Tái cấu trúc ngân hàng vào giai đoạn ‘nước rút’
Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước VN đã quyết định mua lại 2 ngân hàng thương mại cổ phần. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang bước vào cao trào khi hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra.
Tái cấu trúc ngân hàng vào giai đoạn ‘nước rút’
Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước VN đã quyết định mua lại 2 ngân hàng thương mại cổ phần. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang bước vào cao trào khi hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra.
Mua ngân hàng với giá 0 đồng
Ngày 8.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định mua lại toàn bộ cổ phần và chuyển đổi NH thương mại cổ phần (TMCP) Đại Dương (OceanBank) thành NH thương mại TNHH MTV Đại Dương (NH Đại Dương) do nhà nước làm chủ sở hữu. NHNN mua bắt buộc toàn bộ (100%) cổ phần (CP) của OceanBank với giá 0 đồng/CP; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của OceanBank. Vốn điều lệ của NH Đại Dương hơn 4.000 tỉ đồng.
|
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, giám sát NH (NHNN), cho biết để chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền tại OceanBank, tránh tác động lây lan, gây mất ổn định hệ thống NH, NHNN đã quyết định mua toàn bộ cổ phần bắt buộc của OceanBank, chỉ định NH TMCP Công thương VN (VietinBank) tham gia quản trị, điều hành NH Đại Dương.
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc NHNN mua lại OceanBank và NH Xây dựng là cách giải quyết tốn kém nhất vì NHNN và các NH tham gia quản trị, điều hành sẽ phải “bơm” thêm vốn cho NH này hoạt động. Tuy nhiên, đây là giải pháp tối ưu ở thời điểm hiện tại để giữ an ninh tiền tệ, ổn định cho hệ thống tín dụng.
Trước đó vào đầu tháng 3, NHNN đã công bố quyết định mua lại NH TMCP Xây dựng VN (VNCB) với giá 0 đồng và chuyển đổi thành NH thương mại TNHH MTV Xây dựng VN (NH Xây dựng). Đồng thời giao cho NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) tham gia quản trị NH Xây dựng. Sau 2 tháng thực hiện tái cơ cấu NH Xây dựng, ông Đàm Minh Đức, Tổng giám đốc NH Xây dựng, cho hay tốc độ tái cấu trúc NH này hiện đang tiến triển tốt. NH đang tiếp nhận công nghệ từ Vietcombank, hoạt động huy động và cho vay cũng đang dần ổn định.
Khẩn trương sáp nhập
Có thể nói hoạt động tái cấu trúc NH đang vào giai đoạn nước rút. Các thương vụ sáp nhập diễn ra dồn dập hơn. Có thể kể thương vụ NH TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV); NH TMCP xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào NH TMCP Công thương VN; NH TMCP Mê Kông (MDB) sáp nhập vào NH TMCP Hàng hải VN (MaritimeBank)… Trong đó, thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV có lộ trình kết thúc sớm, dự kiến ngày 25.5 là hoàn tất. Đối với thương vụ sáp nhập NH TMCP Phương Nam (SouthernBank) vào NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thì đề án sáp nhập vẫn chưa được NHNN thông qua.
Trước đó nữa có thể kể các thương vụ sáp nhập thành công như NH TMCP Sài Gòn (SCB) hiện nay là NH đầu tiên thực hiện sáp nhập của 3 NH (Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín nghĩa); NH Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Tổng công ty tài chính dầu khí VN sáp nhập NH TMCP Phương Tây thành NH TMCP Đại Chúng VN (Pvcombank); NH TMCP Đại Á và Công ty tài chính SGVF sáp nhập với NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét năm 2015 là năm cuối của Đề án tái cấu trúc NH. Từ đầu năm đến nay, không khí tái cấu trúc NH trở nên khẩn trương hơn. Công việc tái cấu trúc NH vẫn còn nhiều việc phải làm. Việc NHNN mua lại NH Xây dựng và Đại Dương là nỗ lực lớn bởi 2 NH này đã âm vốn thì với giá mua 0 đồng cũng không phải là rẻ. Theo TS Tuấn, đề án tái cấu trúc NH chỉ mới tập trung xử lý những NH yếu kém mà chưa đề cập đến những tổ chức phi tài chính và tái cấu trúc một số NH nhà nước. Ngoài ra, kết thúc năm tái cấu trúc 2015, hệ thống NH cần có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng hơn nhằm tránh chu kỳ quay lại tái cấu trúc. Hiện nay, các NH đều đưa ra định hướng chiến lược phát triển trở thành NH bán lẻ giống nhau nên cơ chế cần có những khuyến khích đa dạng sản phẩm dịch vụ NH phục vụ khách hàng. Cần có sự rạch ròi hơn trong việc phân loại loại hình kinh doanh NH như NH thương mại, NH đầu tư, kinh doanh bảo hiểm nhằm tránh các rủi ro.
Thanh Xuân – Thu Hằng