Gas lậu thêm đất sống?
Nếu “hạ chuẩn” điều kiện cấp phép kinh doanh gas, thị trường này có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Gas lậu thêm đất sống?
Nếu “hạ chuẩn” điều kiện cấp phép kinh doanh gas, thị trường này có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Trạm chiết gas lậu tại Long An bị cơ quan chức năng triệt phá – Ảnh: L.S. |
Gas lậu hoành hành, buôn đứt bán đoạn, loạn thương hiệu gas… là những tồn tại dai dẳng trong ngành gas hiện nay. Và hệ quả là người tiêu dùng bị “móc túi” với sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng với việc “hạ chuẩn” trong điều kiện cấp phép kinh doanh gas theo dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến, thị trường này có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Sang chiết gas lậu thu lợi nhuận khủng
Ngày 13-5, thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Long An cho biết toàn bộ hệ thống bồn chứa, trụ chiết nạp cùng hàng trăm bình gas sang chiết lậu tại trạm chiết gas của Công ty TNHH TM-DV Hà Linh (xã Mỹ Yên, Bến Lức) đã bị tháo dỡ, tạm thu giữ thay vì chỉ niêm phong như trước.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra chín cửa hàng được xác định là “mạng lưới” phân phối, kinh doanh gas của trạm chiết này trên địa bàn, thu giữ hơn 1.000 bình gas vi phạm.
Như Tuổi Trẻ thông tin, trước đó ngày 11-5, Văn phòng thường trực 389 Quốc gia phối hợp với Ban 389 tỉnh Long An, Phòng cảnh sát điều tra kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an tỉnh Long An đã bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang cơ sở này đang thực hiện hành vi sang chiết gas trái phép.
Tại hiện trường, hàng trăm bình gas gồm các thương hiệu: Saigon Petro, Gia Đình gas, VT gas, Total gas… được chiết nạp trái phép. Đại diện chủ sở hữu những thương hiệu trên khẳng định không ký bất cứ hợp đồng sang chiết nào với trạm chiết này. Đây cũng là lần thứ năm kể từ năm 2011, cơ sở này bị phát hiện hành vi sang chiết gas lậu.
Theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh Long An, trung bình mỗi ngày trạm chiết này sang chiết 800 – 900 bình gas. Với mức chênh lệch 80.000 – 100.000 đồng/bình khi bán lẻ ra thị trường, công ty này thu lợi 80 – 100 triệu đồng/ngày.
Trừ các chi phí, lợi nhuận mỗi tháng của trạm chiết lên đến hàng tỉ đồng. Đây không phải là trường hợp cá biệt, thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ sang chiết gas lậu cũng như kinh doanh gas được sang chiết lậu.
“Chính lợi nhuận khủng cùng với mức chế tài không đủ sức răn đe, chỉ xử phạt hành chính của cơ quan chức năng tạo cơ hội cho trạm chiết này ngang nhiên hoạt động trái phép. Hàng ngàn bình gas không đủ tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, trọng lượng đưa ra thị trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ” – ông Trần Minh Loan, phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, bức xúc.
Cũng theo ông Loan, cơ sở sang chiết gas lậu có lợi nhuận khủng do “tay không bắt giặc” khi chiếm đoạt vỏ bình gas, sử dụng nguồn cung ứng gas không đảm bảo chất lượng (gas tạp chất, gas dư không đủ áp suất…), không tốn chi phí bảo dưỡng, kiểm định chất lượng bình gas theo quy định.
Trong khi đó, chủ sở hữu bình gas phải gánh tất cả chi phí này cùng với việc sửa chữa tất cả vỏ bình sau khi các trạm chiết lậu dùng xả láng xong rồi trả về chủ thực.
Cải tiến hay “cải lùi”?
Sau năm năm kể từ thời điểm có hiệu lực, đến nay nghị định 107 về quản lý kinh doanh khí hoá lỏng (gas) bộc lộ khá nhiều hạn chế cần sửa đổi để phù hợp, giúp lành mạnh hoá thị trường. Tuy nhiên, trong những dự thảo nghị định mới được đưa ra góp ý thời gian gần đây, theo các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều điều khoản có tính “cải lùi” chứ không cải tiến như mong muốn.
Chẳng hạn, trong dự thảo mới nhất do Bộ Công thương soạn thảo, điều kiện kinh doanh đầu mối gas không những không siết lại mà mở ra. Theo đó, thay vì 300.000 vỏ như trước, doanh nghiệp chỉ cần có 100.000 – 150.000 vỏ bình gas sẽ đủ điều kiện là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, được cấp phép hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường gas hiện nay đã bão hoà, thậm chí dư thừa về thương hiệu cũng như số lượng vỏ bình. Theo thống kê của Hiệp hội Gas, cả nước hiện có trên 20 triệu vỏ bình gas của trên 60 thương hiệu. Trong khi nhu cầu sử dụng tăng không đáng kể, số lượng vỏ bình cũng như thương hiệu đang dư thừa.
“Việc hạ chuẩn này đồng nghĩa với việc khuyến khích thêm doanh nghiệp tham gia khiến thị trường tiếp tục phân tán, manh mún. Kéo theo đó, tình trạng chiếm dụng vỏ bình, hoán đổi sang chiết gas lậu, gas giả nhiều hơn sẽ khó kiểm soát, thị trường càng thêm loạn” – bà Lê Thị Anh Mẫn, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), nói.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng khẳng định thị trường gas đang đi ngược xu hướng sáp nhập, tăng cường công tác quản lý, tiết giảm chi phí trung gian… nhằm ổn định thị trường, hướng đến lợi ích người tiêu dùng. Cụ thể, tại Thái Lan nhu cầu tiêu thụ gas gấp 4 lần VN nhưng cả nước chỉ có khoảng năm thương hiệu hoạt động mặc dù trước đó thị trường gas nước này từng “trăm hoa đua nở”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phương Đông, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng việc “hạ chuẩn” sẽ khiến công tác quản lý gặp khó trong khi tình trạng bát nháo trong kinh doanh gas hiện nay chưa được chấn chỉnh hiệu quả.
“Với việc hạ chuẩn này, số doanh nghiệp đầu mối tham gia thị trường có thể lên đến 120 thay vì ở mức khoảng 60 doanh nghiệp như hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự vận hành thị trường đang dần đi vào ổn định” – ông Đông nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng cho rằng việc quản lý cấp phép, kinh doanh gas hiện nay gặp khá nhiều khó khăn do thiếu nhân lực trong khi thị trường chưa có hệ thống phân phối bài bản, số lượng doanh nghiệp đầu mối khá nhiều như hiện nay.
Lỗ hổng trong quản lý Bà Lê Thị Anh Mẫn khẳng định quy định trạm chiết chỉ cần có giấy đủ điều kiện chiết nạp là có thể hoạt động là một lỗ hổng lớn trong quản lý. Các trạm chiết chỉ cần ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối nào đó để hợp thức hoá, sau đó tự tung tự tác chiết nạp trái phép cho hàng loạt thương hiệu khác để thu lợi bất chính. “Hiện nay việc quản lý nguồn cung gas đầu vào và đầu ra sản phẩm gas đối với trạm chiết bị bỏ ngỏ. Riêng đối với các trạm chiết cho thương hiệu Saigon Petro, chúng tôi quản lý bằng cách kiểm soát số lượng gas bồn, khi chiết nạp xong hai bên tiến hành niêm phong thiết bị sang chiết để tránh trạm chiết có điều kiện sang chiết lậu” – bà Mẫn chia sẻ. |