11/01/2025

Thêm 5 năm cho Đảng Bảo thủ Anh

Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng Anh David Cameron có một chiến thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử, đồng nghĩa với việc ông có thể thành lập một chính quyền mới và nắm quyền thêm năm năm nữa.

 

Thêm 5 năm cho Đảng Bảo thủ Anh

 

Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng Anh David Cameron có một chiến thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử, đồng nghĩa với việc ông có thể thành lập một chính quyền mới và nắm quyền thêm năm năm nữa.



 

 

Thủ tướng David Cameron và vợ Samantha trở lại dinh thủ tướng ở London ngày 8-5 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng David Cameron và vợ Samantha trở lại dinh thủ tướng ở London ngày 8-5 – Ảnh: Reuters
“Dù mọi người gọi đây là chiến thắng vĩ đại cho Đảng Bảo thủ, nhưng ngược lại, các vấn đề của ông Cameron chỉ mới bắt đầu
Giáo sư Robert Hazell thuộc Đại học London

Nước Anh trải qua một cuộc chiến chính trị gay cấn, trong đó đảng lớn nuốt chửng đảng nhỏ nhưng cũng bị cắn mất những miếng rõ to.

Trái với dự báo của các cuộc thăm dò trước bầu cử, cho rằng Đảng Bảo thủ và Công Đảng ngang tài ngang sức, đảng của Thủ tướng David Cameron có một chiến thắng ngọt ngào khi giành đủ đa số ghế để thành lập chính phủ.

Ông Cameron trở về văn phòng của mình tại số 10 Downing Street với nụ cười tươi rói, Reuters mô tả.

Ông diện kiến Nữ hoàng Elizabeth cùng ngày để nhận chỉ thị thành lập chính phủ mới. Kết quả bầu cử cũng đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ đối mặt với cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và nỗi lo Scotland đòi độc lập.

Đầy bất ngờ

Chiều 8-5 (giờ Việt Nam), kết quả công bố cho thấy Đảng Bảo thủ giành được 331 ghế, dễ dàng vượt quá đa số của 650 ghế để có thể lập chính phủ một đảng lần đầu tiên kể từ năm 1992 mà không cần đến Đảng Dân chủ tự do (LD).

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Thủ tướng Cameron gọi kết quả này là “chiến thắng ngọt ngào nhất” và cam kết sẽ giúp nước Anh đoàn kết.

Ngược lại, số ghế mà LD giành được chỉ đếm trên đầu ngón tay dù đã có 57 ghế trong cuộc bầu cử cách đây năm năm. Một số nhà phân tích nhận định đây là sự trả đũa của cử tri dành cho LD khi quyết định chọn liên minh với Đảng Bảo thủ.

Lãnh đạo LD, Phó thủ tướng Nick Clegg, để ngỏ khả năng sẽ từ chức. Trong khi đó, Đảng Độc lập cho Vương quốc Anh chỉ giành được một ghế và lãnh đạo đảng này Nigel Farage tuyên bố sẽ từ chức.

Ngược lại, Công Đảng trải qua một đêm kinh hoàng, chỉ giành được 232 ghế. Thất bại lớn của Công Đảng là mất trắng 40 ghế tại Scotland vào tay Đảng Dân tộc Scotland (SNP) và chính trị gia Ed Balls mất ghế trong thượng viện.

Ông Balls từng kỳ vọng sẽ trở thành bộ trưởng tài chính Anh nếu Công Đảng thắng cử nhưng rốt cuộc mất ghế vào tay đối thủ Đảng Bảo thủ ở vùng ngoại ô thành phố Leeds chỉ với hơn 400 phiếu bầu.

Một nhân vật khác của Công Đảng là Douglas Alexander thất bại ê chề trước nữ sinh 20 tuổi Đảng SNP Mhairi Black, người sẽ trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong Quốc hội Anh kể từ năm 1667.

Điểm gỡ gạc hiếm hoi của Công Đảng là trở thành đảng lớn nhất tại Xứ Wales sau khi giành được 25 trên 40 ghế tại đây.

Lãnh đạo Công Đảng Ed Miliband rơi nước mắt khi tuyên bố từ chức sau thất bại bầu cử. “Tôi biết ơn những người đã làm việc trong và cho chiến dịch tranh cử. Kết quả là trách nhiệm của chỉ một mình tôi” – ông Miliband viết trên mạng Twitter.

Kết quả gây bất ngờ lớn và truyền thông Anh vẫn không thể lý giải tại sao nó lại chênh lệch lớn với kết quả thăm dò trước bầu cử bởi phương pháp tính toán đều giống nhau và cho kết quả chính xác tại nhiều nước khác.

Hội đồng thăm dò Anh cho biết sẽ mở cuộc điều tra độc lập về việc này. Các cuộc thăm dò vào thời điểm đóng cửa hòm phiếu tại cuộc bầu cử Hạ viện Anh do hai tổ chức Gfk-NOP và Ipsos Morido thực hiện cho các kênh truyền hình BBC, ITV và Sky News cho kết quả khá sát khi dự đoán Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đang dẫn phiếu và có thể giành được 316 ghế trong khi Công Đảng được 239 ghế.

Báo New York Times dẫn lời Peter Hamlin, một công dân London 62 tuổi, đưa ra lý giải: “Tôi nghĩ mọi người có tâm lý chung là họ (Đảng Bảo thủ) đã có một trách nhiệm khó khăn và họ làm khá ổn nên có lẽ lần này nên cho họ một phiếu”.

Và những nỗi lo

Tuy nhiên chiến thắng của SNP không mấy bất ngờ. Các nhà theo chủ nghĩa dân tộc Scotland đánh bại hai đảng lớn để giành 56 ghế so với sáu ghế cách đây năm năm, đồng nghĩa với việc chỉ có ba đại diện từ các đảng lớn của Anh trong tổng số 59 ghế của Quốc hội Scotland.

“Chúng ta đang chứng kiến một cơn sóng thần bầu cử – Reuters dẫn lời Alex Salmond, cựu lãnh đạo SNP – Sẽ khó mà phớt lờ và khó mà ngăn chặn được SNP. Tiếng gầm của những con sư tử đã vang khắp nước Anh sáng nay”.

Điều đáng lo ngại là chiến thắng của SNP có thể khơi lại vấn đề độc lập cho Scotland, nhất là khi London tiến hành trưng cầu việc tách khỏi EU.

Năm ngoái, người dân Scotland đã bỏ phiếu không tách khỏi Vương quốc Anh với tỉ lệ chỉ 55% tán thành. Nhưng theo BBC, điều chắc chắn là SNP sẽ đưa ra các đòi hỏi về cải cách hiến pháp.

“Về chính trị thì sáng nay Scotland và Anh giống như hai quốc gia khác nhau” – BBC bình luận.

Theo giới quan sát, cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi EU vào năm 2017 mà ông Cameron hứa hẹn chắc chắn sẽ diễn ra.

Thủ tướng Cameron từng tuyên bố muốn ở lại EU nhưng chỉ khi khối này thay đổi một số quy định và các cuộc đàm phán về vấn đề này vẫn chưa bắt đầu.

Về nội bộ, kết quả bầu cử đồng nghĩa với việc triển khai kế hoạch cắt giảm chi tiêu công của ông Cameron nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống 140 tỉ USD. Cuối cùng, việc một mình lãnh đạo chính phủ sẽ không dễ dàng cho Đảng Bảo thủ. 

TRẦN PHƯƠNG