộ nào nhăn nhó, chửi dân, vòi tiền phải bị trừng trị như cách chức, đuổi việc, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người khác rút kinh nghiệm.

Từng cấp chính quyền cơ sở, từng phòng ban, sở ngành nên tổ chức bình bầu danh hiệu “tiếp dân giỏi” định kỳ trong mỗi tuần, mỗi tháng chứ không nên đợi cả một quý vì quá lâu.

Cán bộ nào được dân tin yêu thì cần được nêu gương mỗi thứ hai đầu tuần, kèm theo đó là một khoản thưởng bằng vật chất tương xứng. Đó là sự công bằng chứ không vị nể, không đánh đồng công trạng theo kiểu “được chăng hay chớ”. 

* PHAN KIỀN (30 tuổi, thạc sĩ truyền thông – ĐH Quốc gia Hà Nội):

Hà Nội – biểu tượng một trong hai

20 năm nữa, điều mà bản thân tôi và nhiều người trẻ mong muốn đó là phải tách bạch được… hai Hà Nội.

Một Hà Nội biểu tượng cho nền văn hóa kinh kỳ, hoài cổ với những hàng cây cổ thụ, những con ngõ nhỏ, mái ngói, bức tường, những di tích xưa cũ, những phố phường đậm chất kẻ chợ ồn ào, náo nhiệt.

Hà Nội hoài cổ chính là những khu phố trung tâm ở quận Hoàn Kiếm, mà hạt nhân là khu phố cổ. Phải bảo tồn được nguyên trạng để bất cứ ai từ nơi khác khi đặt chân tới cảm nhận được rõ nét, được hít hà một “hương vị” đặc trưng rất Hà Nội.

Một Hà Nội khác ở các quận lân cận là những vệ tinh biểu tượng cho sự phát triển vô cùng hiện đại, xứng tầm là thủ đô của một quốc gia. Ở nơi này cũng cần có những tính toán về những công trình mang dấu ấn của sự phát triển, là biểu tượng của trái tim cả nước trong con mắt của quốc tế.

Về con người, một Hà Nội vẫn giữ được nét thanh lịch, duyên dáng, dịu dàng pha chút kiêu kỳ của Hà Nội gốc. Điều này có thể gìn giữ được qua hệ thống giáo dục – đào tạo chính thống, qua các công cụ giáo dục trực quan từ những tổ chức, đoàn thể.

Nhưng bên cạnh đó, một Hà Nội phát triển, là nơi đầu não về chính trị – xã hội, khoa học – kỹ thuật, văn hoá – nghệ thuật cũng phải quy tụ được đông đảo một lớp trẻ năng động, hiện đại, hội nhập, có tri thức và hiểu biết.

* Anh NGUYỄN TIẾN ĐỨC (28 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, TP Cần Thơ):

Cần Thơ: trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật

Là một công dân của TP Cần Thơ, tôi mong muốn trong 20 năm nữa Cần Thơ sẽ là một trong những trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật bậc nhất VN.

Lý do mà tôi có ước muốn này là vì Cần Thơ hiện là TP trực thuộc trung ương nhưng so với các TP khác cùng cấp thì còn thua xa, đặc biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh là lúa gạo, thuỷ sản, du lịch đặc thù vùng miền.

Cụ thể, TP Cần Thơ nằm trong vựa lúa của cả nước nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn hạn chế, gạo của ta chưa thể cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ; về thuỷ sản cũng còn nhiều hạn chế khi ra thị trường nước ngoài.

Để góp phần cho sự phát triển hơn nữa của TP Cần Thơ, tôi cho rằng cần phải tăng cường giáo dục qua việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, thắt chặt mối quan hệ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tôi cũng đề nghị lãnh đạo TP Cần Thơ cần mở rộng, tăng cường hợp tác hơn nữa để thu hút đầu tư vào TP ngày càng nhiều ở các lĩnh vực như giáo dục, công trình giao thông, thuỷ lợi… 

LÂM HOÀI – C.QUỐC ghi

PHẠM NGUYỄN 
(31 tuổi, TP.HCM)